Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác đối ngoại và phát triển kinh tế

12:28, 10/12/2021

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút ngoại lực để pháp huy nội lực trên lĩnh vực kinh tế là cơ sở lý luận để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với Thế giới.

Chiến sĩ cộng sản lỗi lạc Hồ Chí Minh là một trong số không nhiều nhà lãnh tụ cách mạng đã đi, quan sát, tìm hiểu, học hỏi ở nhiều nước trên nhiều châu lục. Hơn nữa Người còn là một trong những học trò xuất sắc trong việc vận dụng và sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin. Vì thế, tư tưởng của người trên nhiều lĩnh vực mang tầm nhân loại và có tính chất dự báo xu hướng thời đại. Một trong những tư tưởng cấp tiến vượt thời đại đó của Người là chính sách kinh tế mở cửa, hội nhập nhằm thu hút ngoại lực để phát huy nội lực mà Đảng ta đã vận dụng thành công trong công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập với quan điểm "xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế"[1,tr.75], “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” [1,tr.83] một cách sâu rộng.

Nguyễn Ái Quốc tại đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tua vào năm 1920 khi ra đi tìm đường cứu nước

Thời kỳ ra đi tìm đường cứu nước

Ngay từ năm 1919, khi tố cáo thực dân Pháp cấu kết, nhân nhượng bọn phát xít Nhật, để cho chúng cùng vào khai thác Đông Dương, Hồ Chí Minh đã có những nhận xét có ý nghĩa đặt nền móng cho việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại sau này: “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”[2,tr.9-10] Bên cạnh đó người còn nhận định “là phi lý nếu nghĩ rằng hai dân tộc láng giềng như dân tộc An Nam và dân tộc Nhật Bản lại có thể cứ tồn tại biệt lập đối với nhau”[2,tr.9-10].

Như vậy, khi mà thực dân, phát-xít đang đô hộ nước nhà, vượt lên nỗi đau riêng, hướng tới tinh thần quốc tế trong sáng, Người đã khuyến khích các dân tộc phải mở cửa giao lưu, quan hệ bình đẳng, cùng có lợi, kịch liệt phê phán tư tưởng bóc lột, biệt lập giữa dân tộc này với dân tộc khác.

Cùng với tinh thần ấy trong một lần trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Oantơ Brit, Hồ Chí Minh khẳng định: “Một khi đã độc lập, Việt Nam sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn”[4,tr.576] hoặc khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Standley Harrison, Người nói về ngoại thương: “Việt Nam sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thật thà”[4,tr.578].

Bác Hồ sang pháp năm 1946

Thời kỳ sau khi giành được chính quyền

Ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay đến mở rộng quan hệ quốc tế, ngỏ ý muốn cử thanh niên sang Mỹ học tập khoa học - kỹ thuật để về phát triển kinh tế nước nhà. Trong bức thư gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ ngày 1/11/1945, Người đã nêu nguyện vọng gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để mở rộng quan hệ hữu nghị và xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác, với lý do những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam. Trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc và trong bối cảnh bộn bề của một đất nước mới giành được độc lập, ý tưởng trên của Người thể hiện tư duy của một lãnh tụ thiên tài, có tầm nhìn xa trông rộng.

Trong Thư gửi Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách người đứng đầu nhà nước, đã thể hiện thiện chí của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”[3,tr.177].

Tư tưởng thực hiện chiến lược chủ động mở cửa, tích cực hội nhập thu hút ngoại lực được Người đề cập tập trung, đầy đủ và rõ ràng nhất trong bức thư gửi Liên hợp quốc tháng 12/1946. Trong bức thư ấy có những nội dung đặc biệt chú ý như “đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, các nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của tổ chức Liên hợp quốc”[3,tr.470]

Bác Hồ với nhà báo nước ngoài.

Với những phương châm chỉ đạo có tính nguyên tắc hết sức đúng đắn: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”; làm sao cho đất nước có nhiều bạn đồng minh, ít kẻ thù hơn hết, là “thân thiện với tất cả các nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam sớm biết về lợi ích của mở cửa và mở rộng giao lưu quốc tế. Dù trong hoàn cảnh nào Người vẫn kiên trì quan điểm mở rộng quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng và các nước có chế độ chính trị khác nhau. Với tư tưởng này, Hồ Chí Minh đã đặt cơ sở lý luận đặt nền móng cho quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Như vậy, chính nhờ những nền tảng tư tưởng trên mà đến thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan giã, quan hệ kinh tế thế giới có sự biến đổi căn bản và có nhiều đảo ngược; Kiên định với nền tảng tư tưởng đã lựa chọn, Đảng ta đã căn cứ vào các nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác – LêNin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực tiễn cách mạng nước ta và tình hình thế giới hiện thời để định ra những đường lối đúng đắn và sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, mà cụ thể là hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại với các nước trên thế giới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên quá độ để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.

Nguyễn Thị Cường