Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) tổ chức chương trình sinh nhật lần thứ 13

08:11, 15/01/2025

Ngày 14/01/2025, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Phần mềm Tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) đã tổ chức chương trình sinh nhật lần thứ 13.

Tham dự chương trình có sự hiện diện của Ths. Nguyễn Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam (VAIP); PG.TS. Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký CLB FISU Việt Nam; Ths. Đinh Duy Hợi, Tổng Biên tập Tạp chí Tin học và Đời sống; PGS. TS. Ngô Hồng Sơn, Chủ tịch VFOSSA; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký VFOSSA Nguyễn Thế Hùng; TS. Nguyễn Hồng Quang, Nguyên Chủ tịch VFOSSA; PGS.TS. Đỗ Văn Hùng, Trưởng Khoa Thông tin thư viện, ĐHKHXH&NV.

Bên cạnh đó, sự kiện còn có sự xuất hiện của bà Chu Thị Thắm, Chuyên viên Viện Công nghệ số và Chuyển đổi số quốc gia; ông Phạm Đức Tiến, CEO Công ty cổ phần Hệ sinh thái Đấu Thầu; ông Bùi Quốc Huy, CEO của Công ty TNHH Edtech Cole; ông Lê Thanh Hưng, DevRel Manager tại FOSSASIA và Admin & AI Reseacher của cộng đồng Bình dân học AI; ông Khương Công Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SmartBooks; ông Lưu Văn Hậu, Chủ tịch và ông Nguyễn Văn Chuyên, Giám đốc Công ty i3 Network Systyms; ông Trần Minh Huy, Chủ tịch và ông Trần Vương Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ Vietsens....

Các đại biểu tham dự chương trình sinh nhật lần thứ 13 của VFOSSA.

PG.TS. Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký CLB FISU Việt Nam tặng hoa chúc mừng VFOSSA


Ths. Đinh Duy Hợi, Tổng Biên tập Tạp chí Tin học và Đời sống tặng hoa chúc mừng VFOSSA.

Mở đầu chương trình, PGS. TS. Ngô Hồng Sơn, Chủ tịch VFOSSA đã có phát biểu khai mạc tổng kết hoạt động một năm qua của Câu lạc bộ. Chủ tịch VFOSSA cho rằng, trong năm qua, Câu lạc bộ đã rất cố gắng với nhiều hoạt động và duy trì được tinh thần của phần mềm nguồn mở. Câu lạc bộ đã hiện thực hóa được một sự kiện nguồn mở quốc tế tại Việt Nam, thu hút được gần 5.000 sinh viên và các thành phần tham gia. 

Tiếp đó là một sự kiện rất ấn tượng khác là thực hiện một dự án mở khóa phần mềm. Ngoài ra, Câu lạc bộ cũng tiếp tục duy trì được các hoạt động thường niên, đặc biệt là Ngày hội Phần mềm Tự do Nguồn mở - Software Freedom Day/SFD được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN). 

Cũng theo Chủ tịch VFOSSA, năm vừa rồi, Câu lạc bộ cũng duy trì được hoạt động của rất nhiều các đội tham gia cuộc thi công nghệ lớn. 

PGS. TS. Ngô Hồng Sơn phát biểu tại chương trình sinh nhật lần thứ 13 của VFOSSA. 

Trong năm phong trào AI "nở rộ", tinh thần nguồn mở cũng rất "nóng". Trong các công nghệ, nền tảng AI thì chiếm 40% là nguồn mở, cho thấy lĩnh vực này đã rất thông dụng đối với đời sống. Gần đây nhất là Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia càng cho thấy tầm quan trọng của công nghệ trong kỷ nguyên số. 

PGS. TS. Ngô Hồng Sơn cho rằng, mã nguồn mở sẽ là "trợ thủ" đắc lực để làm chủ công nghệ. Theo đó, mã nguồn mở sẽ hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... ứng dụng công nghệ để phục vụ mọi mặt của cuộc sống được tốt hơn. 

"Nhân dịp sinh nhật, tôi rất cảm ơn các anh chị em thành viên của VFOSSA, các vị khách quý và các nhà tài trợ luôn ủng hộ tinh thần nguồn mở. Tôi cũng xin chúc tất cả quý vị một năm mới an khang, thịnh vượng, thành công", PGS. TS. Ngô Hồng Sơn bày tỏ.

Tại sự kiện, đại diện của Câu lạc bộ đã trao Bằng chứng nhận hội viên mới của VFOSSA cho Khoa Thông tin - Thư viện (Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội). 

Chủ tịch VFOSSA trao Bằng chứng nhận thành viên mới cho đại diện là PGS.TS. Đỗ Văn Hùng.

Tại chương trình, các diễn giả đã có nhiều bài phát biểu, chia sẻ về công nghệ mở, lựa chọn để đột phá trong thời đại AI. Các chuyên gia đã đưa ra những phân tích khá sâu sắc về phần mềm nguồn mở và cách ứng dụng vào thực tiễn. Đồng thời đưa ra những quan điểm và nhận định về tương lai của những nền tảng, ứng dụng liên quan mã nguồn mở.

Đóng góp ý kiến tại chương trình, bà Chu Thắm, Chuyên viên Viện Công nghệ số và Chuyển đổi số quốc gia đã có bài tham luận về báo cáo đề xuất giải pháp thúc đẩy phần mềm nguồn mở trong Chính phủ.

Bà Chu Thắm, Chuyên viên Viện Công nghệ số và Chuyển đổi số quốc gia trình bày tại sự kiện.

Theo bà Chu Thắm, hiện nay, việc hoàn thiện khung pháp lý, chính sách thúc đẩy phần mềm nguồn mở (PMNM) đang được chú trọng. Cụ thể như, cập nhật danh mục các phần mềm nguồn mở ưu tiên mua sắm, tiêu chuẩn mở. Cập nhật bộ định mức triển khai áp dụng PMNM Khuyển khích CQNN áp dụng các giải pháp nguồn mở và chia sẻ mã nguồn của các phần mềm xây dựng các hướng dẫn triển khai và duy trì PMNM.

Bên cạnh đó, việc phát triển kỹ năng và chuyên môn Nâng cao nhận thức về PMNM đầu tư vào các chương trình đào tạo từ cơ bản đến nâng cao để cải thiện hiệu quả triển khai quản lý, bảo trì PMNM. Khuyến khích các trường đại học tích hợp chuyên ngành/môn học về PMNM vào CTĐT. Đặc biệt, việc nâng cấp, duy trì kho phần mềm nguồn mở của Chính phủ cũng được chú trọng. 

Ngoài ra, còn có các hoạt động thúc đẩy các giải pháp mở như tiêu chuẩn mở, dữ liệu mở, phần cứng mở hỗ trợ tài chính; phát triển các doanh nghiệp, hiệp hội phần mềm nguồn mở; tổ chức các cuộc thi, tạo diễn đàn hoặc cộng đồng. 

Cũng tại chương trình, ông Khương Công Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SmartBooks đã trình bày Giải pháp hoạch định nguồn lực Chính phủ (GRP). 

Ông Khương Công Trung trình bày Giải pháp hoạch định nguồn lực Chính phủ (GRP). 

Theo ông Trung, Hệ thống GRP đã được chính phủ liên bang Mỹ áp dụng từ đầu những năm 2000 tại Bộ Quốc phòng (DoD), Bộ Tài chính và Bộ Y tế & Dịch vụ Nhân sinh nhằm hiện đại hóa hệ thống quản lý tài chính và nhân sự. Ví dụ: Bộ Quốc phòng triển khai General Fund Enterprise Business System (GFEBS) vào năm 2005 để quản lý tài chính quân sự. Bộ Tài chính triển khai G-Invoicing để chuẩn hóa quy trình mua sắm và thanh toán. Nhiều bang triển khai hệ thống GRP vào cuối những năm 2000, đầu những năm 2010 nhằm tích hợp và hiện đại hỏa các hệ thống tài chính phân mảnh. Ví dụ: California bắt đầu dự án FI$Cal vào năm 2005, nhưng hệ thống này chính thức được triển khai rộng rãi từ 2013; Florida triển khai hệ thống Florida PALM (Planning, Accounting, and Ledger Management) vào năm 2014, với mục tiêu thay thế hệ thống tài chính cũ từ năm 1980.

Tuy nhiên, việc triển khai GRP tại Mỹ cũng gặp một số thách thức. Cụ thể là sự phân mành hệ thống do sự phân quyền cao trong quản lý chính phủ tại Hoa Kỳ, các bang và cơ quan khác nhau thường sử dụng các hệ thống không đồng nhất, gây khó khăn trong việc tích hợp dữ liệu. Chi phí cao đã khiến cho việc triển khai và duy trì các hệ thống GRP lớn đòi hỏi nguồn tài chính đáng kể, đặc biệt với các cơ quan nhỏ hoặc chính quyền địa phương. Ví dụ như Dự án FISCal của California tiêu tốn hơn 1 tỷ USD, ERP của Bộ Quốc phòng (GFEBS) có chi phí ước tính hơn 2 tỷ USD. Khó khăn tiếp nữa làvấn đề bảo mật, với sự gia tăng các cuộc tấn công mạng, bảo vệ dữ liệu nhạy cảm là ưu tiên hàng đầu.

Tại Singapore, Hệ thống GRP là một phần trong chiến lược Smart Nation của quốc gia này, tập trung vào việc số hóa toàn bộ quy trình quản lý nhà nước nhằm cải thiện hiệu quả quản lý tài chính công, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu. 

Một số hệ thống nổi bật như Nền tảng GovTech tích hợp các hệ thống GRP với các dịch vụ công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data); Hệ thống Whole-of-Government Integrated Resource Management (WOG-IRM) là giải pháp tích hợp toàn diện, quản lý các lĩnh vực tài chính, nhân sự, và dịch vụ công ở cấp chính phủ.

Đặc điểm nổi bật trong triển khai GRP tại Singapore là toàn bộ các hệ thống được tích hợp trên một nền tảng duy nhất, giúp loại bỏ sự phân mảnh: Quản lý tài chính và ngân sách (Financial Management); Quản lý nhân sự và lương (Human Resource and Payroll); Quản lý mua sắm công (Procurement Management). Bên cạnh đó, Hệ thống GRP được ứng dụng công nghệ hiện đại như: Điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Phân tích dữ liệu lớn (Big Data).

Nhờ áp dụng GRP, Singapore có thể tăng cường hiệu quả quản lý tài chính, minh bạch hóa quy trình khi các quy trình tài chính và mua sắm công được thực hiện trực tuyến, dễ dàng theo dõi và kiểm tra. Chính phủ có thể sử dụng dữ liệu thời gian thực từ hệ thống GRP để đưa ra các quyết định chính sách hiệu quả hơn. Tự động hóa quy trình và tích hợp dữ liệu đã giúp chính phủ Singapore tiết kiệm nguồn lực đáng kể.

Qua đó, chúng ta có thể rút ra được những bài học từ Singapore như việc tích hợp GRP vào chiến lược quốc gia dài hạn, đảm bảo sự đồng bộ giữa các sáng kiến số hóa. Đầu tư vào công nghệ hiện đại (Điện toán đám mây, AI, và Big Data). GRP không chỉ phục vụ quản lý nội bộ mà còn cung cấp công cụ cho người dân và các bên liên quan theo dõi hoạt động chính phủ. Việc triển khai các chương trình đào tạo liên tục để đảm bảo sử dụng thành thạo hệ thống là hoạt động rất cần thiết.

Thực trạng Tại Việt Nam. Ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm tiên phong về chuyển đổi số. Bộ Tài chính đã đầu tư các hê thống Kho bạc, Thuế, Hải quan, Nợ công,... khá đầy đủ. Các ngành khác đang bắt nhịp chuyển đổi số. Các công nghệ mới Big Data, ML, Al, Blockchain, loT,... chưa phát huy hiệu quả so với tiềm năng. Các hệ thống rời rạc, thiếu kết nổi chia sẻ dữ liệu. Chính phủ và các Chính quyền địa phương chưa đủ dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu.

Ông Khương Công Trung cũng gợi mở giải pháp GRP cho Việt Nam. Cụ thể như cần xem GRP là bài toán lõi phục vụ chuyển đổi số Quốc gia. Về chính sách, có chính sách riêng cho việc thực hiện dự án GRP dạng thí điểm (sandbox). Về phương án thực hiện: Phương án 1 là Chính phủ thực hiện, phương án 2 là Chính phủ ủy quyền triển khai thí điểm tại một Tỉnh/Thành phố trước khi nhân rộng, phương án 3 là thực hiện song song cả 2 phương án trên. 

Cụ thể, Chính phủ hoặc Chính quyền địa phương đặt hàng doanh nghiệp thực hiện theo chính sách sandbox. Huy động rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cùng tham gia. Sử dụng công nghệ mở để làm chủ công nghệ (Make in Vietnam). Có quy hoạch số từ tổng thể đến chi tiết đủ cụ thể để thực hiện (xây dựng các dự án phần mềm). Thực hiện quyết liệt & nhanh chóng các sản phẩm sẵn có ứng dụng ngay, vừa thiết kế vừa thi công tạo ra sản phẩm dùng được ngay theo từng giai đoạn (hàng năm, trung hạn và dài hạn).

Tiếp theo chương trình, ông Bùi Quốc Huy, CEO của Công ty TNHH Edtech Cole chia sẻ về "Ứng dụng của AI trong thực tế doanh nghiệp”. Diễn giả Bùi Quốc Huy hiện đang là Founder và CEO của Công ty TNHH Edtech Cole - một trung tâm đào tạo công nghệ kết nối Chuyên gia - Học viên - Doanh nghiệp, góp phần thúc tiến mục tiêu Chuyển đổi số tại Việt Nam.

Ông Bùi Quốc Huy, CEO của Công ty TNHH Edtech Cole chia sẻ về "Ứng dụng của AI trong thực tế doanh nghiệp”.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này, diễn giả Bùi Quốc Huy đã chia sẻ những kiến thức chuyên sâu về kiến trúc để triển khai AI thành công trong doanh nghiệp, bao gồm các yếu tố như dữ liệu, cơ sở hạ tầng, thuật toán, nhân lực, quy trình và công cụ.

Đến với chương trình, ông Lê Thanh Hưng, DevRel Manager tại FOSSASIA đã chia sẻ về chủ đề “Autonomous AI Agents Workflow - Nhân sự cho kỷ nguyên số”. Đây là những chia sẻ về kinh nghiệm thực tế về xây dựng cộng đồng, phát triển sản phẩm và đào tạo lập trình được ông đúc nhiều năm và tham khảo nhiều nguồn có giá trị. 

Ông Hưng là một chuyên gia công nghệ với hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, hiện ông cũng đang giữ vai trò DevRel Manager tại FOSSASIA. Với nền tảng vững chắc về kỹ thuật và kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn, ông đã tích lũy được nhiều kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực như phát triển phần mềm, quản lý sản phẩm, đào tạo lập trình và xây dựng cộng đồng. Ông Hưng đã đóng góp tích cực vào việc phát triển cộng đồng công nghệ tại Việt Nam thông qua các hoạt động như tổ chức các chương trình đào tạo, mentoring, tham gia các dự án cộng đồng và diễn thuyết tại các hội nghị lớn. Ông có thể hỗ trợ các bạn trẻ trong nhiều lĩnh vực liên quan đến công nghệ, đặc biệt là về định hướng nghề nghiệp, quản lý sản phẩm, dữ liệu lớn và xây dựng cộng đồng.

Theo ông Hưng, ai cũng mong muốn có một trợ lý thông minh luôn sẵn sàng hỗ trợ và tự động hóa mọi công việc từ A đến Z, giúp mọi người giải phóng thời gian để tập trung vào những việc quan trọng hơn. Do đó, AI Agent là giải pháp hữu hiệu nhất.

Ông Hưng chia sẻ về cách xây dựng và triển khai một hệ thống AI Agent hiệu quả, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí và cải thiện chất lượng dịch vụ. Các tác nhân Al "tư chủ" là các hệ thống Al phức tạp có thể học, thích nghi và thực hiện các nhiêm vụ một cách độc lập. Ví dụ như sử dụng trình duyệt lời nhắc demo: "Đọc CV của tôi và tìm việc làm ML, lưu chúng vào một tệp, sau đó bắt đầu ứng tuyển trong các tab mới, nếu bạn cần trợ giúp, hãy hỏi tôi". 

Được biết, VFOSSA là Chi hội Hội Tin học Việt Nam. Do đó, khi đến dự chương trình sinh nhật lần thứ 13 của VFOSSA, Ths. Nguyễn Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã có bài phát biểu và chia sẻ với Câu lạc bộ.

Cụ thể, Ths. Nguyễn Long đã nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những hoạt động của VFOSSA. Đó là sự khẳng định về sự tồn tại và phát triển, đoàn kết của cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, trách nhiệm của VFOSSA rất lớn.

Ths. Nguyễn Long nhiệt liệt chúc mừng sinh nhật VFOSSA lần thứ 13.

Ths. Nguyễn Long cho rằng, nguồn lực chính là điểm mạnh nhất của Hội Tin học Việt Nam. Hội có xây dựng được hệ thống nguồn lực với rất nhiều người am hiểu về lĩnh vực công nghệ thông tin. Năm nay cũng có bạn học sinh, thậm chí vùng sâu vùng xa vẫn đạt giải cao về công nghệ thông tin. 

Bày tỏ về những đóng góp của các thành viên VFOSSA, Ths. Nguyễn Long cho rằng, những người làm công nghệ thực sự có nhiều đóng góp vào chương trình, nghị định và đổi mới sáng tạo bây giờ. "Chúng tôi cũng hy vọng Cậu lạc bộ Phần mềm Tự do nguồn mở Việt Nam ngày càng phát triển, tiến bộ hơn và đóng góp vào sự nghiệp sự đổi mới, đột phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Ths. Nguyễn Long nhấn mạnh. 

Cũng tại chương trình kỷ niệm, Câu lạc bộ VFOSSA đã tổ chức khen thưởng các cá nhân và tập thể đã có thành tích xuất sắc trong năm qua. 

VFOSSA khen thưởng các cá nhân và tập thể đã có thành tích xuất sắc.

Chương trình sinh nhật lần thứ 13 của Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) không chỉ là dịp để các thành viên gặp gỡ, giao lưu mà còn là buổi chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức kinh nghiệm quý báu về lĩnh vực phần mềm nguồn mở. Qua đó mở ra những hướng hợp tác mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam.