Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam – Chủ động ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, cả nước tiến hành cho học sinh sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn, tránh lây lan ra cộng đồng, nhiều trường học đã nhanh chóng ứng dụng phương pháp học trực tuyến để bổ sung kiến thức cho học sinh cũng như đảm bảo kế hoạch, chương trình của nhà trường. Trên tinh thần thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan ban, ngành cấp trên, trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đã cho thấy năng lực chủ động của nhà trường trong các phương án ứng dụng thành tựu của công nghệ số vào giảng dạy và học tập. Phóng viên Tạp chí Tin học và Đời sống có buổi phỏng vấn TS. Lê Đại Hùng - Chủ tịch HĐQT Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT, TS quản lý giáo dục Lê Đại Hùng
PV: Xin Ông cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hình thức học trực tuyến vẫn còn mới và lạ lẫm với hệ thống các trường GDNN nói chung và Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam (CĐCTVN) nói riêng, vậy phía nhà trường đã chủ động xây dựng các kịch bản, kế hoạch giảng dạy trực tuyến như thế nào cho các em sinh viên?
TS. Lê Đại Hùng: Ngay từ khi bước vào mùa dịch covid 19, Trường CĐCTVN đã có phương án chủ động chuẩn bị cho đào tạo trực tuyến; đặc biệt khi có Công văn số: 587/TCGDNN-ĐTCQ ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc hướng dẫn ứng dụng CNTT trong tổ chức đào tạo trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhà trường đã nhanh chóng xây dựng các kế hoạch, kịch bản cho đào tạo trực tuyến.
Cụ thể, trường đã ban hành quy định tổ chức dạy học trực tuyến đối với các lớp cao đẳng, trung cấp hệ chính quy trong nhà trường; yêu cầu các khoa đề xuất giảng viên, tên học phần giảng dạy báo Phòng đào tạo lập Kế hoạch giảng dạy. Nhà trường cũng mua bản quyền phần mềm học trực tuyến 24/24 giờ; tổ chức dạy học trực tuyến (có kiểm tra, đánh giá theo đúng Công văn số 1301/LĐTBXH-TCGDNN ngày 14/4/2020 của BLĐTB&XH hướng dẫn thực hiện quản lý, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá trong đào tạo trực tuyến. Đồng thời, thông qua mạng điện tử và trang web của nhà trường gửi nội dung học trực tuyến trước cho học sinh nghiên cứu.
PV: Hiện nhà trường đang dùng phền mềm nào để phục vụ cho công tác giảng dạy? Cơ sở vật chất cũng như giáo viên của nhà trường đã đáp ứng được chưa? Qua đây ông thấy việc tiếp cận và áp dụng CNTT cho hệ thống các trường GDNN trong thời đại CMCN 4.0 đã đúng thời điểm chưa vì một số trường còn né tránh, ngại thay đổi?
TS. Lê Đại Hùng: Để phục vụ cho công tác giảng dạy trực tuyến, nhà trường đã mua gói phần mềm Zoom có bản quyền với 20 phòng học cùng lúc 24/24 giờ để đảm bảo tính bảo mật. Do đào tạo trực tuyến bài giảng phải được chuẩn bị lại, công phu hơn, hình thức khác với bài giảng thông thường nên có giáo viên còn gặp khó khăn, sau khi được rút kinh nghiệm, các bài giảng trực tuyến đã sinh động, thực tế, trực quan, không nhàm chán, các giáo viên của trường đã nắm bắt được kỹ năng đào tạo trực tuyến, học sinh cũng đã biết cách học và nắm kiến thức qua đào tạo trực tuyến, có hứng thú với bài học.
Dịch Covid19 đã làm thay đổi mọi hoạt động của xã hội trong đó có giáo dục nghề nghiệp, nhưng Trường CĐCTVN thấy đây cũng là một cơ hội để nhanh chóng tiếp cận và áp dụng CNTT cho hệ thống các trường GDNN trong thời đại CMCN4.0 bởi vì mạng truyền dẫn, viễn thông hiện nay đã phủ khắp toàn quốc đến các vùng sâu, vùng xa, điện thoại thông minh (Smatphone) và mạng xã hội cũng được nhiều người dùng nên việc giáo dục nghề nghiệp được đào tạo trực tuyến sẽ tạo cơ hội cho nhiều người được tiếp cận đào tạo nghề từ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng, liên thông lên đại học từ khắp các vùng miền của Tổ quốc đối với các môn học lý thuyết và trước học thực hành. Và từ bây giờ đào tạo trực tuyến sẽ là một điều tất yếu không thể thiếu trong thời đại CMCN 4.0.
PV: Trong quá trình dạy học trực tuyến phía nhà trường gặp những có khăn gì? Những giải pháp của nhà trường để công tác giảng dạy được tốt hơn. Những kiến nghị đề xuất đến các cơ quan, ngành dọc quản lý nhằm hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19?
TS. Lê Đại Hùng: Trong quá trình dạy học trực tuyến, Trường CĐCTVN còn gặp một số khó khăn như tốc độ mạng đang còn chậm hay bị ngắt kết nối; khả năng ứng dụng CNTT của 1 số giáo viên vào dạy học bước đầu còn hạn chế, việc sử dụng phần mềm học trực tuyến chưa thành thạo dẫn đến lúng túng, chưa tự tin khi triển khai bài giảng.
Khả năng tương tác giữa giáo viên và học sinh còn hạn chế, chủ yếu qua câu hỏi, bài tập mà không trực tiếp nên ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng. Lúc đầu Giáo viên khó kiểm soát học sinh có tham gia cả thời gian học hay không… mới đầu các em đăng nhập đang còn lúng túng chưa quen, và một số các em chưa có đầy đủ trang thiết bị học trực tuyến như: Máy tính, máy tính xách tay tốt hoặc máy bàn có webcam để học tâp. Chưa kể, trong quá trình học còn trục trặc về kết nối mạng, đường truyền, micro của học sinh…
Về phía học sinh, do hoàn cảnh, điều kiện cơ sở vật chất như máy tính, điện thoại thông minh, mạng internet của nhiều học sinh gặp khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi và khả năng xử lý CNTT còn kém. Ý thức tự giác trong học tập của một số học sinh còn hạn chế.
Để khắc phục những khó khăn trên, nhà trường cũng đã tổ chức tập huấn cho giảng viên hiểu và biết giảng dạy trực tuyến bằng phần mềm zoom. Thay vì sử dụng phần mềm miễn phí bị giới giạn thời gian và bảo mật kém, Nhà trường đã mua phần mềm zoom có thể sử dụng giảng dạy 24/24.
Sau khi kế hoạch, chi tiết cụ thể cho đào tạo trực tuyến từng môn học được nhà trường đưa ra, thầy cô đã xây dựng được các bài giảng phù hợp cho giảng dạy trực tuyến tạo sự tương tác giữa thầy cô và các em sinh viên để tạo cho bài giảng được truyền thụ kiến thức cho các em nắm bắt được tốt hơn. Trang thiết bị phục vụ cho đào tạo trực tuyến cũng luôn được nhà trường đảm bảo.
Nhà trường cũng đã có công văn hướng dẫn gửi giảng viên và sinh viên chuẩn bị về văn hóa học tập và giảng dạy trực tuyến của thầy cô và sinh viên như: Sinh viên ngồi học phải đeo thẻ sinh viên, ăn mặc gọn gàng, giảng viên cũng đeo thẻ giảng viên...; bố trí giờ giảng xen kẽ môn học, thời gian học 1 tiết hợp lý để tránh nhàm chán, mỏi mệt cho học sinh; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, rút kinh nghiệm cho cả người dạy và người học trực tuyến. Cứ sau mỗi buổi học thầy cô gửi tài liệu giáo trình qua gmail; facebook; zalo cho các em xem trước để chuẩn bị bài trước cho buổi học tiếp theo.
Kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan ban, ngành liên quan như Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục, Nhà trường mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi trong giai đoạn khó khăn để thanh toán lương cho cán bộ giảng viên và các khoản phí thuê mặt bằng... Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tập huấn thống nhất trong dạy học trực tuyến đào tạo nghề nghiệp và cấp phần mềm học trực tuyến có tính bảo mật cao, đồng bộ cho các trường. Nhà nước có chính sách hỗ trợ thiết bị máy tính, đường truyền internet cho các cơ sở giáo dục và học sinh (hỗ trợ giá rẻ, miễn phí Internet…).
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!