Tư duy chấp nhận rủi ro trong đầu tư phát triển công nghệ cao ở Việt Nam

06:16, 03/04/2025

Đầu tư phát triển công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhân lực trình độ cao, quy trình đầu tư khoa học và tạo lợi ích to lớn nhưng thường có rủi ro, gây thiệt hại cho chủ thể. Điều này cản trở đáng kể đến quyết tâm đầu tư công nghệ cao kể cả ở Việt Nam từ nhà nước và doanh nghiệp nên chưa huy động được nhiều nguồn lực vào phát triển công nghệ cao.

Để vượt qua rào cản rủi ro, đồng thời thu hút nhiều nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghệ cao, cần có tư duy chấp nhận rủi ro hợp lý. Rủi ro được bảo đảm bằng cơ chế hỗ trợ và bảo hiểm hữu hiệu. Điều này mở ra triển vọng lớn huy động hiệu quả nguồn lực vào phát triển công nghệ cao, giảm thiểu tụt hậu và tạo chỗ dựa bắt kịp xu hướng công nghệ cao của khu vực và thế giới.

Rủi ro gây thiệt hại lợi ích

Nhận thức rủi ro được thực hiện thông qua đánh giá các loại thiệt hại do tác động của yếu tố bất ngờ (Kalstad Business School, 2019). Các loại thiệt hại cần có biện pháp phòng ngừa hiệu quả như bảo hiểm, hỗ trợ của nhà nước, phát huy quỹ đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm. Nếu không có các khoản bù đắp này, nhà đầu tư phải gánh chịu toàn bộ thiệt hại.

Khi xác suất rủi ro cao, nhà đầu tư có thể chấm dứt đầu tư. Tuy nhiên, nếu thành công, lợi ích thu được sẽ rất lớn. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải chấp nhận đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận theo tư duy phổ biến “rủi ro càng cao, lợi nhuận càng lớn”.

Chấp nhận rủi ro là một trong những tố chất của nhà kinh doanh hiện đại được các trường phái kinh doanh của Trường Kinh doanh hàng đầu thế giới Harvard (Mỹ) đề cao. Tố chất này được đặt ngang hàng với tố chất cao vọng - luôn cố gắng đạt mục tiêu đặt ra cao hơn và nhạy bén nắm bắt cơ hội vào đúng thời điểm, tuyệt đối không bỏ lỡ cơ hội làm tăng chi phí để tìm kiếm cơ hội khác. Tư duy chấp nhận rủi ro được xây dựng thành văn hóa chấp nhận rủi ro (Harvard University). Tư duy này phù hợp với cơ chế thị trường vì tính bất định của thị trường rất cao do tương tác cung - cầu liên tục, cạnh tranh tổng hợp và đổi mới sáng tạo không có giới hạn. Tư duy chấp nhận rủi ro vận động linh hoạt, nhiều hướng, đa dạng và luôn tìm kiếm sự đổi mới. Điều này khác với tư duy mang tính tĩnh tại, không chấp nhận rủi ro và dẫn đến trạng thái trì trệ của cơ chế kế hoạch hóa - tất cả các yếu tố đầu vào và đầu ra đều được duy trì ổn định, không có tính chu kỳ và càng không có khủng hoảng, lạm phát, thất nghiệp. Tất cả mọi hành vi kinh tế đều được chỉ đạo thống nhất từ nhà nước thông qua kế hoạch hóa kinh tế quốc dân.

Đầu tư công nghệ cao rủi ro rất cao để thu lợi nhuận khổng lồ

Công nghệ cao có đặc điểm phức tạp trong nghiên cứu, ứng dụng và giải mã, ít được phổ biến rộng rãi và muốn nắm bắt triệt để, cần có các điều kiện ràng buộc như cơ sở hạ tầng phát triển cao, nhân lực có trình độ chuyên sâu và bảo đảm tính mới của công nghệ khi tạo ra sản phẩm có tính độc đáo, đặc thù và khác biệt. Công nghệ cao thường được sở hữu bởi rất ít chủ thể, được bảo hộ chặt chẽ, cho nên tính chất độc quyền hoặc độc quyền nhóm khá cao, theo đó, lợi nhuận thu được khá lớn thậm chí lợi nhuận độc quyền cao.

Các khoản đầu tư cho công nghệ cao khá lớn, trong đó có một tỷ lệ nhất định được sử dụng để bù đắp rủi ro do quá trình nghiên cứu không đạt kết quả như mong đợi. Thực tế cho thấy, có công ty, tập đoàn vì dốc đáng kể nguồn lực vào nghiên cứu và phát triển nhưng không đạt kết quả được thương mại hóa, không thu hồi đủ để bù đắp chi phí phải thu hẹp quy mô, thậm chí đóng cửa, phá sản. Ngược lại, lợi ích thu được rất cao hay phần thưởng cao từ đầu tư công nghệ cao cho nên khi chưa đạt đến lợi ích cao cần có chi phí bù đắp thỏa đáng. Khía cạnh này cho thấy đầu tư công nghệ cao thành công vượt qua điểm hòa vốn sẽ sáng tạo lượng giá trị thị trường khổng lồ. Các tập đoàn công nghệ đầu tư thành công vào phát triển công nghệ cao đều có lợi nhuận rất cao, quy mô vốn hóa ngày càng lớn và thường xuyên dẫn đầu danh sách các tập đoàn lớn nhất thế giới về quy mô vốn hóa thị trường. Năm 2024, trong 10 công ty vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới có 6 công ty công nghệ như Apple 3.387,02 tỷ USD, Microsoft 3043,38 tỷ đô-la Mỹ, Nvidia 2649,24 tỷ đô-la Mỹ,… (Bảng 1).

Nguồn: Global Finance

Việt Nam hướng tới tư duy chấp nhận rủi ro

Để có tư duy chấp nhận rủi ro nhằm tạo động lực đổi mới sáng tạo liên tục cần có văn hóa đổi mới sáng tạo. Do đó, cần tạo ra văn hóa chấp nhận rủi ro trong đổi mới sáng tạo. Văn hóa chấp nhận rủi ro hình thành thói quen đổi mới sáng tạo vì một trong những mối quan ngại lớn nhất của đổi mới sáng tạo là rủi ro đã được kiểm soát và có phương án thích nghi. Thiếu văn hóa chấp nhận rủi ro là một trong những nguyên nhân hạn chế đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển. Hậu quả là khó tạo được điểm tựa để có đột phá trong nghiên cứu và phát triển, khó có thể làm chủ được công nghệ cao, công nghệ mới.

Có thể thấy văn hóa chấp nhận rủi ro trong đổi mới sáng tạo của Việt Nam theo các khía cạnh độ cao quyền lực, tính cá nhân, khát vọng chinh phục đỉnh cao (cao vọng), mức độ chấp nhận rủi ro và tầm nhìn xa, trông rộng khi so sánh với các khía cạnh này của văn hóa đổi mới sáng tạo của Hoa Kỳ (Hình 1). Kết quả cho thấy, khoảng cách quyền lực của Việt Nam (70 điểm), cao hơn của Hoa Kỳ (40 điểm). Đây là bằng chứng cho thấy để phê duyệt một đề tài nghiên cứu ở Việt Nam phải trình nhiều cấp hơn, theo đó làm tăng chi phí và gây chậm tiến độ đề tài nghiên cứu.

Ở khía cạnh tính cá nhân, Hoa Kỳ có 60 điểm cao gấp đôi 30 điểm của Việt Nam. Tính sáng tạo thường bắt đầu từ tính cá nhân. Tính cá nhân càng cao, mức độ sáng tạo càng lớn và sản phẩm càng nhanh, không phải chờ đợi ai cả cho nên tiết kiệm thời gian và đi nhanh hơn theo phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình”.

Ở khía cạnh cao vọng, Hoa Kỳ có cao vọng 80 điểm còn Việt Nam chỉ 40 điểm. Thực tế cho thấy, các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của Hoa Kỳ rất lớn cả nguồn tài chính, nhân lực và thể chế để phù hợp với cao vọng này. Bảng 1 cho thấy trong 10 công ty có quy mô vốn hóa lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ có 8 công ty. Đây là bằng chứng cho thấy để làm chủ công nghệ cao nhằm có quy mô vốn hóa lớn, cần có khát khao cháy bỏng làm chủ công nghệ cao.

Ở khía cạnh chấp nhận rủi ro, Hoa Kỳ có điểm số 48 cao hơn điểm số 30 của Việt Nam. Đây là bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ có mức độ chấp nhận rủi ro khá cao cho nên sẵn sàng tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Nhiều công nghệ cốt lõi, công nghệ chiến lược đã được Hoa Kỳ làm chủ nhờ có văn hóa chấp nhận rủi ro này.

Ở khía cạnh nhìn xa, trông rộng, Hoa Kỳ có điểm số 50 cao hơn 47 điểm của Việt Nam. Với tầm nhìn xa hơn và trông rộng hơn, các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư lâu dài vào các ngành công nghiệp cơ bản, công nghệ lõi nhằm chủ động làm chủ công nghệ, giữ vị trí cao, luôn ở vị thế độc quyền duy nhất hoặc độc quyền nhóm cho nên lợi nhuận thu được quy mô lớn và tốc độ tích lũy rất cao. Đầu tư công nghệ cao cần bảo đảm trong thời gian dài để vượt qua được không ít lần chưa thành công, đi đến thành công trọn vẹn. Tầm nhìn xa, trông rộng đòi hỏi tính kiên trì, bền bỉ cũng như quan điểm lạc quan về thành công như mong đợi trong tương lai.

Các đặc điểm trên đây khẳng định Việt Nam cần xây dựng văn hóa chấp nhận rủi ro trong đổi mới sáng tạo từ đối sánh các khía cạnh của nó với văn hóa Hoa Kỳ.

Từ Đại hội IV (1976), Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định quá trình tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng là cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật và cách mạng tư tưởng - văn hóa. Đồng thời khẳng định, cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của tư duy kế hoạch hóa mệnh lệnh, công tác khoa học - kỹ thuật chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên bang xô viết (Liên Xô), không chấp nhận rủi ro và hạn chế về ngân sách nên cũng không phát triển mạnh được khoa học - kỹ thuật. Kết quả là nền khoa hoc - kỹ thuật nước nhà vẫn chưa phát triển tương xứng với nhu cầu công nghiệp hóa đất nước.

Trải qua gần 40 năm đổi mới kể từ năm 1986 nhiều chính sách, quy định về phát triển khoc học - công nghệ ra đời kể cả Luật Công nghệ cao và đột phá khoa học - công nghệ được coi là một trong 3 đột phá chiến lược kể từ năm 2011, nền khoa học - công nghệ vẫn chậm phát triển. Chỉ cho nghiên cứu và phát triển mới ở mức khoảng 0,5% GDP. Một trong những yếu tố quan trọng là chưa định hình rõ nét tư duy chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, nhất là phát triển công nghệ cao.

Đặc biệt, từ cuối tháng 12 năm 2024, Việt Nam đã có Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là Nghị quyết nhấn mạnh việc tăng đầu tư nghiên cứu và phát triển lên 2% GDP, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội hóa và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và phát triển nhất là nghiên cứu công nghệ cao. Nghị quyết này đang khẳng định việc đổi mới thể chế sẽ góp phần giải phóng nguồn lực để di chuyển vào nghiên cứu và phát triển, tăng năng suất nhân tố tổng hợp và cải thiện đáng kể vị thế khoa học - công nghệ đất nước trong khu vực và thế giới. Đây là Nghị quyết mở đường cho sự phát triển đáng kể của khoa học công nghệ trong giai đoạn vươn mình để cất cánh của nền kinh tế, đưa đất nước trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước công nghiệp, thu nhập cao năm 2045 (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021).

Một số hàm ý về nhận thức và hành động

- Cần nhận thức sâu sắc và toàn diện đầu tư phát triển công nghệ cao là đầu tư mạo hiểm, rủi ro cao, cho nên cần có chiến lược đầu tư hợp lý và luôn có dự phòng rủi ro để thích nghi chủ động, tích cực, kịp thời. Điều này cho thấy đầu tư công nghệ cao luôn tốn nhiều chi phí. Theo đó, chi phí nghiên cứu và phát triển rất cao. Cho nên, cần có phương thức huy động tài chính phù hợp với các nguồn đa dạng cả từ trong và ngoài nước; các kênh huy động đa dạng để vượt qua được rủi ro này.

- Xác định mức độ thành công cụ thể của chương trình, dự án nghiên cứu và phát triển ở các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở, doanh nghiệp để có phân bổ nguồn lực, xác định tiến độ, triển khai nghiên cứu, đánh giá và cơ chế nghiệm thu và ứng dụng hợp lý thâm chí cơ chế thương mại hóa để thu lợi ích từ kết quả nghiên cứu. Những chương trình, dự án nghiên cứu và phát triển đúng quy định pháp luật, tuân thủ quy trình nghiên cứu chặt chẽ, khoa học nhưng không đạt thành công như mong đợi cũng phải được thông qua nghĩa là chấp nhận một khoản thiệt hại về tài chính và nhân lực. Đồng thời cần có phương thức đầu tư tiếp tục các chương trình, dự án chưa thành công thậm chí thất bại để đạt đến thành công trên cơ sở kinh nghiệm được tích lũy và cách thức tiếp cận mới hợp lý. Nói cách khác, cần coi thất bại là chỗ dựa thành công tiếp theo để đội ngũ nghiên cứu luôn tự tin và lạc quan.

- Coi trọng xây dựng lực lượng đông đảo các nhà khoa học đầu ngành về từng lĩnh vực công nghệ cao, như công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tư động hóa, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, thành lập và phát triển các nhóm nghiên cứu chuyên sâu và/hoặc các nhóm nghiên cứu mạnh trên từng lĩnh vực cụ thể, đào tạo nguồn nhân lực để có khả năng tiếp cận, tiếp nhận và phát triển công nghệ cao thuận lợi nhất khi có đủ nghề nghiệp. Đồng thời, cần có cơ chế chuyển nhượng các sản phẩm nghiên cứu dang dở hoặc chưa thành công hoặc thành công để thúc đẩy sự phát triển thị trường khoa học - công nghệ cao giai đoạn mới. Điều này đòi hỏi cơ chế phát triển khoa học - công nghệ trong giai đoạn phát triển mới cần đề cao yếu tố hỗ trợ và phát triển, giảm thiểu cơ chế quản lý cứng nhắc, không chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu công nghệ cao với hậu quả là khó tạo điều kiện để công nghệ cao ra đời và phát triển hiệu quả.

Kết luận

Để phát triển công nghệ cao bên cạnh đầu tư lớn cả về tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao cần có tư duy chấp nhận rủi ro. Điều này phù hợp với bản chất công nghệ cao và đặc điểm của thị trường công nghệ này. Tư duy chấp nhận rủi ro đến từ văn hóa chấp nhận rủi ro trong quá trình đổi mới sáng tạo diễn ra liên tục và không có điểm kết thúc.

Trong thời gian dài vận hành trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung và cả trong gần 40 năm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tư duy không chấp nhận rủi ro bộc lộ rào cản đầu tư phát triển công nghệ cao ở Việt Nam. Trong giai đoạn vươn mình để cất cánh của nền kinh tế, cần có tư duy chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Điều này thể hiện sự đột phá phát triển khoa học - công nghệ giai đoạn mới, giảm thiểu rào cản sợ rủi ro và thiệt hại đến mức kìm hãm sự phát triển công nghệ cao có rất nhiều tiềm năng cần được phát huy hiệu quả. Cả chính phủ, doanh nghiệp, đội ngũ nhà khoa học từng người dân, đối tác và bạn bè quốc tế cần phối hợp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và tư duy mới trong đầu tư phát triển công nghệ cao là sẵn sàng chấp nhận rủi ro để có công nghệ cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng
Đại học Kinh tế quốc dân