Vận dụng mô hình "lớp học đảo ngược" nhằm gây hứng thú và phát triển năng lực cho học sinh trong môn Tin học 11 để góp phần vào giảng dạy môn Tin học lớp 11 đáp ứng chương trình giáo dục phổ th
Việc tổ chức dạy học truyền thống chưa tạo được hứng thú cho các em, chưa đặt các em vào môi trường hoạt động tích cực. Vậy làm thế nào để các em tư duy, trao đổi tranh luận với nhau, chia sẻ và diễn đạt ý nghĩ thẳng thắn của mình? Nếu hướng dẫn học sinh theo các bài toán, các ví dụ mẫu có sẵn trong sách giáo khoa các em sẽ thụ động, làm theo mà không tự mình tư duy. Khi đã không hiểu thì các em không thể đưa ra những ý tưởng của mình mà sẽ thụ động lĩnh hội kiến thức. Như thế các em không vận dụng được kiến thức vào bài tập thực tế hoặc nhớ kiến thức máy móc rất nhanh quên. Từ lý do trên đây, bài báo đề xuất giải pháp vận dụng mô hình "Lớp học đảo ngược" nhằm gây hứng thú và phát triển năng lực cho học sinh trong môn Tin học 11 để góp phần vào giảng dạy môn Tin học lớp 11 đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tốt hơn.
1. Thuận lợi và khó khăn
1.1. Những thuận lợi trong công tác dạy và học môn Tin học
Trong những năm qua, việc cải tiến nội dung chương trình, đổi mới phương pháp, phương tiện dạy học môn Tin học đã được đẩy mạnh thực hiện và bắt đầu thu được những thành tựu, có những chuyển biến tích cực. Các thầy cô giáo đã rất tâm huyết trong việc đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, tự lực của học sinh…
Tin học là công cụ để các môn học và hoạt động giáo dục khác đổi mới phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, tìm hiểu, cập nhật và triển khai những nội dung mới với những phương thức dạy học hiện đại. Trong thế kỷ XXI, con người được trang bị tư duy máy tính để giải quyết vấn đề và sáng tạo với sự trợ giúp của máy tính và các thiết bị thông minh. Bởi vậy, môn Tin học chuẩn bị điều kiện cơ sở và thiết yếu cho các ứng dụng ICT ở nhà trường phổ thông. Các phần mềm dạy học, các thí nghiệm ảo, trò chơi, tranh ảnh, sản phẩm multimedia, các bài giảng điện tử phục vụ thiết thực và hiệu quả cho các môn học, các chủ đề, các hoạt động giáo dục, dạy học tích hợp và phân hóa. Điều này mở rộng cơ hội và sự công bằng học tập cho mọi học sinh, hỗ trợ đắc lực cho học sinh tự học tập và nghiên cứu để thích ứng với thời đại mới.
1.2. Hạn chế trong công tác dạy và học môn Tin học
- Cần trang bị thiết bị học tập cần thiết đối với môn Tin học như máy tính, máy chiếu, Tivi, kết nối mạng Internet, quạt để các em được học tập trong môi trường đầy đủ nhất.
- Học sinh phải có tinh thần học tập và tinh thần tự giác để có thể nâng cao năng lực học tập của mình.
- Giáo viên bộ môn Tin học cần phải nắm rõ bản chất và cách thực hiện các phương pháp giảng dạy mới để mang đến những tiết học chất lượng và ít gặp sai sót nhất. Giáo viên sử dụng thành thạo máy tính, một số phần mềm tạo, cắt ghép video, một số ứng dụng trình chiếu, tạo slide thuyết trình…
2. Phương pháp
2.1. Mục tiêu của chương trình Tin học Trung học phổ thông
- Về kiến thức: Giúp học sinh có khả năng hoà nhập và thích ứng được với sự phát triển của xã hội số, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học; tìm kiếm và trao đổi thông tin theo cách phù hợp, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, ứng xử văn hoá và có trách nhiệm; có hiểu biết thêm một số ngành nghề thuộc lĩnh vực tin học, chủ động và tự tin trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai của bản thân.
- Về năng lực phát triển: Năng lực tự học, năng lực tự sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề.
- Phẩm chất:
+ Nâng cao khả năng tự học, ý thức học tập và ý thức tôn trọng pháp luật.
+ Nâng cao phẩm chất đạo đức, văn hóa khi tham gia Internet.
+ Tự giải quyết vấn đề có sáng tạo.
2.2. Giải pháp cụ thể
Việc vận dụng mô hình lớp học đảo ngược vào dạy môn Tin học 11 sẽ giúp học sinh có một môi trường học tập với đa dạng các hình thức khác nhau. Điều này sẽ giúp việc tiếp cận kiến thức tin học trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Đồng thời, đây còn là cách khuyến khích và rèn luyện khả năng tự học của học sinh. Bên cạnh đó, việc vận dụng mô hình lớp học đảo ngược còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao và rèn luyện các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình, giảng dạy và truyền đạt kiến thức lại cho người khác, từ đó giúp các em tự tin phát triển tối đa năng lực học tập môn Tin học một cách tốt nhất.
Trong khuôn khổ bài báo này, giáo viên sẽ trình bày chi tiết quy trình vận dụng mô hình lớp học đảo ngược vào dạy học Bài 12: "Hệ quản trị cơ sở dữ liệu và hệ cơ sở dữ liệu" trong chương trình môn Tin học lớp 11 để làm rõ cách thức vận dụng và lợi ích của các phương pháp này.
Biện pháp 1: Chia nhóm và giao nhiệm vụ cho học sinh chuẩn bị bài học trước tại nhà
* Mục tiêu
Với biện pháp chia nhóm và giao nhiệm vụ cho học sinh chuẩn bị bài học trước tại nhà nhằm mục đích rèn luyện tính tự giác trong học tập cho các em học sinh. Biện pháp này không chỉ nâng cao tinh thần tự học trong các em mà còn giúp các em có thể hiểu sâu nội dung kiến thức mà giáo viên giảng dạy trên lớp khi đã tìm hiểu và xem trước các nội dung kiến thức đó tại nhà. Bên cạnh đó, việc chia nhóm để các em cùng hoàn thành bài tập sẽ giúp rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, các em còn có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong học tập.
* Nội dung và cách thực hiện
Giao nhiệm vụ chuẩn bị bài tập tại nhà, chuẩn bị bài trước khi lên lớp sẽ kích thích sự chủ động trong học tập cho học sinh, là yếu tố kích thích sự tìm tòi các kiến thức mới từ nhiều nguồn như Internet, sách báo, thư viện trường,... Từ đó, các em không còn thụ động trong kiến thức ở sách giáo khoa và các bài giảng của giáo viên nữa. Hơn thế nữa, việc chuẩn bị bài trước tại nhà sẽ tiết kiệm được thời gian học tập trên lớp cho giáo viên và cả học sinh, học sinh có nhiều thời gian để hiểu bài và đặt câu hỏi, những thắc mắc cho giáo viên, còn giáo viên sẽ có thêm nhiều thời gian để ôn luyện nhiều dạng bài tập chuyên sâu hơn. Với việc giao bài tập theo nhóm, các em đã được rèn luyện tinh thần trách nhiệm khi làm việc theo sự phân công của nhóm. Từ đó các em dần đạt được kết quả học tập cao hơn trong môn Tin học 11.
Bản chất của mô hình lớp học đảo ngược là ngược lại hoàn toàn với các phương pháp dạy học truyền thống, học sinh sẽ tự tổng hợp, tìm kiếm kiến thức tại nhà qua các bài giảng của giáo viên, trên mạng Internet,... chứ không phải đến lớp học mới tìm hiểu và nghe giáo viên giảng về kiến thức mới nữa. Với mô hình này, khi đến lớp các em sẽ làm bài thảo luận hay bài tập theo nhóm, trao đổi, chia sẻ kiến thức đã tìm hiểu với nhau.
Giáo viên thực hiện biện pháp này theo các bước như sau:
Bước 1: Chia nhóm
Cuối tiết học trước, giáo viên thực hiện chia lớp thành các nhóm, mỗi nhóm có 6 đến 7 thành viên. Sau khi đã thống nhất được các nhóm, giáo viên giao nhiệm vụ cho thành viên các nhóm nghiên cứu các kiến thức liên quan để phục vụ cho nội dung bài học sau.
Để việc hoàn thành các bài tập nhóm tại nhà một cách hiệu quả nhất thì số thành viên trong mỗi nhóm sẽ từ 6 đến 7 bạn. Đối với các tiết học có nội dung, kiến thức cần tìm hiểu nhiều giáo viên sẽ chia theo từng chủ đề riêng để các nhóm dễ dàng tìm hiểu hơn nhưng vẫn ưu tiên việc có 2 nhóm làm cùng 1 chủ đề để có thể so sánh và nhận xét bài của nhau, từ đó tìm được những điểm còn thiếu từ bài của nhóm mình. Sau khi giao bài tập cho các nhóm, giáo viên hướng dẫn các em thảo luận tại nhà qua các cuộc gặp mặt online như Zoom, Google meet, Facebook,... để các em có thể hoàn thành bài tập theo nhóm một cách thuận tiện và hiệu quả nhất.
Bước 2: Giao nhiệm vụ
Sau bước chia nhóm, các em tự đánh giá và nhìn nhận năng lực của chính bản thân mình và các bạn trong nhóm để có thể bầu ra nhóm trưởng, thư ký để có thể dẫn dắt nhóm và phân chia nhiệm vụ cho các bạn cũng như quản lý tiến độ làm việc của từng bạn để đảm bảo bài tập được hoàn thành đúng tiến độ mà giáo viên đề ra.
Sau khi thực hiện việc phân chia nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, các nhóm tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức, nội dung bài học qua các bài giảng, tài liệu về bài học trên Internet để hoàn thành bài tập mà giáo viên giao tại lớp. Để thuận tiện cho việc thuyết trình, giải thích bài tập của mình tại lớp, giáo viên khuyến khích các em sử dụng phần mềm Powerpoint/Canva để trình chiếu, giáo viên dựa vào đó để đánh giá quá trình làm bài tập của các em cũng như cho điểm đánh giá quá trình học tập của từng học sinh.
Ví dụ: Trước khi học về bài 12 trong sách Tin học 11 (Kết nối tri thức) "Hệ quản trị cơ sở dữ liệu và hệ cơ sở dữ liệu" giáo viên sẽ chia lớp thành 6 nhóm, nhiệm vụ của mỗi nhóm như sau:
- Nhóm 1 +2: Tìm hiểu hệ quản trị cơ sở dữ liệu là gì và chức năng của hệ quản trị cơ sở dữ liệu
+ Vẽ sơ đồ tưu duy tóm tắt, giải thích về hệ QTCSDL và các nhóm chức năng của hệ QTCSDL
+ Chỉ rõ những khó khăn trong việc khai thác CSDL nếu không có hệ QTCSDL
- Nhóm 3+4: Tìm hiểu về hệ cơ sở dữ liệu
+ Thảo luận tình huống tra cứu điểm thi trực tuyến – SGK trang 60 và cho biết: khi thực hiện tra cứu điểm thi em đã giao tiếp với CSDL điểm thi bằng cách nào?
+ Quan sát hình 12.1, 12.2, 12.3, nghiên cứu mục 2 và cho biết thành phần của hệ CSDL, hoạt động của nó khi có yêu cầu truy xuất dữ liệu từ người dùng?
+ Em hãy chỉ ra điểm khác nhau giữa Hệ QTCSDL và CSDL?
- Nhóm 5+6: Tìm hiểu về hệ cơ sở dữ liệu tập trung và phân tán
+ Đưa ra khái niệm hệ cơ sở dữ liệu tập trung và phân tán
+ Lập bảng so sánh hai loại theo các tiêu chí: Khái niệm, đặc trưng, ưu điểm, hạn chế
Bước 3: Định hướng cho học sinh cách nghiên cứu tài liệu
Với mong muốn chất lượng bài tập của các em đạt chất lượng tốt và có những nội dung phù hợp, được tổng hợp từ những nguồn tin rõ ràng, vậy nên trong bước này giáo viên sẽ cung cấp cho các em thông tin về các nguồn tài liệu tham khảo chính thống. Với nguồn tài liệu học tập mà chúng giáo viên cung cấp sẽ giúp bài tập của các em có thông tin phù hợp và không bị sai lệch. Dưới đây là một số tài liệu tham khảo về môn Tin học 11:
+ Sách giáo khoa Tin học lớp 11 (Kết nối tri thức).
+ Video bài giảng trên các kênh chính thống của bộ giáo dục.
+ Các kiến thức về tin học trong sách giáo khoa chương trình học các năm trước.
+ Các quyển sách đọc thêm về môn Tin học trong thư viện của trường cũng sẽ là nguồn tài liệu đáng để các em tham khảo.
* Điểm mới:
Biện pháp này đã khắc phục một số hạn chế so với các phương pháp dạy học truyền thống, chỉ giảng dạy trên sách vở. Điểm mới của biện pháp này là giao bài tập về nhà cho học sinh theo nhóm để phát huy tối đa năng lực học tập của các em. Phương pháp trên giúp các em có thể hiểu sâu sắc các kiến thức mới, giúp giáo viên và học sinh tiết kiệm thời gian khi không cần phải giảng dạy chi tiết nội dung mà thay vào đó là thời gian để các em thảo luận và đặt câu hỏi để giáo viên giải đáp. Học sinh có cơ hội tương tác giữa giáo viên và các bạn học khác, từ đó khiến lớp học thú vị, hiệu quả và sôi động hơn, kích thích sự hứng thú trong học tập của các em, giúp các em rèn luyện các kỹ năng cần thiết như kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp để nâng cao năng lực học tập của mình.
Biện pháp 2: Tổ chức cho học sinh thuyết trình trên lớp về những nội dung đã tìm hiểu được
* Mục tiêu
Tổ chức cho học sinh thuyết trình trên lớp về những nội dung đã tìm hiểu được giúp giáo viên có thể đánh giá năng lực học tập môn tin học của học sinh để đưa các biện pháp giảng dạy phù hợp cho các em. Bên cạnh đó, việc thuyết trình trên lớp cũng giúp các em rèn luyện được kỹ năng thuyết trình, ngôn ngữ hình thể và tăng sự tự tin khi đứng trước đám đông.
* Nội dung và cách thực hiện
Vai trò của việc cho học sinh trình bày lại những kiến thức mà mình đã tìm hiểu được cho giáo viên và các bạn cùng lớp, giúp các em rèn luyện khả năng giao tiếp, sự tự tin. Việc trình bày lại kiến thức cho người khác giúp khắc sâu kiến thức hơn đến 90% (theo mô hình tháp học tập của Viện nghiên cứu giáo dục Mỹ).
Các nhóm sau khi thảo luận và làm nhiệm vụ tìm hiểu kiến thức tại nhà sẽ cần trình bày lại các kiến thức đó trên lớp bằng cách trình chiếu các bản Powerpoint cho giáo viên và các bạn, để giảng dạy lại kiến thức cho các nhóm nghiên cứu chủ đề khác.
Giáo viên hướng dẫn các nhóm phân công nhiệm vụ rõ ràng phù hợp với năng lực của từng bạn. Để làm việc nhóm hiệu quả, mỗi nhóm phải bao gồm 1 nhóm trưởng để điều hành hoạt động nhóm, 1 thư ký để ghi chép và nhận nhiệm vụ thuyết trình trước lớp, các thành viên còn lại có nhiệm vụ tiếp nhận và giải đáp các thắc mắc và câu hỏi của các bạn học sinh khác.
Sau khi tất cả các nhóm trình bày xong, giáo viên sẽ cho thời gian để các nhóm khác đặt câu hỏi để các em có thể hiểu sâu bài tập và rèn luyện kỹ năng phân tích các tình huống, các dạng bài tập đặc biệt. Cuối cùng, giáo viên sẽ rút ra nhận xét và đánh giá năng lực học tập chung.
* Tiến hành:
Mỗi nhóm cử người thuyết trình bài báo cáo của nhóm, mỗi nhóm có thời gian trình bày tối đa là 4 phút. Các nhóm còn lại mỗi nhóm có tối đa 1 câu hỏi cho nhóm báo cáo. Nhóm báo cáo vừa tiếp nhận câu hỏi vừa trả lời trong 3 phút.
Thứ tự thuyết trình các nhóm như sau:
Nhóm 1+2: Tìm hiểu về hệ quản trị cơ sở dữ liệu.
Lần lượt 2 nhóm 1 và 2 lên thuyết trình phần nội dung của mình trong vòng 8 phút, mỗi nhóm là 4 phút. Sau khi thuyết trình xong, hai nhóm sẽ nhận xét và đặt câu hỏi cho nhau, mỗi nhóm có 3 phút để phản biện lại câu hỏi của nhóm bạn.
Nhóm 3+4: Tìm hiểu về hệ cơ sở dữ liệu
Tương tự nhóm 1 và nhóm 2, trong vòng 8 phút tiếp theo là phần trình bày của nhóm 3 và nhóm 4 về nội dung đã giao trong phần biện pháp 1 đã trình bày ở trên. Sau 8 phút thuyết trình, hai nhóm đặt câu hỏi và nhận xét ưu, nhược điểm của nhóm bạn, từ đó rút ra kinh nghiệm và sửa bài tập của nhóm mình.
Nhóm 5+6: Tìm hiểu về hệ cơ sở dữ liệu tập trung và phân tán
Đại diện nhóm 5 và nhóm 6 cũng lên thuyết trình nội dung kiến thức mình tìm hiểu được trong vòng 8 phút tiếp theo. Sau đó cả hai nhóm trả lời câu hỏi và ghi nhận những góp ý cho nhau.
Trong quá trình nhóm thuyết trình, các nhóm còn lại đưa ra câu hỏi và nhận xét. Nếu học sinh gặp khó khăn và vướng mắc thì giáo viên sẽ hỗ trợ giải đáp.
Sau khi các nhóm thuyết trình kết thúc nội dung bài tập của mình, giáo viên sẽ nhận xét lại hiệu quả thuyết trình của các nhóm và chuẩn hóa kiến thức của tiết học. Tiếp theo đó, cả lớp sẽ bình chọn sản phẩm thảo luận của nhóm nào tốt qua phiếu đánh giá thiết kế, thuyết trình sẽ nhận được giáo viên tuyên dương và cộng điểm vào các bài kiểm tra trên lớp để khuyến khích tinh thần học tập của các em.
Tổng quan lại các phần thuyết trình của các nhóm, giáo viên rút ra được kết luận rằng các nhóm như đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, trình bày thuyết trình đẹp mắt và nắm rõ nội dung, kiến thức bài tập mà giáo viên giao. Bên cạnh đó, phong thái thuyết trình và cách sử dụng ngôn ngữ hình thể của các em cũng đã lưu loát hơn, diễn đạt nội dung một cách trôi chảy. Các nhóm đều có tinh thần đồng đội cao, luôn giúp sức hỗ trợ nhau trong bài thuyết trình. Bên cạnh đó, các em có tinh thần học tập tốt, luôn lắng nghe, không làm việc riêng khi nhóm bài thuyết trình.
* Điểm mới:
Điểm mới của biện pháp này là học sinh chủ động tìm hiểu kiến thức để hoàn thành sản phẩm thuyết trình. Các em dành nhiều thời gian để tìm hiểu kiến thức, thiết kế và hoàn thành sản phẩm thuyết trình, đồng thời luyện tập thuyết trình tại nhà trước khi lên lớp để phần trình bày của mình chỉn chu, tránh mắc lỗi. Qua đó, các em có thể dần hoàn thiện kỹ năng nghiên cứu kiến thức mới và cải thiện khả năng diễn đạt trước đám đông, rèn luyện kỹ năng phản biện trước những thắc mắc hay câu hỏi của nhóm khác.
Biện pháp 3: Tổ chức cho học sinh thảo luận thực hành vẽ sơ đồ tư duy kết hợp kỹ thuật phòng tranh để sơ đồ hóa lại kiến thức
* Mục tiêu:
Thực hiện biện pháp trên nhằm giúp học sinh nhớ rõ và sâu hơn các kiến thức mình đã học trên lớp, học sinh được củng cố lại kiến thức của mình một cách logic hơn. Bên cạnh đó, biện pháp cũng giúp các em rèn luyện kỹ năng quan sát, tổng hợp để có thể thực hiện vẽ các sơ đồ tư duy, giúp các em chủ động hơn trong việc ghi nhớ kiến thức, không bị gò bó trong sách vở như lúc trước.
* Nội dung thực hiện
Vẽ sơ đồ tư duy là một trong những biện pháp học tập hiệu quả nhất hiện nay, biện pháp đóng vai trò trong việc sơ đồ hóa và tổng hợp lại các kiến thức đã học trên lớp cho học sinh. Bởi đa số các em đã tìm hiểu bài trước tại nhà rồi nên trong tiết học chủ yếu giáo viên sẽ chuẩn hóa kiến thức và giao các bài tập vận dụng cũng như thực hành cho học sinh. Vì vậy, việc cho các em vẽ lại sơ đồ tư duy các kiến thức đã được học giúp các em khắc sâu kiến thức hơn, làm tư liệu học tập sau này.
Kỹ thuật phòng tranh là hình thức tổ chức hoạt động học tập theo cá nhân hoặc hoạt động theo nhóm. Kỹ thuật phòng tranh được đánh giá là giúp học sinh tăng khả năng ghi nhớ, đồng thời kích thích trí tưởng tượng, khả năng quan sát và truyền đạt lại kiến thức với thầy cô, bạn bè thông qua những hình ảnh trực quan giúp lớp học thêm phần sôi động nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả học tập. Các em được kích hoạt tối đa các giác quan để tư duy, sáng tạo, quan sát, đánh giá từ những góc nhìn của bản thân về một chủ đề mĩ thuật cụ thể.
Để áp dụng thảo luận vẽ sơ đồ tư duy kết hợp kỹ thuật phòng tranh trong việc thực hiện công tác giảng dạy môn Tin học 11, giáo viên đã tiến hành qua các bước sau:
Chuẩn bị: Giáo viên yêu cầu mỗi nhóm chuẩn bị giấy A0, giấy A4, bút màu và tiết thứ 2 của bài 12.
Cách tiến hành:
Bước 1: Tổ chức cho học sinh vẽ sơ đồ tư duy dưới hình thức theo nhóm. Giáo viên chia lớp thành 6 nhóm (mỗi nhóm gồm 6 đến 7 em). Trong phần này giáo viên sẽ chia lại nội dung sao cho phần hệ thống lại kiến thức này sẽ không trùng với nội dung các em đã chuẩn bị ở nhà trước đó. Giáo viên giao nhiệm vụ cho các nhóm vẽ sơ đồ trong vòng 15 phút, sau đó trình bày lại sơ đồ tư duy tổng hợp lại những nội dung về nội dung bài 12: "Hệ quản trị cơ sở dữ liệu và hệ cơ sở dữ liệu" - sách Tin học 11.
Bước 2. Tổ chức hoạt động triển lãm tranh
Sau khi các nhóm đã hoàn thành sơ đồ của nhóm mình, giáo viên cho học sinh đẩy dồn bàn ghế vào giữa lớp học nhằm mục đích tạo không gian xung quanh để tổ chức triển lãm một cách thuận tiện hơn.
Tiếp đến, giáo viên phân chia khu vực treo tranh cho từng nhóm trên các vị trí trống xung quanh lớp học: Mỗi sơ đồ sẽ treo ở vị trí khác nhau ở các vị trí để cả giáo viên và các nhóm dễ quan sát.
Giáo viên yêu cầu mỗi học sinh phải chuẩn bị 1 tờ giấy và trong quá trình xem triển lãm các em cần ghi ít nhất 1 nhận xét của mình về mỗi sơ đồ đó. Các em sẽ nhận xét bức tranh theo các tiêu chí: nội dung, tính logic, bố cục, hiệu ứng mắt nhìn, màu sắc,...
Trong quá trình các em xem tranh của các nhóm, giáo viên quan sát và điều động tổ chức hoạt động tránh trường hợp có sơ đồ rất ít học sinh xem, có sơ đồ lại có quá đông học sinh xem. Đồng thời trong thời gian đó giáo viên cũng xem xét 1 lượt các bài vẽ của các nhóm.
Hoạt động xem tranh được tổ chức trong khoảng 10 phút, hết thời gian xem triển lãm cả lớp kê lại bàn ghế về vị trí của nhóm mình, trả lại không gian lớp học cho các lớp khác.
Theo kết quả bầu chọn của cả lớp kết hợp với đánh giá của bản thân, giáo viên sẽ xếp hạng sơ đồ từ thứ 1 đến thứ 6.
Đầu tiên là bài được yêu thích nhất, giáo viên sẽ treo lên chính giữa bảng học của lớp học, lần lượt gọi ngẫu nhiên 3 bạn nêu lên nhận xét của mình đã ghi lại về sơ đồ đó khi đi xem triển lãm. Sau khi nghe nhận xét của các em, giáo viên sẽ nhận xét các điểm đã làm tốt và những điểm cần khắc phục của các em.
Việc nhận xét như vậy sẽ được tiến hành cho đến khi hết số sơ đồ triển lãm để đảm bảo bài nào của các nhóm cũng được nhận xét, đánh giá và rút ra bài học. Tuy nhiên, các sơ đồ về sau gặp lỗi tương tự giáo viên sẽ chỉ nêu ra vấn đề để tránh lặp lại nội dung và gây tốn thời gian.
* Điểm mới:
Với biện pháp vẽ sơ đồ tư duy kết hợp với kỹ thuật phòng tranh để sơ đồ hóa lại kiến thức ở trên đã khắc phục được các hạn chế ở biện pháp cũ khi chỉ học mà không tổng hợp lại kiến thức khiến các em không nhớ cách vận dụng kiến thức vào bài tập. Biện pháp đã giúp các em chủ động một cách logic trong việc củng cố kiến thức học tập của mình qua sơ đồ tư duy, các sơ đồ tư duy với đa dạng màu sắc cũng giúp kích thích tính tích cực trong học tập cho các em. Từ đó giúp các tiết học Tin học 11 không còn nhàm chán mà trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.
(Còn tiếp phần 2 ...)
Theo Tạp chí in số 2 tháng 6/2024