Trí thức khoa học công nghệ - nền tảng cho sự phát triển trong tình hình mới
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ không chỉ là nguồn nhân lực then chốt mà còn là nhân tố quyết định cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Ngày 22/12/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Coi phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc. Trong đó, ưu tiên phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại Lễ tôn vinh Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024, nêu bật mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam không thể thiếu đóng góp của trí thức, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đặt niềm tin vào đội ngũ trí thức nước nhà. Xây dựng lực lượng trí thức vững mạnh, toàn diện và phát triển bền vững là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội”.
Phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao là yếu tố then chốt cho sự phát triển kinh tế xã hội. Ảnh minh họa
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khoa học và công nghệ nước ta đang từng bước hội nhập và giao lưu với các nền khoa học công nghệ quốc tế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, trao đổi kinh nghiệm và tiếp thu những thành tựu mới nhằm phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm khoa học công nghệ nước ngoài, cùng với những tranh chấp mới liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và kiểu dáng công nghiệp, đã đặt ra những thách thức không nhỏ. Bên cạnh đó, yêu cầu cấp thiết về xây dựng hành lang pháp lý, thể chế, chính sách và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học cũng đang được đặt lên hàng đầu.
Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ theo mô hình “vừa hồng vừa chuyên” – vừa đảm bảo đủ số lượng, vừa nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tư - Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Ánh Dương tại Thành phố Thanh Hóa, đã có nhiều đóng góp xuất sắc.
Ông trực tiếp nghiên cứu và chế tạo ra các thiết bị như máy in mạch điện, máy khắc xung, máy điều chế vàng, máy khử khí độc; đặc biệt, ông đã sáng tạo ra loại máy sấy áp suất thấp, tự động đối lưu luồng khí. Loại máy sấy này có khả năng xử lý đa dạng các chủng loại sản phẩm mà vẫn giữ được tính chất sinh học, hương vị, màu sắc và hình dáng, đồng thời tiết kiệm điện năng. Sản phẩm của ông đã đạt Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa năm 2023, qua đó, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tư được Chủ tịch UBND tỉnh vinh danh là một trong 10 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024 của địa phương.
Hay như tại Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông – doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học. Kỹ sư Nguyễn Thị Hảo, thuộc Phòng Kiểm định chất lượng, chia sẻ: “Bản thân tôi, với kiến thức chuyên môn vững vàng, luôn nỗ lực học hỏi, sáng tạo và đổi mới không ngừng. Tinh thần kiên trì, bền bỉ và đạo đức nghề nghiệp là những yếu tố quan trọng giúp chúng tôi tạo ra các dòng sản phẩm chất lượng, đáp ứng xu hướng phát triển của thị trường”.
Tính đến nay, đội ngũ trí thức của Thanh Hóa đã có trên 236.000 người hoạt động trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế – xã hội. Toàn tỉnh có 38 tổ chức khoa học và công nghệ, 31 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, cùng hơn 4.000 cán bộ, viên chức trực tiếp tham gia nghiên cứu và triển khai các hoạt động khoa học công nghệ. Trong 10 năm qua, đội ngũ này đã thực hiện trên 400 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, góp phần giải quyết nhiều yêu cầu bức thiết của xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, những đóng góp của đội ngũ trí thức không chỉ được ghi nhận tại Thanh Hóa mà còn lan tỏa rộng khắp các địa phương. Tại Bắc Giang, Hội Các nhà khoa học Bắc Giang tại Hà Nội đã thành lập và kết nối các nhà nghiên cứu quê hương, tạo diễn đàn trao đổi thông tin và tôn vinh những đóng góp của các trí thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tại TP. Huế, GS. TS Hoàng Thị Thái Hòa - Trưởng Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế, đã được vinh danh là “Nhà khoa học của Nhà nông” nhờ vào những đề tài nghiên cứu xuất sắc trong và ngoài nước. Còn tại Đắk Lắk, nhiều trí thức và nhà khoa học đã không ngừng cống hiến cho sự nghiệp phát triển dân tộc, trở thành tấm gương về đạo đức nghề nghiệp và sự tận tâm vì cộng đồng.
PGS. TS Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho biết, để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp cụ thể như tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác trí thức. Tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp đối với trí thức khoa học và công nghệ để đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối Đảng, với Tổ quốc với nhân dân, đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt trọng trách của người trí thức trong thời kỳ mới.
Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên, đổi mới, đa dạng hóa phương thức hoạt động, thể hiện rõ vai trò của trí thức trong việc đóng góp xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Tăng cường gắn kết đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài đóng góp cho đất nước. Tôn trọng, lắng nghe, lựa chọn tiếp thu một cách khách quan, khoa học, công tâm, dân chủ ý kiến của trí thức.
Nghiên cứu, rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức. Có chế độ, chính sách, chế độ đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục thể chế hóa, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác trí thức. Tạo điều kiện để các hội trí thức thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội; có cơ chế tạo điều kiện cho các hội trí thức tham gia thực hiện một số dịch vụ công, giám sát hoạt động nghề nghiệp, kiểm định và công bố chất lượng một số dịch vụ công...