Trường Đại học CMC trao đổi với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai mô hình “AI University”
Chiều ngày 17/04/2025, Trường Đại học CMC đón tiếp và làm việc với đoàn công tác của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE), nhằm trao đổi kinh nghiệm trong triển khai mô hình “AI University” – mô hình giáo dục đại học gắn liền với chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.
Trường Đại học CMC trao đổi với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai mô hình “AI University”.
Buổi gặp gỡ diễn ra trong không khí trao đổi cởi mở, sôi nổi, dựa trên tinh thần học hỏi lẫn nhau. Đại diện của hai trường đã chia sẻ tầm nhìn, phương thức thực hiện và những kinh nghiệm thực tiễn trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản trị Nhà trường, giảng dạy, học tập và cá nhân hóa trải nghiệm sinh viên.
Toàn cảnh buổi trao đổi giữa Trường Đại học CMC và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Về phía Trường Đại học CMC có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng phụ trách; PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh – Phó Hiệu trưởng; ông Lê Anh Tuấn – Phó Giám đốc, cùng đại diện cán bộ các phòng ban chức năng.
Về phía Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có PGS.TS. Hoàng Tùng – Hiệu trưởng; PGS.TS. Bùi Phú Doanh – Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo; TS. Hoàng Nam Thắng – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin và Cơ sở dữ liệu, cùng đại diện các Khoa và lãnh đạo các phòng ban.
Mở đầu buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng giới thiệu tổng quát về giá trị triết lý, sứ mệnh, tầm nhìn, mô hình đào tạo và các hoạt động trọng tâm của Nhà trường. “Trường Đại học CMC rất vui và tự hào khi có những giảng viên đầu ngành tham gia xây dựng chương trình đào tạo, kết hợp với công nghệ quản trị hiện đại, chú trọng học thuật đi đôi với thực tiễn, học tập trong môi trường thực tế tại doanh nghiệp, đồng thời cơ chế lấy phản hồi từ sinh viên luôn được Nhà trường xem trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng phát biểu.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học CMC.
Theo đó, mọi hoạt động giảng dạy, đánh giá, tương tác giữa giảng viên và sinh viên của tất cả các Khoa đều được theo dõi và phản hồi đa chiều thông qua phần mềm CMC-IU, giúp kiểm soát chất lượng bài giảng và theo dõi phản hồi của sinh viên với giảng viên qua hệ thống kín.
Trường triển khai chương trình đào tạo 3 năm, với 3 học kỳ mỗi năm. Sinh viên sẽ được kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào để phân lớp phù hợp. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên tiếng Anh của trường có từ 10-20% là người nước ngoài, tạo môi trường học tập định hướng chuẩn quốc tế.
Lãnh đạo Trường Đại học CMC cho biết, với lợi thế là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghệ CMC, Trường Đại học CMC được đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, với chiến lược rõ ràng, dài hạn nhằm tích hợp công nghệ số vào mọi hoạt động của Nhà trường.
Với triết lý “lấy người học làm trung tâm”, Trường Đại học CMC không ngừng đầu tư toàn diện đồng bộ cơ sở vật chất và các dịch vụ hỗ trợ sinh viên. Đặc biệt, ngành thiết kế vi mạch đang được đầu tư mạnh mẽ, với phòng IC Design Lab hiện đại, nơi đã có sinh viên được CMC Global tiếp nhận trước khi tốt nghiệp.
AI University: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị vận hành, giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sinh viên
Trong khuôn khổ chương trình trao đổi hợp tác giữa Trường Đại học CMC và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, TS. Hoàng Tiểu Bình – Trưởng Ban Đại học số – Trường Đại học CMC đã giới thiệu về mô hình “AI University”, bao gồm mô hình, kiến trúc tổng thể, ứng dụng và các trải nghiệm. Trưởng Ban Đại học số, Trường Đại học CMC nhấn mạnh: “Muốn chuyển đổi số, muốn ứng dụng AI thì trước tiên phải tích hợp được dữ liệu, sau đó sử dụng các công cụ học máy tiên tiến để phân tích và khai thác các nguồn dữ liệu”.
TS. Hoàng Tiểu Bình – Trưởng Ban Đại học số, Trường Đại học CMC.
Kiến trúc mô hình AI University được thiết kế với các thành phần cốt lõi như trục tích hợp ESB, kho dữ liệu tập trung (Data Warehouse), học liệu số, thư viện số, các khóa học MOOC tương tác và hệ thống AI Agent hỗ trợ học tập, các hệ thống tổng hợp báo cáo tự động giúp BGH kiểm soát toàn bộ thông tin về đào tạo, nhân sự, NCKH, tài chính của Trường. Những ứng dụng tiên tiến như giám sát thi bằng camera AI, xác thực khuôn mặt khi ra vào, Single Sign-On toàn hệ thống, hay thư viện tự động không cần thủ thư đã và đang được triển khai đồng bộ tại Trường Đại học CMC.
Ông Lê Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trường Đại học CMC cho biết: “Chuyển đổi số không chỉ là áp dụng công nghệ mới mà còn là tái định nghĩa cách tổ chức, vận hành và đào tạo trong nhà trường. Công nghệ là công cụ, nhưng con người mới là yếu tố quyết định sự thành công”. Ông nhấn mạnh rằng việc triển khai AI University đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chiến lược lãnh đạo, đội ngũ giảng viên – nhân sự có tư duy đổi mới và một hệ sinh thái công nghệ linh hoạt, mở rộng được.
Ông Lê Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trường Đại học CMC.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cũng chia sẻ thêm về vai trò của AI Assistant trong giáo dục và sản phẩm CMC-Edubot do Trường phát triển, đặc biệt là khả năng cá nhân hóa lộ trình học tập và tư vấn kịp thời cho sinh viên, giảng viên. “Hệ thống trợ lý AI không thay thế con người, mà giúp tận dụng công nghệ để đào tạo hiệu quả hơn, minh bạch hơn”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Quỳnh cho biết.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC.
Đề xuất hợp tác triển khai mô hình “AI University” nhằm nâng cao chất lượng đào tạo
Tại buổi làm việc, phía Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã bày tỏ sự đánh giá cao đối với mô hình chuyển đổi số của Trường Đại học CMC, đặc biệt trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để cải thiện trải nghiệm người học. PGS.TS. Hoàng Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đặc biệt quan tâm đến tính khả thi của mô hình, lộ trình triển khai, các vấn đề về chi phí và tổ chức vận hành. Ông chia sẻ: “Với một trường đại học lâu đời như chúng tôi, chuyển đổi số không chỉ là áp dụng công nghệ mới mà còn là sự thay đổi toàn diện từ cách nghĩ đến cách làm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần phải đi kèm với một lộ trình cụ thể, khả thi, và quan trọng hơn là sự quyết tâm của cả đội ngũ giảng viên và lãnh đạo Nhà trường”.
PGS.TS. Hoàng Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Các lãnh đạo, giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thể hiện sự ấn tượng và quan tâm đối với mô hình chuyển đổi số của Trường Đại học CMC. Trong các câu hỏi và chia sẻ của các thầy cô Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một số vấn đề nổi bật được đưa ra bao gồm mô hình quản lý và điều hành đại học, quản trị dữ liệu, ứng dụng công nghệ AI trong giảng dạy và các bài giảng tương tác, hệ thống AI hỗ trợ sinh viên. Các giảng viên bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến việc ứng dụng AI vào giảng dạy, đặc biệt là trong việc tạo ra các bài giảng tương tác giúp tăng cường sự tham gia của sinh viên.
TS. Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Kết thúc buổi gặp gỡ giữa Trường Đại học CMC và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đại diện hai trường thể hiện mong muốn hợp tác mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và đồng hành cùng nhau trong quá trình phát triển mô hình “AI University”. PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ sự đánh giá cao Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một ngôi trường có lịch sử lâu đời và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Thầy nhấn mạnh: “Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là trường có bề dày truyền thống trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng, một trường trọng điểm của cả nước. Chúng tôi rất trân trọng sự hợp tác này, nơi cả hai bên sẽ hỗ trợ và cùng nhau phát triển“.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cũng khẳng định rằng con người là yếu tố then chốt trong mọi sự thay đổi và chuyển đổi số: “Mỗi trường có bản sắc riêng, nhưng chúng tôi tin rằng nếu cùng nhau chia sẻ thế mạnh, chiến lược và hợp tác chặt chẽ, chúng ta có thể xây dựng những mô hình đại học thông minh, linh hoạt và hướng tới tương lai. Không chỉ là công nghệ, mà còn là con người, là ý chí của người dẫn đầu mới là mấu chốt”.
Lãnh đạo Trường Đại học CMC và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tại buổi làm việc.
Phía Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng thể hiện mong muốn được hợp tác và chia sẻ các kinh nghiệm, đặc biệt là trong việc phát triển các ứng dụng công nghệ mới và triển khai chuyển đổi số trong giảng dạy, hướng đến xây dựng môi trường giáo dục đại học hiện đại và bền vững.