4 nhóm ngành nghề “hot” năm 2014

12:44, 28/02/2014

Trong thời điểm này, khi nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn suy sụp, lượng người thất nghiệp cao dẫn đến nhu cầu tìm việc làm lớn. Có được việc làm đã là tốt, nhưng còn tốt hơn nếu tìm và chọn được cho mình công việc của một ngành ổn định, có thu nhập “không tệ” là mong muốn của bao người. Qua năm 2014, những nhóm ngành nghề nào sẽ là ngành nghề "hot" tại Việt Nam? – Đây là câu hỏi và cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người…

Nhìn lại năm 2013

Năm 2013, tại Việt Nam, các nhóm ngành nghề “hot”, thu hút nhiều lao động gồm: Marketing - kinh doanh - bán hàng; Du lịch - nhà hàng - khách sạn - dịch vụ - phục vụ; CNTT - điện tử - viễn thông; Quản lý - hành chính - giáo dục - đào tạo; Dệt - may - da giày; Tài chính - kế toán - kiểm toán - đầu tư - bất động sản - chứng khoán; Tư vấn - bảo hiểm; Cơ khí - luyện kim - công nghệ ôtô; Hóa - y tế, chăm sóc sức khỏe; Xây dựng - kiến trúc - giao thông vận tải; Điện - điện công nghiệp - điện lạnh; Kho bãi - vật tư - xuất nhập khẩu. 12 nhóm ngành nghề này chiếm hơn 91% tổng nhu cầu rao tuyển 270.000 lao động. Số liệu trên đây là từ kết quả khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại khoảng 6.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM thực hiện.

Trong số đó, chỉ tiêu cung ứng lao động đạt trình độ Đại học trở lên chiếm 12,81%; Cao đẳng - trung cấp nghề chiếm 32,73%; Sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề (11,11%); Còn lại, rơi vào các đối tượng lao động chưa qua đào tạo (chiếm 43,35%).

Ở góc độ đào tạo ngành, nghề, ngày 25/1/2014, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công bố kết quả rà soát, thống kê các cơ sở đào tạo trình độ Đại học. Theo đó, Bộ đã quyết định dừng tuyển sinh đối với 207 ngành trình độ Đại học của 71 cơ sở từ năm 2014. Và những lĩnh vực đào tạo này, ít nhiều có liên quan đến nhu cầu tuyển dụng lao động trong giai đoạn hiện nay.

Soi qua năm 2014, có 4 nhóm ngành nghề ưu tiên chọn

Năm 2014 nên xin việc ở đâu? Câu hỏi này vừa được “hé lộ” sau chương trình giao lưu trực tuyến “Chat với Chuyên gia”, với chủ đề “Những ngành bứt phá trong năm 2014” mới đây, do Mạng Việc làm & Tuyển dụng CareerBuilder.vn tổ chức.

 

Nhu cầu việc làm năm 2014 theo dự đoán của các chuyên gia.

Qua chương trình giao lưu này, ta thấy thị trường lao động năm 2014 sẽ phát triển theo hướng nâng cao yêu cầu về kỹ năng, trình độ chuyên môn thay vì số lượng, bởi nhiều doanh nghiệp sẽ thực hiện việc tái cơ cấu bộ máy nhân sự, chú trọng vào chất lượng lao động. Dưới đây là 4 nhóm ngành nghề được cho là “hot” (đáng chú ý) nhất tại Việt Nam thời điểm này, gồm:

1- Nhóm ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm khoảng 40.000 lao động nhưng số lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ đáp ứng 60% nhu cầu. Còn theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực, vẫn còn khoảng 30-45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70-80% nhân viên lễ tân nhà hàng chưa đạt chuẩn ngoại ngữ.

 

Hướng dẫn viên du lịch là một nghề khá hấp dẫn cho những ai thích du ngoạn.

Dựa trên yêu cầu phát triển của nhóm ngành này trong năm 2014, nhu cầu tuyển dụng mới tăng khoảng 50% so với năm 2013. Tuy nhiên, để phát triển sự nghiệp trong ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn năm 2014 và những năm tới, những người dự định vào làm trong lĩnh vực này (hoặc đang làm việc) cần đặc biệt chú ý đến trình độ ngoại ngữ.

2- Nhóm ngành Công nghệ thông tin (CNTT)

Ngành CNTT đang tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng mạnh. Chỉ riêng ở TP.HCM, nhu cầu nhân sự CNTT đã là 8.000 người/năm, tập trung vào các vị trí như lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, quản lý hệ thống, kỹ thuật viên – chuyên viên thiết kế lập trình web, lập trình điện thoại di động, game, an ninh mạng, IT.

 

Trở thành chuyên viên phần mềm cho những công ty lớn là niềm mơ ước của nhiều sinh viên ngành CNTT.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, hiện đang xảy ra thực tế: Kiến thức của các sinh viên được đào tạo từ các trường chênh lệch quá xa so với nhu cầu sử dụng nhân lực thực tế. Chỉ khoảng 15% số lượng sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, hơn 80% lập trình viên phải đào tạo lại từ 3 – 5 tháng, có những doanh nghiệp phải mất tới 2 năm để đào tạo lại cho các nhân viên. Do đó, các công ty phần mềm trong nước vẫn phải chật vật để tìm kiếm nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, như: Lập trình di động, quản trị mạng, chuyên gia bảo mật và an ninh mạng…

3- Nhóm ngành Cơ khí – Điện – Điện tử

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện thời, mảng ngành về cơ khí – kỹ thuật, như: Điện tử viễn thông, cơ điện tử, luyện kim, ôtô, chế tạo máy... đang thiếu nhân lực trầm trọng. Nguồn cung nhân lực (các đơn vị/trung tâm tuyển dụng lao động) cho nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thuộc mảng này mới đáp ứng được khoảng 54,87% và đây là nhóm ngành có tỷ lệ nguồn cung lao động thấp nhất, chiếm khoảng 1,5% tổng thị trường lao động.

 

Cơ khí cũng là một trong những ngành nghề hấp dẫn trong xã hội hiện nay.

Các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An... luôn trong tình trạng thiếu hụt, cá biệt có nơi thiếu trầm trọng đội ngũ kỹ sư ngành động lực, chế tạo máy, tiện, phay... mặc dù các đơn vị liên tục đăng tin tuyển dụng. 

4- Nhóm ngành Kinh tế – Quản trị – Marketing – Xuất nhập khẩu – Logistics

Theo các chuyên gia, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu tuyển dụng, trong đó nhu cầu lao động thời vụ chiếm khoảng 25%.

Nếu tính riêng tại TP.HCM, trong giai đoạn 2014 - 2020, nhu cầu nhân lực các nhóm ngành Kinh tế – Quản trị – Marketing – Xuất nhập khẩu – Logistics sẽ chiếm tỷ trọng 10% tổng nhu cầu nhân lực, ước khoảng 25.000 việc làm/năm.

 

Logistics, một mảng ngành mới, có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Riêng ngành Logistics là lĩnh vực đang phát triển, cần khá nhiều nhân lực trong những năm tới. Người học ngành này có thể làm việc tại các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, với nhiệm vụ quản trị chiến lược kinh doanh, hoạch định chính sách vận tải, thiết kế chuỗi vận tải, kho vận hiệu quả, thực hiện nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, phân tích và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh…

…và nên nhìn rộng ra

Theo nhìn nhận của cá nhân (người viết), các nguồn thông tin về việc làm tại Việt Nam hầu hết chúng đều được khai thác từ các đơn vị cung ứng lao động và tập trung chủ yếu vào các khu công nghiệp, khu chế xuất – tức những doanh nghiệp sản xuất cần nhiều lao động. Nhưng ở góc độ khác, về các doanh nghiệp tư nhân (đủ các ngành, nghề, lĩnh vực dịch vụ), rồi bệnh viện, trường học, hay tổ chức xã hội, hoặc những công việc tự do không bó buộc thời gian, chúng chưa được tổng kết và đúc rút, trong khi lượng người lao động ở khối các đơn vị này không hề nhỏ.

Như đánh giá của Tạp chí Doanh nghiệp Inc., trong năm 2014, trên phạm vi toàn cầu có 8 ngành đang có tiềm năng phát triển. Nếu “soi” cả 8 ngành này vào môi trường Việt Nam, chúng vẫn đúng ở ở một vài ngành/lĩnh vực. Dưới nhiều góc độ, chúng đáng để người lao động, kể cả người kinh doanh tại Việt Nam suy xét.

1- Hướng đến các dịch vụ, công nghệ mới

Khái niệm “wearable computing” (thiết bị đeo được) đang ngày càng phố biến với các thiết bị thông minh ngày càng nhỏ gọn mà bạn có thể đeo như một món trang sức. Điện thoại di động, kính đeo mắt hay đồng hồ thông minh là những ví dụ tiêu biểu. Mang theo chúng bên mình, người dùng có thể làm việc (tạm thay cho thiết bị văn phòng), giải trí hoặc phục vụ những sở thích cá nhân khác.

Chẳng hạn, công việc viết các chương trình ứng dụng, hay lập trình game cho di động đang được cho là một nghề hay. Sự thành công của chú chim Flappy Bird mới đây là minh chứng điển hình. Thế nên tới đây, việc viết game cho di động có thể sẽ là một mảng tiềm năng cho những người yêu thích CNTT, đặc biệt là lớp trẻ (học sinh, sinh viên) ở Việt Nam. Họ sẽ lao động tự do, thay vì phải đi xin việc (đi làm) ở đâu đó.

2- Giáo dục trực tuyến

Ở khắp nơi trên thế giới, giá học phí học đại học ngày càng cao và Việt Nam cũng thế. Vì thế, tấm bằng đại học của những trường “danh giá” ngày càng trở thành những “cánh cửa hẹp” với nhiều tầng lớp xã hội.

Tuy nhiên, cũng theo đó, nhu cầu về một thị trường giáo dục, đào tạo giá rẻ trực tuyến cũng ngày một tăng trưởng, hỗ trợ cho những người có nhu cầu học tập trau dồi kiến thức nhưng không có điều kiện/khả năng về kinh tế, thời gian.

Mô hình đào tạo miễn phí hoặc chi phí thấp trên mạng ngày càng thu hút lượng người học. Ở đây, chất lượng dạy và học mới là điều mà những người học qua mạng quan tâm, thay vì những bằng cấp danh tiếng. Điều mà họ cần là kiến thức để phục vụ trực tiếp công việc của chính mình (học để làm việc tốt hơn).

Chính điều này sẽ mở ra cơ hội cho những người nhanh nhạy, biết nắm bắt thời cơ, có mối quan hệ/giao thiệp tốt với tầng lớp giáo viên, đặc biệt là các giáo sư, tiến sỹ,… là những chuyen gia về một, vài ngành/lĩnh vực nào đó; hoặc có sẵn kiến thức về một lĩnh vực nào đó, muốn truyền thụ lại cho người khác để chính mình, người bắc cầu (đưa bài học/kiến thức lên mạng) và cộng đồng người học cùng có lợi.

3- Nhu cầu về y tế và chăm sóc sức khỏe

Nhu cầu về chăm sóc sức khỏe luôn có và không ngừng tăng trong nhiều thập kỷ gần đây. Ở Việt Nam, dịch vụ y tế luôn “đầy ắp” nhu cầu, tùy theo lớp người cần, từ dịch vụ cao cấp (tốn nhiều tiền để được chăm sóc từ A tới Z), cho đến dịch vụ phổ dụng.

Với tiêu chí tự chăm sóc, nhu cầu về những sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng ngày càng lớn. Từ những ứng dụng giản tiện bằng điện thoại di động như kiểm tra nhịp tim, đo đường huyết,… cho đến các thiết bị chuyên năng/đa năng nhỏ gọn có thể mang theo trong hành lý (cũng là thiết bị di động), đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng và nhu cầu không ngừng tăng lên.

Vì thế, bạn hoàn toàn có thể tìm được một công việc khi tham gia vào việc tư vấn/chăm sóc/điều trị bệnh cho cộng đồng với nhiều mức kiến thức mà bạn có, thậm chí chỉ cần sự kiên nhẫn và tấm lòng (như chăm người ốm chẳng hạn) tại rất nhiều bệnh viện, phòng khám…, chưa kể đến việc có thể trở thành cung ứng viên (giao/nhận) về thuốc, các thiết bị y tế cho hệ thống y dược và cộng đồng.

4- Bán lẻ trực tuyến

Tận dụng mạng xã hội và các trang bán lẻ trực tuyến để bán hàng không còn xa lạ với nhiều người Việt hiện thời. Tại các thành phố lớn, từ việc ăn nhẹ cho tới nhu cầu dùng một cốc café, mua mớ rau hay ít thịt, hoặc đặt vài món ăn trưa/tối qua mạng cho gia đình, bạn bè đã trở nên khá phổ biến.

Các công cụ trực tuyến sẽ giúp bạn dễ dàng tự “thiết kế” ra những thứ độc đáo theo ý thích của mình. Không riêng dịch vụ ăn uống (ở trên), mảng quà tặng và thời trang là hai lĩnh vực đầy tiềm năng của ngành bán lẻ trực tuyến. Bạn có thể bắt tay làm ngay hôm nay và làm theo cách của bạn, nếu bạn muốn.

Thanh Trà (tổng hợp)