Trẻ em Việt Nam đang sử dụng điện thoại sớm hơn 4 năm so với thế giới
Báo cáo mới nhất của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) cho thấy, trẻ em Việt dùng điện thoại sớm 4 năm so với thế giới. Điều này có thể gây ra không ít hệ lụy cho sức khỏe và tinh thần.
Theo báo cáo Digital Việt Nam 2024 của Datareportal, tính đến năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, tỉ lệ tiếp cận đạt 79,1%. Việt Nam có 72,2 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73,3% tổng dân số.
Số liệu mới nhất của Cục Trẻ em, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) hiện nay có tới 89% trẻ em truy cập và sử dụng Internet mỗi ngày, 5-7 tiếng/ngày. Độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại di động là 9, trên thế giới là 13. Nghĩa là trẻ em nước ta có điện thoại sớm hơn 4 năm so với trẻ em trên thế giới (khảo sát của Google thực hiện 2022).
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD), các rủi ro mà trẻ có thể gặp trên mạng rất đa dạng, gồm tin giả, tin kích động, bạo lực, những video, hình ảnh không phù hợp, hay bị phát tán thông tin, bị lôi kéo tham gia nội dung không lành mạnh.
Lý giải, bà Linh cho rằng do các em chủ yếu tự học về Internet nên chưa hiểu đầy đủ những nguy cơ khi sử dụng. Ngoài ra, người lớn chưa giải thích thấu đáo mà chỉ cấm đoán sẽ gây tác dụng ngược, khiến các em càng tò mò và tìm hiểu.
Internet có thể vượt qua cánh cửa an toàn của gia đình, nhà trường, nên cần có biện pháp bảo vệ trẻ. Tháng 6/2021, Chính phủ phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2021-2025". Ngoài các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, giáo dục để nâng cao nhận thức cho các em là một giải pháp được nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, máy tính, điện thoại là những thiết bị di động phát ra tia HEV (ánh sáng xanh) rất có hại cho mắt. Nếu nhìn nhiều, trẻ sẽ bị nhức mỏi, khô hoặc đau mắt. Duy trì trong thời gian dài, HEV có thể gây suy giảm thị lực. thậm chí gây ung thư mắt. Bên cạnh đó, bức xạ điện thoại cũng gây căng thẳng thần kinh não, tạo cảm giác hồi hộp, lo âu. Sử dụng điện thoại nhiều có thể khiến trẻ có cảm giác cô đơn, thậm chí dẫn đến trầm cảm.
Trẻ em thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử dễ gây mất ngủ, ngủ không sâu giấc. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, suy giảm nhận thức. Đối với trẻ em chưa biết nói (dưới 2 tuổi) nếu thường xuyên tiếp xúc với điện thoại, máy tính bảng sẽ khiến trẻ bị hạn chế về khả năng sử dụng ngôn ngữ, chậm nói.
Với trẻ lớn hơn, khi sa đà vào vào các trò chơi trên điện thoại, các trang mạng xã hội,… trẻ sẽ không còn thời gian để giao tiếp với cha mẹ, bạn bè và thầy cô. Mặt khác, việc trẻ sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài sẽ gia tăng nguy cơ mất tập trung. Những thông tin, hình ảnh và video bạo lực trên mạng có thể ảnh hưởng xấu, khiến trẻ bớt nhạy cảm với bạo lực.
Video và trò chơi trực tuyến cũng hạn chế khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ, làm chậm phát triển các giác quan vận động và thị giác. Mải mê với thế giới ảo trên các thiết bị điện tử, trẻ dần mất đi khả năng suy nghĩ độc lập, lệ thuộc vào các thiết bị điện tử.
Nguy hiểm hơn, các thiết bị điện tử còn có khả năng gây nghiện. Nhiều trẻ bứt dứt, khó chịu khi bị cha mẹ tịch thu hoặc giới hạn thời gian sử dụng điện thoại/máy tính bảng, thậm chí có trẻ phải điều trị tâm lý.