Vạch trần việc Trung Quốc đang cố biến Biển Đông thành “ao nhà”!
Với mưu đồ, “giả” với giàn khoan Hải Dương 981, nhưng “thực” là xây dựng trái phép tại Gac Ma, Trung Quốc đang cố biến Biển Đông thành “ao nhà”.
- Đang hình thành liên minh Nhật - Úc - Ấn - Mỹ đối nghịch Trung Quốc
- Gây hấn với Việt Nam, Trung Quốc có thể bị một “Trân Châu Cảng” mới!
- Trung Quốc: Quốc gia hiếu chiến nhất biển Đông
- Dụng “bài cũ” với VNCH và Philippines, Trung Quốc ắt sẽ thảm bại
- Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép như thế nào?
- Trung Quốc chi bao nhiêu cho quốc phòng trong năm 2014?
- Trung Quốc nói sẽ không tham gia vụ kiện tranh chấp biển Đông
- Quốc hội, Chính phủ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép
ASEAN: Yêu cầu Trung Quốc dừng thay đổi hiện trạng trên Biển Đông
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã đề nghị các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông ngừng các hành động có thể dẫn tới căng thẳng leo thang trên Biển Đông ngày hôm qua, 16/6.
Ngoại trưởng Albert del Rosario, Philippines.
Đề xuất này dựa trên ý kiến của ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Châu Á - Thái Bình Dương đưa ra ngày 11/6 trong chuyến thăm Myanmar - ông Rosario cho biết.
“Hãy cùng đề nghị tạm ngừng các hoạt động làm leo thang căng thẳng” – Ngoại trưởng Philippines phát biểu trên kênh truyền hình ANC. “Chúng ta hãy làm điều này, trong khi cùng nỗ lực đẩy nhanh thống nhất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và thực hiện hiệu quả các thỏa thuận”.
Ngoại trưởng Albert del Rosario nhấn mạnh, các hành động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam có mục đích thay đổi hiện trạng, nhằm thực hiện bá quyền của nước này trên Biển Đông. Cùng đó, ông cũng cho biết sẽ đề nghị Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) yêu cầu Trung Quốc dừng hoạt động xây dựng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Cùng với việc kêu gọi cộng đồng quốc tế, chính quyền Philippines đã nâng cấp căn cứ hải quân tại vịnh Ulugan để đối phó với Trung Quốc. Vịnh Ulugan - một vịnh nhỏ ở phía Tây đảo Palawan của Philippines, được bao quanh bởi rừng cây ngập mặn, có một căn cứ hải quân nhỏ, nay được Philippines nâng cấp thành một địa điểm quan trọng trong công tác quốc phòng, nhằm bảo vệ các vùng biển đảo và vùng lãnh hải của nước này đang tranh chấp trên Biển Đông.
Việt Nam: Phản đối mạnh mẽ TQ xây dựng trái phép ở Gạc Ma
Chiều qua 16/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế lần thứ 5 kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc đang cải tạo trái phép ở bãi Gạc Ma.
Tại đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, bằng chứng để khẳng định chủ quyền ở Trường Sa. Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết Trung Quốc đã mở rộng, xây dựng công trình trái phép ở Gạc Ma và một số điểm khác vốn bị Trung Quốc chiếm từ tháng 3/1988".
"Việt Nam cực lực phản đối hành vi này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xây dựng mở rộng trái phép, các hành động thay đổi hiện trạng, không để hành động tái diễn trong tương lai vì nó ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở biển Đông", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏi 29 đảo, đảo đá ở Trường Sa, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia khẳng định, đề nghị của Trung Quốc rất vô lý, chúng tôi bác bỏ đề nghị đó. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền ở Trường Sa. "Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm một số bãi ở Trường Sa nên chính Trung Quốc phải rút khỏi những đảo họ đã dùng vũ lực xâm chiếm trái phép của Việt Nam năm 1988", ông Hải nói.
Trước thông tin: Ngày 13/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo về giàn khoan Hải Dương 981, trong đó đưa ra thông tin hình ảnh sai lệch tình hình thực tế ở hiện trường, nói rằng các tàu Việt Nam đâm húc 1.547 lần các tàu Trung Quốc, làm các tàu Trung Quốc hư hỏng; ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam cũng đã bác bỏ những thông tin vu cáo này. "Chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch phi lý trên. Thực tế, chỉ có tàu Trung Quốc chủ động đâm va phun nước, làm 36 lượt chiếc tàu Việt Nam hư hỏng. Trong đó gồm 23 tàu kiểm ngư, 5 tàu cảnh sát biển, và 7 tàu cá, và một tàu cá bị đâm chìm hẳn hôm 26/5", ông Thu cho hay. Các vụ đâm va của Trung Quốc khiến 15 kiểm ngư viên và hai ngư dân Việt Nam bị thương.
Ông Thu cũng bác bỏ luận điệu của Trung Quốc cho rằng phía Việt Nam dùng người nhái và vật cản để tấn công tàu Trung Quốc. Khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 chính là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, khi bị các tàu Trung Quốc đâm, đuổi, ngư dân phải bỏ lưới để cơ động, và tàu Trung Quốc còn thu cả lưới của ngư dân Việt Nam. "Lưới đánh cá và các vật trôi nổi Trung Quốc vớt được là những mảnh gỗ, thùng phi trôi tự do, hoặc do Trung Quốc đâm va dùng vòi rồng công suất lớn làm thùng phi, thùng sơn, khúc gỗ trên mặt boong các tàu cá bị văng xuống biển. Trung Quốc vớt lên cho là bằng chứng là trái sự thật", ông Thu nói thêm.
"Trung Quốc nói tàu cá Việt Nam thường xuyên ngăn cản quấy rối tàu chấp pháp Trung Quốc là hoàn toàn vô lý. Xin khẳng định một lần nữa, các tàu cá Việt Nam chưa bao giờ có hành động ngăn cản quấy rối tàu Trung Quốc dù tàu Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại vùng biển của Việt Nam", ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm Ngư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định.
Mỹ: Sẽ “đối nghịch” với TQ, đứng về phía Viêt nam, Philippines
Theo giáo sư Edward Chen thuộc Đại học Tamkang (Đài Loan), giới phân tích đã đưa ra 3 giả thuyết khác nhau về lý do Washington quyết định ủng hộ Philippines và Việt Nam trong diễn biến căng thẳng trên Biển Đông hiện nay.
Các học giả đang nghiêng về thuyết chuyển giao quyền lực, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm gần đây và sự bất mãn của nước này trước trật tự thế giới hiện nay đang trở thành một thách thức đối với vị thế siêu cường của Mỹ. Theo lý thuyết này, nếu một cường quốc hiện hữu và một cường quốc “mới nổi” cùng ganh đua nhau, sẽ chỉ có thể có một cường quốc giành chiến thắng.
Trong khi đó, những nhà nghiên cứu ủng hộ giả thuyết tấn công dự đoán rằng bất chấp nỗ lực của Mỹ và Trung Quốc nhằm gắn bó và hiểu nhau hơn, hai quốc gia này sẽ tiến tới kết cục đối đầu “một mất một còn”.
Nhóm học giả thứ ba cho rằng chiến lược “Trục châu Á” của Tổng thống Barack Obama thành công ở khía cạnh Washington đã mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua mối quan hệ đồng minh với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh việc củng cố mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines, Mỹ cũng tăng cường quan hệ với các quốc gia mới nổi trong khu vực như Việt Nam và đã đứng vào thế ngày càng đối đầu trực diện với Trung Quốc.
Mỗi giả thuyết đều có cơ sở lập luận riêng, tuy nhiên các giả thuyết đều tin rằng, Biển Đông sẽ tiếp tục là nguồn gốc của tình trạng bất ổn trong khu vực và Mỹ sẽ “đối nghịch” với Trung Quốc.
Thanh Trà (tổng hợp)