Ứng dụng trực tuyến tư vấn hướng nghiệp bậc Trung học: Làm thật-Cống hiến thật

10:26, 30/07/2021

“Ứng dụng nền tảng trực tuyến trong tư vấn hướng nghiệp” của nhóm nghiên cứu gồm 2 sinh viên đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tư vấn hướng nghiệp là một lĩnh vực tác nghiệp chuyên môn và chính sách được tích hợp chặt chẽ trong các hệ thống giáo dục, đào tạo.

Đặc biệt, trong giai đoạn lứa tuổi học sinh trung học phổ thông, nhu cầu được tư vấn các thông tin nghề nghiệp, hướng dẫn chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích, đam mê của bản thân và trao đổi, trải nghiệm ngành nghề luôn được hiện hữu.

Giao diện ứng dụng “Career Planner – Planning for your future” do nhóm nghiên cứu gồm Trần Linh Chi và Hoàng Sơn Tùng thực hiện.

Từ nghiên cứu khoa học sinh viên đến ứng dụng thực tế

Để giải quyết vấn đề này, giải pháp “Ứng dụng nền tảng trực tuyến trong tư vấn hướng nghiệp” đã được nhóm nghiên cứu do 2 sinh viên đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội là Trần Linh Chi – Lớp QH2017S, Sư phạm Ngữ Văn – Trường Đại học Giáo dục và Hoàng Sơn Tùng – lớp K62CACLC1 Trường Đại học Công nghệ thực hiện.

Ứng dụng “Career Planner – Planning for your future” sử dụng trên nền tảng điện thoại thông minh, được đăng kí trên 2 hệ điều hành IOS và Android, gồm các tính năng: Cung cấp thông tin về ngành nghề, cơ sở đào tạo; Tạo môi trường kết nối, chia sẻ cho học sinh cùng các chuyên gia, người đi trước; Giúp học sinh đánh giá và tự đánh giá thông qua trắc nghiệm nghề nghiệp; Cung cấp trải nghiệm nghề nghiệp qua những hoạt động thực tế.

Sản phẩm hướng đến sử dụng rộng rãi trong các nhà trường trung học phổ thông, các trung tâm tư vấn hướng nghiệp, phụ huynh, học sinh và những cá nhân quan tâm tới tư vấn, hướng nghiệp.

Có thể nói, “Career Planner – Planning for your future” là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác tư vấn hướng nghiệp ở trường trung học phổ thông.

Ứng dụng được xây dựng và kỳ vọng trở thành cung cấp nguồn thông tin tin cậy, cập nhật nhất; tạo môi trường chia sẻ, trao đổi giúp học sinhọc sinh những trải nghiệm nghề nghiệp hữu ích nhất; là con đường tất yếu mở ra những hướng đi triển vọng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Công cụ cũng thể hiện được tính ưu việt khi áp dụng vào thực tiễn công tác tư vấn hướng nghiệp tại trường trung học phổ thông.

Sản phẩm được tài trợ bởi Trường Đại học Giáo dục.

Sản phẩm được tài trợ bởi Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội trong khuôn khổ chính sách tài trợ các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học triển vọng dành cho người học.

Đồng thời, đề tài nghiên cứu “Ứng dụng nền tảng trực tuyến trong tư vấn hướng nghiệp bậc Trung học” cũng giành được Giải Nhất Hội thảo nghiên cứu khoa học sinh viên Trường Đại học Giáo dục; Giải Ba Công trình nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo

Trần Linh Chi – đại diện nhóm nghiên cứu cho biết “Career Planner – Planning for your future” được xây dựng không chỉ là một đề tài nghiên cứu khoa học, mà còn là một ý tưởng khởi nghiệp “Làm thật – Cống hiến thật – Giá trị thật”.

Trong thời gian tới, nhóm dự định sẽ tiếp tục nâng cao cơ sở dữ liệu và hoàn thiện các chức năng hệ thống. Từ đó, phát triển sản phẩm kết hợp chạy thử nghiệm trên diện rộng để liên tục cập nhật, đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Nhóm hướng tới việc xây dựng hệ sinh thái về hướng nghiệp, thông qua việc kết nối, hợp tác cùng các công ty về Công nghệ - Giáo dục; các tổ chức tư vấn hướng nghiệp, ươm mầm khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên và các chuyên gia trong cùng lĩnh vực.

Không chỉ phát triển để sản phẩm ngày càng hoàn thiện và thành công hơn, nhóm dự định tiếp tục trau dồi kiến thức và kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp, phân tích thị trường và hoàn thiện mô hình kinh doanh.

Linh Chi cũng chia sẻ thêm, trong quá trình đưa dự án bước ra từ ý tưởng đến sản phẩm ứng dụng, nhóm nhận được sự giúp đỡ về tinh thần, vật chất và học thuật từ giảng viên hướng dẫn - Tiến sĩ Lê Thanh Huyền, Tiến sĩ Hoàng Gia Trang; Trường Đại học Giáo dục; Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều – Hà Nội.

Tình bạn được ươm mầm bằng đam mê nghiên cứu khoa học

Hiện nay, Trần Linh Chi là sinh viên năm 4 ngành Cử nhân Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội; Hoàng Sơn Tùng cũng là sinh viên năm 4, ngành Khoa học Máy tính, Trường Đại học Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội.

Từ những năm học trung học phổ thông, Chi và Tùng đã học chung một trường. Tuy nhiên phải đến khi vào Đại học Quốc gia Hà Nội, nhờ tham gia vào các dự án khởi nghiệp cùng một vài người bạn, họ mới có cơ hội làm việc cùng nhau.

Chi và Tùng và đôi bạn có chung niềm đam mê với các đề tài, dự án ứng dụng công nghệ giáo dục.

Trước khi đến với dự án xây dựng “Ứng dụng nền tảng trực tuyến trong tư vấn hướng nghiệp bậc Trung học”, Linh Chi và Sơn Tùng đã cùng những người bạn khác thực hiện một số dự án chung như: tạo ra những Co-Learning Space – không gian học tập mở cho phép học sinh, sinh viên có thể tìm đến để học tập và được hỗ trợ từ các gia sư tài năng; xây dựng nền tảng hỗ trợ giải đáp bài tập dành cho học sinh trung học phổ thông.

Những dự án của nhóm tham gia đều có một mục đích chung là: tạo môi trường học tập chủ động, tích cực cho học sinh trung học phổ thông, tập trung hỗ trợ học sinh định hướng tư duy nhằm cải thiện hiệu quả học tập.

Tuy nhiên, Linh Chi cũng nhận ra rằng, ngoài việc được định hướng về học tập, học sinh trung học phổ thông còn cần sự định hướng, kết nối và phát triển kĩ năng hướng tới Tư vấn hướng nghiệp, từ đó đưa ra được những lựa chọn ngành, nghề đúng đắn. Đó là lí do có sự kết hợp giữa Công nghệ - Giáo dục, và là lí do cho sự ra đời của đề tài “Ứng dụng nền tảng trực tuyến trong Tư vấn hướng nghiệp bậc Trung học Phổ thông”

Nhà trường là nơi chắp cánh cho các đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên và ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo

Nghiên cứu khoa học sinh viên là thành phần thiết yếu trong giáo dục đại học. Việc tạo ra một môi trường học tập, nghiên cứu khoa học theo cách sao cho sinh viên không chỉ có được các kỹ năng, năng lực và sự thành thạo về chuyên ngành đào tạo mà còn thúc đẩy được ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo và sự sẵn sàng của họ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề được Trường Đại học Giáo dục đặc biệt quan tâm.

Trong nhiều năm trở lại đây, Trường Đại học Giáo dục đã liên tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên theo hướng phát triển bền vững như: mở rộng quy mô tổ chức Hội thảo Khoa học sinh viên thường niên cho sinh viên Trường Đại học Giáo dục và sinh viên các trường Sư phạm chủ chốt trên toàn quốc cùng gửi bài và tham dự; khuyến khích sinh viên tham gia đề tài – dự án hoặc hợp tác nghiên cứu cùng với nhóm nghiên cứu, giảng viên hướng dẫn; Nhà trường có chính sách cấp kinh phí nghiên cứu cho người học như một đối tác bình đẳng với giảng viên; Cấp kinh phí lên đến 20 triệu đồng cho các đề tài tiềm năng, sản phẩm nghiên cứu mang tính ứng dụng thực tiễn; thúc đẩy sự phát triển của các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học sinh viên, Xây dựng không gian sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên - Không gian được định hướng và thiết kế là nơi khơi nguồn mọi ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp cho cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Giáo dục.

Theo/giaoduc.net.vn