Trường Đại học Đại Nam: Sinh viên ngành CNTT được học các môn chuyên ngành ngay từ năm nhất thay vì học các môn đại cương
Đây là một nội dung đáng chú ý trong buổi Hội thảo Chuyển đổi mô hình đào tạo - Hợp tác đào tạo FITDNU – Doanh nghiệp của trường Đại học Đại Nam.
Ngày 07/05/2021, Khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Đại Nam đã tổ chức buổi hội thảo Chuyển đổi mô hình đào tạo - Hợp tác đào tạo FITDNU – Doanh nghiệp.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Tham dự buổi hội thảo ngoài đại diện trường Đại học Đại Nam có TS. Lương Cao Đông - Hiệu trưởng Nhà trường, PGS TS Nguyễn Ái Việt – Trưởng khoa CNTT. Còn có nhiều đại diện của các doanh nghiệp công nghệ thông tin thuộc nhiều lĩnh khách nhau như: VietSoftware International, AI Academy Việt Nam, i3-vietnam, Rikkeisoft, BAKV, Công nghệ và Truyền hình Việt Nam,…
TS. Lương Cao Đông - Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Lương Cao Đông, Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam bày tỏ Nhà trường đã và đang quan tâm đến việc thay đổi quan điểm trong đào tạo, đưa các kỹ năng đào tạo như kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng sống, đặc biệt quan tâm đến trình độ tiếng anh và thái độ của sinh viên. Việc chuyển đổi mô hình đào tạo của sinh viên ngành CNTT lần này với mong muốn phối hợp cùng các doanh nghiệp tạo điều kiện trải nghiệm và sân chơi cho sinh viên thực hành nghề.
Học các môn chuyên ngành ngay từ năm học thứ nhất
Với mục tiêu vững tay nghề, hiểu các doanh nghiệp cần gì và tránh học thừa, ngay từ năm thứ nhất các bạn sinh viên sẽ được tiếp cận với môn Lập trình cơ bản, Ứng dụng doanh nghiệp, Quản lý doanh nghiệp thay vì học các môn như: Toán học Đại cương, Pháp luật Đại cương. Đặc biệt mỗi sinh viên một tuần phải làm việc 8 tiếng như một Kỹ sư CNTT thực thụ tại phòng thí nghiệm thực hành ngay từ năm thứ nhất.
Song song đó nhà trường đẩy mạnh dạy kỹ năng mềm đặc biệt đối với sinh viên CNTT cần phải tự tin trước đám đông và thể hiện rõ được ý tưởng để các doanh nghiệp, đối tác hiểu được dự án của mình.
Kết thúc năm học thứ nhất sinh viên đã có thể nhận chứng chỉ Kỹ thuật viên IT.
Việc chuyển đổi mô hình đào tạo lần này giúp sinh viên có thể nhận chứng chỉ theo từng yêu cầu và theo từng giai đoạn của hệ 4 năm học như: Kỹ thuật viên IT, Lập trình viên, Kỹ sư Thiết kế, Kiến trúc Hệ thống. Ngoài ra nhà trường còn nhận đào tạo Chuyên gia Công nghệ, Kỹ sư – sau đại học hoặc các Kỹ sư ở các doanh nghiệp cần bổ sung chứng chỉ.
Hợp tác cùng doanh nghiệp
Sau khi PGS. TS. Nguyễn Ái Việt – Trưởng khoa CNTT trình bày về mô hình đào tạo mới của trường Đại học Đại Nam, mô hình chuyển đổi nhận được nhiều lời khen có cánh từ các doanh nghiệp, bởi chương trình này đáp ứng được nguồn nhân lực có kiến thức CNTT cơ bản của một kỹ thuật viên IT ngay từ năm nhất. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhận định để mô hình đào tạo này hoạt động tốt cũng phải cần đến những giảng viên đầy chất lượng, nên kiểm tra đầu vào của giảng viên và có thể cho giảng viên đến các doanh nghiệp để có thể bắt kịp xu hướng công nghệ trở về giảng dạy cho sinh viên.
Ông Lê Xuân Hải – CEO của Công ty CP VietSoftware International
Tại buổi hội thảo ông Lê Xuân Hải – đại diện của Công ty CP VietSoftware International đề cao vấn đề rèn luyện kỹ năng mềm, nên trau dồi thêm cho sinh viên CNTT về đạo đức nghề nghiệp, vấn đề ứng xử trong doanh nghiệp khi đi làm để phát triển mục tiêu mỗi sinh viên là một công dân toàn cầu mà Đại Nam hướng tới. Và Đại Nam nên hướng đến việc phát triển và đào tạo Chứng chỉ được quốc tế công nhận, hợp tác lồng ghép chương trình quốc tế vào chương trình của Đại học Đại Nam sẽ tạo nên một mô hình mới rất hiện đại và hay ho.
Lãnh đạo phòng, khoa và giảng viên chuyên môn đã lắng nghe và phản hồi giải đáp những thắc mắc về mô hình đào tạo mới, đồng thời cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp nhằm bổ sung và đi sát vào thực tiễn.
Ông Nguyễn Ái Việt cho biết thêm khoa CNTT cố gắng chau chuốt hoàn thiện để mô hình đào tạo này sẽ được đi vào giảng dạy vào năm học mới 2022-2023 sắp tới. Bên cạnh đó các chương trình của khóa cũ vẫn sẽ được áp dụng có thể lược bỏ hoặc thêm những môn cần thiết cho sinh viên hình dung và tiếp cận với công việc các doanh nghiệp yêu cầu.
Hoàng Hoài (Ảnh: Trọng Nguyễn)