Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội chủ động ứng dụng công nghệ trực tuyến trong giảng dạy

Minh Hà 16:55, 15/04/2020

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp với những diễn biến khó lường, việc triển khai các phương án giáo dục trực tuyến tại tất cả cả loại hình giáo dục được đẩy mạnh nhằm đảm bảo kiến thức cho các em học sinh - sinh viên. Đặc biệt, Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là loại hình giáo dục đặc thù, cần có sự đột phá mạnh mẽ của các cơ sở giáo dục trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào công tác giảng dạy. Để làm sáng tỏ những cơ hội, khó khăn và thử thách của các cơ sở GDNN, Tạp chí Tin học và Đời sống đã thực hiện phỏng vấn qua email với ông Nguyễn Xuân Sang - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội.


TS Nguyễn Xuân Sang-Hiệu trưởng và TS. Đoàn Xuân Viên-Phó Chủ tịch HĐQT, nguyên Hiệu trưởng trong ngày khai giảng năm học 2019-2020

PV: Xin Ông cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hình thức học trực tuyến vẫn còn mới và lạ lẫm với hệ thống các trường GDNN nói chung và Trường Cao đẳng CN&TM HN nói riêng, vậy phía nhà trường đã chủ động xây dựng các kịch bản, kế hoạch giảng dạy trực tuyến như thế nào cho các em sinh viên?

Ông Nguyễn Xuân Sang: Hình thức học trực tuyến thực ra không còn mới lạ gì với giáo dục quốc tế nói chung. Trên thế giới và ngay tại Việt Nam đã có các trường đào tạo trực tuyến với chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, với hệ thống Giáo dục Việt Nam nói chung, GDNN nói riêng còn chưa coi trọng vấn đề đào tạo trực tuyến nên khi dịch Covid-19 xảy ra, các trường do học sinh - sinh viên (HSSV) nghỉ quá lâu và ảnh hưởng tới hoạt động chung mới chú ý tới loại hình đào tạo này. Đối với Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội việc đào tạo trực tuyến đã được nghiên cứu từ cách đây 2 năm và được thí điểm một số học phần với ngành Công nghệ thông tin, sau đó là với ngành Ngôn ngữ, một số môn chung do tính phù hợp và thuận lợi khi đào tạo. Sau quá trình triển khai, rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần, chúng tôi xác định sẽ đưa loại hình đào tạo này trở thành một loại hình chính thống, đào tạo song song với loại hình truyền thống hiện đang giảng dạy. Chúng tôi đã giao cho các bộ phận chuyên môn của trường xây dựng học liệu, xây dựng quy chế, quy định… phù hợp đối với loại hình đào tạo để triển khai toàn trường.

PV: Hiện nhà trường đang dùng phền mềm nào để phục vụ cho công tác giảng dạy? Cơ sở vật chất cũng như giáo viên của nhà trường đã đáp ứng được chưa? Qua đây ông thấy việc tiếp cận và áp dụng CNTT cho hệ thống các trường GDNN trong thời đại CMCN 4.0 đã đúng thời điểm chưa vì một số trường còn né tránh, ngại thay đổi?

Ông Nguyễn Xuân Sang: Phần lớn các ứng dụng hiện các trường đang dùng là miễn phí, có một số có thu phí những không nhiều; tuy nhiên, tính bảo mật thì chắc chắn là không cao nên các trường muốn đảm bảo tính bảo mật thì phải có hệ thống riêng của mình, do mình quản trị. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu để có thể có một hệ thống đào tạo trực tuyến riêng tích hợp đầy đủ các tính năng vừa dạy, học, quản lý và đánh giá HSSV… phù hợp với quy định của Tổng cục GDNN. Do việc xây dựng cần thời gian trong điều kiện phải triển khai ngay việc đào tạo trực tuyến nên trong thời gian chưa có hệ thống đào tạo trực tuyến riêng, chúng tôi hiện đang dùng một số ứng dụng theo hướng dẫn của Tổng cục GDNN tại Công văn số 587/TCGDNN-ĐTCQ ngày 17/03/2020 về việc hướng dẫn ứng dụng CNTT trong tổ chức đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đó là các ứng dụng như: Zoom Cloud Meeting, Office 365 của Microsoft…vv

Chúng tôi đánh giá, dịch bệnh là điều không ai mong muốn xảy ra và đã gây ra thiệt hại toàn diện với mỗi gia đình, mỗi quốc gia nhưng riêng với Giáo dục thì Covid-19 đã như một cú hích khiến cho các trường học nói chung, GDNN nói riêng phải đổi mới, phải tiếp cận, ứng dụng mạnh mẽ với CNTT trong công tác quản lý, trong đào tạo và học tập. Mặc dù còn nhiều khó khăn ban đầu, có trường, có cán bộ, giảng viên còn bỡ ngỡ nhưng đây là xu thế tất yếu mà các trường không thể né tránh nếu không muốn bị thụt lùi trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

 PV: Trong quá trình dạy học trực tuyến phía nhà trường gặp những có khăn gì? Những giải pháp của nhà trường để công tác giảng dạy được tốt hơn. Những kiến nghị đề xuất đến các cơ quan, ngành dọc quản lý nhằm hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19?

Ông Nguyễn Xuân Sang: Khi triển khai việc giảng dạy và học tập trực tuyến, Nhà trường cũng như các trường nói chung đều gặp nhiều khó khăn:

Đối với hạ tầng kỹ thuật: Còn đang xây dựng nên phần lớn dùng các ứng dụng hiện có theo kiểu miễn phí nên không đủ các công cụ trong quản lý, giảng dạy, đánh giá… Đường truyền kém, băng thông không đảm bảo, việc học bị gián đoạn do hay bị ngắt kết nối… Do đó, việc phải có hệ thống đào tạo trực tuyến riêng (có thể là thuê, liên kết, tự xây dựng hoặc mua) nếu muốn đào tạo trực tuyến là yêu cầu bắt buộc.

Vấn đề xây dựng học liệu cho đào tạo trực tuyến có nhiều yếu tố phức tạp hơn so với giảng dạy truyền thống nên đội ngũ giảng viên phải biên soạn lại cho phù hợp khiến cho Nhà trường cũng mất rất nhiều nguồn lực để triển khai.

HSSV của Nhà trường ở các vùng miền khác nhau, điều kiện kinh tế xã hội khác nhau nên việc tiếp cận với đào tạo trực tuyến của các em cũng còn khó khăn: Có nơi không có Internet, có nơi có nhưng đường truyền kém, mạng chập chờn, rồi có em có máy tính, có smartphone, có em không có do điều kiện kinh tế khó khăn… cũng ảnh hưởng trực tiếp tới việc học tập của HSSV

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý còn chưa đầy đủ do việc đào tạo này hầu như các trường trước dịch Covid-19 chưa triển khai. Mới chỉ có Thông tư số 33/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Quy định về đào tạo trình độ Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn. Trên cơ sở này các trường phải xây dựng quy chế đào tạo, quản lý, các quy định… mới có thể đào tạo trực tuyến đảm bảo đúng quy định. Tổng cục GDNN cũng đã có thêm một số hướng dẫn về đào tạo trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn cho các trường.

Theo chúng tôi, Tổng cục GDNN nên tổ chức xây dựng các chương trình đào tạo trực tuyến cho các môn học dưới hình thức như một bộ “sách giáo khoa điện tử” mẫu để hỗ trợ các trường sử dụng, tham khảo trong thời gian các trường nghiên cứu xây dựng riêng của mình bởi trong thời gian ngắn, điều kiện có hạn (nhất là các trường tư thục) thì các trường khó có đủ nguồn lực để thực hiện điều này. Đồng thời, đề nghị Tổng cục GDNN tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hỗ trợ cho các trường một ứng dụng đào tạo trực tuyến để các trường có thể sử dụng nếu không có ứng dụng riêng. Như Thứ trưởng Lê Quân có cho biết, Bộ LĐTB&XH, Tổng cục GDNN và bản thân Thứ trưởng rất khuyến khích triển khai và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đào tạo trực tuyến. Thực tế thời gian vừa qua nhiều quy định không phù hợp dẫn tới gây khó khăn cho các trường trong quá trình hoạt động. Do đó, chúng tôi mong muốn Bộ LĐTB&XH, Tổng cục GDNN tiếp tục rà soát để đơn giản hóa, thuận lợi hóa các quy định, các thủ tục trong mở ngành, trong quản lý, trong việc quy định quản lý chỉ tiêu, địa điểm đào tạo… nhằm tháo gỡ khó khăn cho các trường, mở rộng hoạt động GDNN.

PV: Trân trọng cảm ơn ông đã thẳng thắn trao đổi!

Một số hình ảnh hoạt động của nhà trường: