Trao chứng nhận kiểm định chất lượng Ngành Kế toán Học viện Tài chính

15:35, 06/03/2023

Cùng với sự hình thành và phát triển của Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) trong 60 năm qua, chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp luôn có nhiều nỗ lực và đóng góp trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ kế toán, kiểm toán có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, kỹ năng làm việc thành thạo và đạo đức nghề nghiệp vững vàng.

Sáng ngày 6-3, Học viện Tài chính tổ chức công bố quyết định và trao chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành Kế toán trình độ đại học.

PGS.TS Nguyễn Phương Nga (thứ hai từ trái qua phải) trao chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành Kế toán trình độ đại học.

PGS.TS Nguyễn Phương Nga (thứ hai từ trái qua phải) trao chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành Kế toán trình độ đại học.

Là đơn vị tham gia kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành Kế toán trình độ đại học của Học viện Tài chính, PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam) – nhấn mạnh, đây là một trong những ngành nòng cốt và chủ lực của Học viện.

Việc trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo một lần nữa khẳng định về uy tín, chất lượng đào tạo của ngành này. Người học, phụ huynh, doanh nghiệp, xã hội có thể yên tâm về nguồn nhân lực được đào tạo từ đây.

Cũng giống như các chuyên ngành khác của Học viện Tài chính, mục tiêu chung của chuyên ngành Kế toán Doanh nghiệp là đào tạo ra các cử nhân kinh tế có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt; nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế – xã hội, quản trị kinh doanh; có trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc; có kiến thức chuyên sâu về kế toán, kiểm toán, phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh; có khả năng hoạch định chính sách kế toán, kiểm toán và giải quyết các vấn đề về tài chính, kế toán, kiểm toán. 

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện Tài chính cho hay, ngành Kế toán gắn liền với sự phát triển của Học viện. Đến nay, ngành đã có 60 năm xây dựng và phát triển.

Ngành Kế toán Học viện Tài chính đạt kiểm định chất lượng ảnh 2

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại buổi lễ.

“Ngành Kế toán và các ngành khác của Học viện đạt kiểm định chất lượng là việc bình thường. Bởi chúng tôi luôn coi chất lượng là hàng đầu trong quá trình đào tạo” - PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ khẳng định.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, các chương trình đào tạo của Học viện được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Minh chứng là, 98% sinh viên sau khi tốt nghiệp 1 năm đã có việc làm. Thậm chí, nhiều sinh viên được doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay trong thời gian thực tập. Ngay cả trong thời dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ sinh viên có việc của Học viện luôn ở mức cao. Nhiều sinh viên chưa nhận bằng tốt nghiệp nhưng đã có việc làm với mức thu nhập ổn định.

Cũng theo Giám đốc Học viện Tài chính, kiểm định chất lượng là cơ hội để xã hội hiểu và đánh giá đúng về chất lượng đào tạo của Học viện. Thông qua hoạt động này, chúng ta nhận được nhiều khuyến nghị của các chuyên gia trong đoàn giám sát; nếu phù hợp thì có thể triển khai ngay, còn những gì chưa phù hợp cần chuẩn bị điều kiện để sớm khắc phục.

Trong 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Kế toán luôn là một ngành đào tạo chủ lực của Học viện Tài chính, được xã hội đánh giá cao. Hiện, ngành Kế toán tổ chức đào tạo 3 chuyên ngành: Kế toán doanh nghiệp; Kiểm toán; Kế toán công. Quy mô đào tạo của ngành trung bình hàng năm trong giai đoạn 2016 – 2021 khoảng 1.300 sinh viên (Tổng quy mô là trên 5.000 SV), chiếm gần 30% tổng quy mô đào tạo của Học viện và là ngành kế toán có quy mô đào tạo lớn nhất cả nước. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp luôn đạt trên 98%.

Có thể thấy rằng, Chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp đã có những nỗ lực trong đào tạo theo quan điểm đào tạo xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, chú trọng xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với xu thế thế giới, phù hợp với chương trình đào tạo của các hội nghề nghiệp nhằm hướng tới sự thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ sở đào tạo về chuyên môn và bằng cấp, chứng chỉ.

Bên cạnh đó, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa học viện với các doanh nghiệp, các tổ chức đã giúp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu được gắn kết, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu về nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán cho công tác quản lý kinh tế thời đại chuyển đổi số như hiện nay.

Bảo Trân (T/h)