Trung Quốc đề nghị đánh giá toàn diện các sản phẩm của Intel
Ngày 16/10, Hiệp hội An ninh mạng Trung Quốc kêu gọi đánh giá toàn diện các sản phẩm của Intel, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia và quyền lợi người tiêu dùng.
Hiệp hội An ninh mạng Trung Quốc vừa đưa ra tuyên bố mạnh mẽ chỉ trích Intel về hàng loạt lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trong CPU của hãng, đồng thời cáo buộc Intel “kiếm lợi nhuận lớn tại Trung Quốc nhưng lại gây tổn hại đến lợi ích và an ninh quốc gia.”
Trung Quốc đề nghị đánh giá toàn diện các sản phẩm của Intel
Theo Hiệp hội, các lỗ hổng như GhostRace, NativeBHI và Indirector, được phát hiện năm 2024, cho thấy sự “thiếu sót lớn trong quản lý chất lượng sản phẩm và bảo mật” của Intel. Hiệp hội chỉ trích gay gắt cách tiếp cận của Intel đối với các vấn đề này, gọi đó là “vô trách nhiệm với khách hàng”.
Nghiêm trọng hơn, Intel còn bị cáo buộc sử dụng các tính năng quản lý từ xa để giám sát người dùng, bí mật cài đặt “cửa hậu”, gây ra mối đe dọa lớn đối với an toàn thông tin và mạng lưới của Trung Quốc.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực tự chủ về công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào các công ty của Mỹ như Intel, trong khi Mỹ lại ra sức kiềm chế sự phát triển của ngành bán dẫn Trung Quốc thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học.
Trung Quốc là thị trường cực kỳ quan trọng đối với Intel, đóng góp gần 1/4 doanh thu toàn cầu. CPU của Intel hiện diện rộng rãi trong các thiết bị điện tử tiêu dùng và máy chủ tại Trung Quốc. Theo thống kê, máy chủ sử dụng kiến trúc x86 của Intel chiếm tới 90% thị phần tại quốc gia này.
Trước đó, vào năm 2023, Micron đã trở thành công ty bán dẫn nước ngoài đầu tiên bị Trung Quốc “sờ gáy” với một cuộc đánh giá bảo mật toàn diện.