TP.HCM thống nhất dừng dự án xe buýt nhanh BRT gần 3.300 tỉ đồng

09:50, 17/08/2023

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã thống nhất chủ trương dừng thực hiện dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM - dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 tổng mức đầu tư gần 3.300 tỉ đồng.

Mới đây, UBND TP.HCM đã có báo cáo gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển Giao thông xanh TPHCM.

Theo UBND TP.HCM, World Bank có thư ngày 27/9/2022 và thư ngày 15/6/2023 gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về ngừng thực hiện dự án này. Đến ngày 24/7, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM có thông báo kết luận về việc thống nhất chủ trương dừng thực hiện dự án theo đề nghị của World Bank.

Dự án tuyến xe buýt BRT với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng sẽ được xây dựng dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, đây là con đường được đánh giá là hiện đại và đẹp bậc nhất TP.HCM, với chiều dài khoảng 26km. Theo dự kiến, tuyến xe này sẽ được hoạt động vào cuối năm 2023.

TPHCM Dừng tuyến buýt nhanh BRT gần 3300 tỷ đồngDừng tuyến buýt nhanh BRT gần 3.300 tỷ đồng.

Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM (gọi tắt là tuyến BRT số 1) được Thủ tướng phê duyệt ngày 19/11/2013 với tổng mức đầu tư gần 156 triệu USD sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB). Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (từ 2014 đến 2019).

Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng, UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án đầu tư với thời gian thực hiện từ năm 2015-2020, do thành phố phải hoàn thành công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và phù hợp theo tiến độ triển khai thực tế của dự án. Tuy nhiên, đến nay dự án đã chậm trễ vì gặp nhiều vướng mắc.

Trước đó, giữa tháng 11/2020, UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư phát triển giao thông xanh TP.HCM sử dụng vốn vay ODA của WB.

Tại tờ trình, UBND TP.HCM kiến nghị giảm tổng mức đầu tư dự án từ 155,8 triệu USD thành 143,6 triệu USD. Trong đó vốn vay WB là 123,6 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 20,06 triệu USD. Đồng thời, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2014 - 2019 thành 2014 - 2023.

Lý do điều chỉnh thời gian thực hiện dự án vì từ năm 2016 đến năm 2018 các cơ quan chức năng ở TP.HCM rà soát, đánh giá tính khả thi, hiệu quả ở dự án BRT nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện theo mục tiêu dự án; tiết kiệm về suất đầu tư, tổng mức đầu tư, chất lượng phục vụ, quản lý khai thác...

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm định của các bộ, ngành, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án phát triển giao thông xanh. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp các bộ ngành, nhà tài trợ và UBND thành phố để đẩy nhanh thủ tục điều chỉnh hiệp định tài trợ của dự án.

Ngày 23/11/2020, Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến BRT số 1, theo đó, điều chỉnh vốn và thời gian thực hiện dự án đến tháng 12/2023, đồng thời giao TP.HCM làm thủ tục điều chỉnh quyết định đầu tư dự án theo nội dung được duyệt.

Đến đầu tháng 12/2020, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh dự án và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư.

Theo thuongtruong.com.vn

(https://thuongtruong.com.vn/news/tphcm-thong-nhat-dung-du-an-xe-buyt-nhanh-brt-gan-3300-ti-dong-107831.html)