Trung Quốc: Đối nghịch giữa “nói và làm”
Sự “hai mặt” của Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ giữa “nói và làm” trước cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những sự kiện trên Biển Đông trong thời gian gần đây.
- Biển Đông: Cả tàu sân bay Mỹ và hạm đội của Nga cùng "tụ hội"
- Vạch trần việc Trung Quốc đang cố biến Biển Đông thành “ao nhà”!
- Trung Quốc: Quốc gia hiếu chiến nhất biển Đông
- Trung Quốc nói sẽ không tham gia vụ kiện tranh chấp biển Đông
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc "gây bất ổn" ở biển Đông
- Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông
- Khu trục USS Blue Ridge thuộc Hạm đội 7 đang ở trong vùng biển Đông
- Google sửa sai về chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông
Ông Dương Khiết Trì (TQ) - nói: Kiềm chế, không để xảy ra xung đột, không để quan hệ hai nước xấu đi
Ngày 18/6, trong cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc giữ gìn và tăng cường phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Tuy nhiên mới đây, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Dầu khí Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải và hòa bình, ổn định của khu vực, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam và tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Phó Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 mà cả hai nước đều là thành viên. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, kiểm soát tình hình không để xảy ra xung đột, đàm phán giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay cũng như các bất đồng khác giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc: Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Phía Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì cũng khẳng định, Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam, nhất trí hai bên cần sớm ổn định tình hình trên biển, kiềm chế không để xảy ra xung đột, không để quan hệ hai nước xấu đi, cùng nhau nỗ lực thúc đẩy các mặt hợp tác giữa hai nước có những bước phát triển sâu rộng và thực chất hơn nữa, đồng thời nhắc lại lập trường của Trung Quốc về Biển Đông.
Ông Dương Khiết Trì còn là một trong những quan chức cấp cao của Trung Quốc đầu tiên phía Việt Nam đã điện đàm để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép HD-981 trong vùng biển Việt Nam. Trong cuộc điện đàm này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã phản đối hành động di chuyển dàn khoan của Trung Quốc, khẳng định hành động này là bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này.
Trung Quốc – làm: Đưa tiếp giàn khoan thứ hai tới vùng biển Hoàng Sa
Trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc vừa thông báo, nước này bắt đầu di chuyển giàn khoan Nam Hải 9 (Nan Hai Jiu Hao) trên khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thông tin cho biết, giàn khoan Nam Hải 9 di chuyển từ tọa độ 17 độ 38 vĩ Bắc, 110 độ 12,3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14,1 vĩ Bắc, 109 độ 31 kinh Đông trên Biển Đông trong thời gian từ ngày 18 đến 20/6.
Giàn khoan Nam Hải 9 trên Biển Đông.
Giàn khoan Nam Hải 9 có chiều dài tổng thể là 600m, di chuyển với tốc độ 4 hải lý/giờ (tức khoảng 7km/giờ).
Bản tin trên trang của Cục Hải sự Trung Quốc không nói cụ thể hướng di chuyển, nhưng các trang mạng khác của Trung Quốc cho rằng, giàn khoan này "được kéo về hướng Tây Sa", tức Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không được ghi nhận trên các trang báo chính thống Trung Quốc.
Giàn khoan này là loại nửa chìm nửa nổi, thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Hiện chưa rõ giàn khoan này có hạ đặt đặt trên biển Đông hay không và nếu có thì hạ đặt trong bao lâu.
Cũng Công ty này, vào đầu tháng 5 đã đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào hạ đặt gần quần đảo Hoàng Sa, sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngang nhiên thực hiện hoạt động thăm dò.
Trung Quốc còn huy động nhiều tàu, máy bay ra giàn khoan và liên tục chủ động đâm va, uy hiếp các tàu Việt Nam làm nhiệm vụ chấp pháp tại khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Trong khi Việt Nam đã nỗ lực đối thoại với Trung Quốc ở nhiều cấp và nhiều lần, đồng thời phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh đến các nước và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc không những không chấm dứt hoạt động phi pháp mà còn mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan 981.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lập trường về chủ quyền của VN với Hoàng Sa không thể thay đổi
Tiếp ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì chiều qua (18/6) tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ủy viên Quốc vụ TQ Dương Khiết Trì.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh ông Dương Khiết Trì sang Việt Nam tiến hành cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương giữa hai nước.
Tổng bí thư khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc; mong muốn giữ gìn, củng cố và không ngừng làm cho quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước; đánh giá cao về những bước phát triển tích cực trong quan hệ Việt-Trung trong những năm gần đây.
Tổng bí thư nhấn mạnh tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến nay đối với nhân dân Việt Nam, cục diện quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực.
Tổng bí thư khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi; đề nghị hai nước khẩn trương trao đổi để có các giải pháp sớm ổn định tình hình, tạo tiền đề cho các giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ lợi ích đại cục của hai nước, trên cơ sở các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển 1982.
Thanh Trà (tổng hợp)