Trả lại tên cho liệt sĩ: Tìm hướng công nghệ mới cho giám định ADN

15:22, 27/07/2023

Định danh hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa nhân văn, luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo hướng giải quyết. Tuy vậy, hoạt động giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị, tổ chức giám định trong và ngoài nước cũng như tìm kiếm những công nghệ mới để công tác này có hiệu quả hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khẳng định công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; cần làm tốt công việc này với tất cả tấm lòng, trái tim, trách nhiệm.

Những ngày tháng 7 tri ân các anh hùng, liệt sĩ, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã đến thăm Trung tâm Giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) để tìm hiểu việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào giám định hài cốt liệt sĩ - một lĩnh vực nhiều khó khăn, phức tạp.

Qua những câu chuyện chia sẻ ở Trung tâm, phóng viên mới hiểu hành trình tìm lại tên cho một liệt sĩ gian nan, vất vả thế nào. Đó là những ngày các giám định viên của Trung tâm trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dãi nắng dầm mưa nhiều ngày ở các nghĩa trang liệt sĩ để khai quật từng ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên. Đó là nhiều giờ đồng hồ, cũng trong bộ đồ bảo hộ kín mít, anh em cần mẫn ngồi đánh một mẫu vật là răng của người đã khuất và đó còn là những nỗi buồn khi mất nhiều tuần để xử lý mẫu nhưng cuối cùng cũng không lên ADN được…

TS. Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm Giám định ADN cho hay trong những năm qua, Trung tâm đã thu hút được đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ. Họ làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, đặc thù nhưng luôn nhiệt huyết với mong muốn được đóng góp công sức của mình cho công tác đền ơn, đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ và những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

"Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 300.000 mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin chưa được xác định danh tính. Tại Trung tâm Giám định ADN, chúng tôi đang lưu gần 6.000 mẫu, trong đó khoảng 4.000 mẫu đã từng được phân tích và 2.000 mẫu đang chờ phân tích", TS. Hoàng Hà cho hay.

Các nhà khoa học chia sẻ quy trình giám định ADN với hài cốt khá phức tạp. Từ mẫu xương, các kỹ thuật viên phải làm sạch bề mặt, phơi khô rồi cắt nhỏ, sau đó lấy máy đánh cao răng tiếp tục làm sạch bề mặt. Công việc làm sạch kéo dài cả tuần. Mẫu vật sau đó được ngâm hóa chất rồi nghiền nhỏ, lấy ADN khuếch đại rồi giải trình tự.

Hơn nữa, các mẫu hài cốt được quy tập, an táng tại nhiều nghĩa trang dọc đất nước, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở các vùng khác nhau có thể gây ra những ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng mẫu.

Các liệt sĩ hi sinh đã lâu nên phần lớn mẫu bị phân huỷ nặng nề và chất lượng mẫu suy giảm nhanh chóng, rất nhiều mẫu phải lặp lại phân tích nhiều lần. Do đó, không thể sử dụng một hay một vài quy trình công nghệ để áp dụng cho tất cả các mẫu mà luôn cần sự phát triển, tối ưu, thử nghiệm các quy trình mới.

Giám định viên của Trung tâm Giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) phân tích một mẫu hài cốt liệt sĩ.

Ngoài ra, sự thiếu hụt cơ sở dữ liệu tập trung khiến quá trình so khớp với dữ liệu hài cốt chưa hiệu quả. Hiện tại, các đơn vị giám định tại Việt Nam chủ yếu sử dụng phương pháp so sánh đối khớp 1-1 giữa hồ sơ ADN ty thể của mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ trong từng trường hợp cụ thể.

Định danh hài cốt liệt sĩ quy mô lớn có yêu cầu việc xây dựng cơ sở dữ liệu để lưu trữ và khai thác không chỉ dữ liệu ADN ty thể mà còn dữ liệu ADN nhân (ví dụ STR, SNP). Ngoài ra, dữ liệu về thân nhân liệt sĩ còn rất hạn chế, chủ yếu là từ các trường hợp đơn lẻ. Nhiều thân nhân liệt sĩ đã cao tuổi, nhiều người đã mất nên cần đẩy nhanh tiến độ giám định.

Kinh phí giám định ADN hiện tại ở mức 4,685 triệu đồng/mẫu và kết quả giám định vẫn rất thấp so với yêu cầu thực tế. Các mẫu giám định thực hiện nhiều lần nhưng không ra kết quả mà chưa có cơ chế thanh toán chi phí vật tư hóa chất và nhân công.

Trả lại tên cho liệt sĩ: Tìm hướng công nghệ mới cho giám định ADN - Ảnh 2.

Các nhà khoa học quyết tâm cao để đáp ứng nguyện vọng của Đảng, Chính phủ cũng như của nhân dân về vấn đề định danh hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và đặc biệt là tri ân sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Hướng công nghệ mới giám định các mẫu khó

TS. Hoàng Hà cho hay hiện nay, phương pháp giám định gen chính áp dụng cho mẫu hài cốt đang sử dụng tại Trung tâm và các đơn vị giám định khác tại Việt Nam là phân tích ADN ty thể.

Mặc dù phương pháp này đã hỗ trợ nhiều kết luận xác định danh tính nhưng quá trình giám định ADN hài cốt gặp không ít thách thức khi số lượng mẫu lớn và chất lượng mẫu giảm. Tính hiệu quả của các phương pháp tách chiết ADN hiện tại đối với những mẫu phân huỷ mạnh ngày càng giảm. Do đó, dịch tách ADN thu được có thể không đủ về lượng và chất để sử dụng cho phản ứng giải trình tự gen.

Ngoài ra, ADN ty thể có khả năng phân biệt cá thể thấp do xác suất trùng hợp ngẫu nhiên của hồ sơ ADN ty thể trong quần thể cao, vì vậy dữ liệu ADN ty thể không thể được sử dụng độc lập mà cần kết hợp các bằng chứng khác trước khi đưa ra kết luận định danh.

Trong giai đoạn này, Trung tâm đang hợp tác với tổ chức giám định quốc tế (Uỷ ban Quốc tế về tìm kiếm người mất tích - ICMP) nghiên cứu thử nghiệm các công nghệ tách chiết ADN mới và một công nghệ giải trình tự gen có tên gọi MPSplex SNP. Các công nghệ này được thiết kế đặc biệt để nhận dạng người mất tích và có khả năng ứng dụng cho các mẫu phân hủy nghiêm trọng, ADN phân mảnh.

"Điều này là vô cùng hiệu quả trong giám định các mẫu khó như mẫu hài cốt liệt sĩ Việt Nam, khi ADN từ các mẫu giám định đã bị tàn phá nặng nề", TS. Hoàng Hà cho hay.

Quy trình tách chiết ADN của ICMP sử dụng kỹ thuật khử khoáng toàn phần mẫu xương và sử dụng các màng đặc biệt giúp cô đặc ADN, tăng cường hàm lượng các đoạn ADN kích thước ngắn thu về trong dịch tách chiết. Ngoài ra, quy trình đã được điều chỉnh cho phù hợp các hệ thống tách chiết tự động để có khả năng tự động hóa một phần.

Đối với công nghệ giải trình tự mới, việc sử dụng SNP – là một loại chỉ thị phân tử trong gen nhân – có thể đưa đến kết luận nhận dạng xác định giữa mẫu giám định không chỉ với những người họ hàng gần mà còn với những người họ hàng xa. Cách làm này cho thấy sự phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, khi bố, mẹ, anh, chị, em ruột của liệt sĩ đã lớn tuổi, nhiều người đã mất. MPSplex với số lượng rất lớn (hơn 1.400) chỉ thị phân tử SNP, hoạt động thông lượng cao trên những hệ thống tự động, cho thấy tiềm năng trong việc định danh hài cốt liệt sĩ Việt Nam ở quy mô lớn.

Các nhà khoa học quyết tâm cao để đáp ứng nguyện vọng của Đảng, Chính phủ cũng như của nhân dân về vấn đề định danh hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và đặc biệt là tri ân sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.

Theo TS. Hoàng Hà, đây là những công nghệ mới, hiện đại, đòi hỏi hệ thống máy móc, hoá chất, vật tư tiên tiến, quy trình giám định bao gồm nhiều bước với các thao tác kỹ thuật cần độ chính xác cao, do đó yêu cầu các cán bộ giám định có năng lực, giàu kinh nghiệm. Việc áp dụng các công nghệ này cần diễn ra theo nhiều bước từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn.

Sắp tới, Trung tâm sẽ tiến hành thử nghiệm một số quy trình tách chiết ADN tại phòng thí nghiệm với sự hỗ trợ về thiết bị, máy móc, hoá chất và vật tư từ ICMP để có những đánh giá ban đầu về hiệu quả và khả năng ứng dụng của những quy trình này tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, việc thử nghiệm công nghệ tách chiết ADN và giải trình tự gen tại Việt Nam sẽ được tiến hành theo nhiều giai đoạn trong vòng 2 năm, bắt đầu từ tháng 7/2023.

"Việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là nhiệm vụ chính trị đặc biệt ý nghĩa, luôn được Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo và ủng hộ. Với sự hợp tác giữa các đơn vị, tổ chức giám định trong và ngoài nước, chúng tôi hy vọng tiến độ giám định hài cốt liệt sĩ sẽ được tăng cường và đạt hiệu quả cao", TS. Hoàng Hà nói.

Trung tâm cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn về mặt kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức, doanh nghiệp … trong nước và quốc tế để có thể bảo đảm việc nâng cao năng lực giám định, mở rộng thêm các phòng thí nghiệm, cập nhật nghiên cứu ở trình độ công nghệ của thế giới đối với quy trình giám định ADN hài cốt liệt sĩ phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học) đã tiếp nhận 132 mẫu hài cốt liệt sĩ từ 4 nghĩa trang liệt sĩ và các trường hợp mẫu so sánh khớp nối giữa thân nhân và hài cốt liệt sĩ.

Phối hợp với ICMP phân tích 100 mẫu xương có độ phân hủy khác nhau để tối ưu hóa quá trình tách chiết ADN từ nhân. Kết quả này sẽ là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng một phương pháp mới nhằm nâng cao công suất và hiệu quả giám định.

Trung tâm cũng đã xây dựng và công bố quốc tế thành công một nghiên cứu liên quan đến phân tích ADN mẫu xương có niên đại hơn 4.000 năm. Đây là cơ sở mở ra một hướng nghiên cứu mới đó là di truyền khảo cổ.

Theo Báo Chính phủ

https://baochinhphu.vn/tra-lai-ten-cho-liet-si-tim-huong-cong-nghe-moi-cho-giam-dinh-adn-102230725183136807.htm