Việt Nam cần có thêm ít nhất 2 - 3 tuyến cáp quang biển
Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, trong 5 năm tới, có lẽ Việt Nam cần thêm ít nhất 2 - 3 tuyến cáp quang biển nữa để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
- 4 tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố đầu năm mới
- Tuyến cáp quang biển APG lại gặp sự cố
- 2 tuyến cáp quang biển khác chưa sửa xong, tuyến APG tiếp tục gặp sự cố
- Cáp quang biển AAE-1 gặp sự cố, Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng
- Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được sửa chữa từ ngày 27-31/10
Hiện tại, 4 tuyến cáp quang biển mà các nhà mạng Việt Nam khai thác gồm AAG, APG, AAE-1, IA (còn gọi Liên Á) đang cùng gặp sự cố, gây ảnh hưởng đến lưu lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. VietNamNet vừa có cuộc trao đổi với ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) về tình huống khá hy hữu này và mức độ ảnh hưởng với người dùng trong nước.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam.
Ở góc độ của Hiệp hội Internet Việt Nam, ông bình luận gì về tình huống 4/5 tuyến cáp biển đều gặp sự cố?
Tình huống có tới 4 tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố có lẽ là các nhà mạng ít khi tính tới. Như vậy, phần lớn dung lượng cáp biển đã không còn sử dụng được. Chúng tôi cho rằng đây là một bài học tốt cho các nhà mạng Việt Nam, tức là mọi kịch bản xấu nhất đều cần được tính tới và có các phương án chuẩn bị ứng phó.
Xin ông cho biết việc có thêm tuyến cáp IA gặp sự cố vào ngày 28/1 ảnh hưởng thế nào đến người dùng?
Theo thông tin mà chúng tôi có, thì không phải tất cả các nhà mạng đều dùng tuyến IA, mà chỉ có 2-3 nhà mạng sử dụng chính tuyến này. Do vậy, ảnh hưởng là có, nhưng sẽ tập trung vào các nhà mạng đang khai thác. Tất nhiên cũng có thể có tình trạng lan truyền, do tuyến IA đi Singapore bị ngắt thì lưu lượng sẽ được chuyển sang các tuyến khác, làm nghẽn hoặc chậm truy cập Internet quốc tế.
Phần lớn dung lượng Internet quốc tế là phục vụ nhóm khách hàng Internet di động và cá nhân, hộ gia đình. Do đó, cảm nhận tốc độ chậm sẽ được nhận thấy rõ ở các thuê bao băng rộng di động và hộ gia đình. Tất nhiên các doanh nghiệp, với nhu cầu truy cập Internet của tuần đầu tiên trở lại công việc sau nghỉ tết Nguyên đán, sẽ có trải nghiệm không như thông thường.
Để giảm thiểu ảnh hưởng, các nhà mạng đã triển khai các phương án ứng cứu ra sao?
Với tình hình này, các nhà mạng cơ bản chỉ có phương án bù đắp qua các kênh đất liền. Tuy nhiên việc mở ứng cứu sẽ không nhanh được, do Trung Quốc cũng nghỉ tết Nguyên đán, hầu hết các mạng lưới đều đóng băng trong thời gian nghỉ Tết nên cũng ảnh hưởng tiến độ ứng cứu của các nhà mạng Việt Nam.
Theo đại diện VIA, tình trạng chập chờn và giảm chất lượng truy cập Internet quốc tế cục bộ sẽ còn kéo dài trong vài tuần tới. (Ảnh minh họa: Trọng Đạt).
Thêm nữa, kịch bản gần như tất cả các kênh cáp biển đều sự cố là một việc rất hy hữu, chúng tôi đồ rằng các nhà mạng cũng có tính đến nhưng ít chuẩn bị cho tình huống này. Các tuyến cáp đất liền rất có thể không thể nâng cấp nhanh chóng được do hạn chế về thiết bị.
Chúng tôi nhận định, tình trạng chập chờn và giảm chất lượng truy cập Internet quốc tế cục bộ sẽ còn kéo dài trong vài tuần tới.
Ông từng chia sẻ Việt Nam đang có số lượng kết nối quốc tế ít hơn một số nước trong khu vực. Vậy chúng ta cần thêm bao nhiêu tuyến cáp biển, thưa ông?
Theo kế hoạch mà các nhà mạng Viettel và VNPT công bố, năm 2023 các nhà mạng này sẽ khai thác thêm tuyến cáp cập bờ Quy Nhơn. Nếu các tuyến này hoạt động cố định thì cũng sẽ giải quyết căn bản khả năng dự phòng cho các nhà mạng.
Theo nhận định chủ quan của chúng tôi, trong 5 năm tới, có lẽ Việt Nam cần thêm ít nhất 2 - 3 tuyến cáp quang biển nữa để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Còn nếu kỳ vọng biến Việt Nam thành một trạm trung chuyển của khu vực, thì còn cần nhiều hơn thế.
Với tình trạng sự cố các tuyến cáp quang biển ngày càng nhiều và càng dày, nhu cầu bổ sung các tuyến cáp mới càng trở nên cấp bách.
Trong tình huống nhiều tuyến cáp biển cùng gặp sự cố, VIA có khuyến nghị gì với người dùng?
Trường hợp sự cố như thế này, theo chúng tôi, là hãn hữu. Vì vậy, chúng tôi cho rằng người dùng Internet Việt Nam cũng có thể thông cảm với các nhà mạng, về việc trong một vài tuần tới, chất lượng Internet sẽ không được như thông thường.
Ngoài ra, ở khía cạnh Internet Việt Nam nói chung, bên cạnh việc cần có thêm các tuyến cáp biển, cũng cần đa dạng các kênh cáp đất liền, đặc biệt qua phía Tây, Tây Nam. Điều này không chỉ là để đáp ứng nhu cầu của người dùng Internet, mà còn đáp ứng mức độ an toàn về đảm bảo thông tin liên lạc của Việt Nam với thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Tại Chỉ thị 01 về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025, ở lĩnh vực Viễn thông, Bộ TT&TT đã nêu rõ sẽ mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực. Trong năm 2023, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là triển khai chương trình thúc đẩy phát triển IDC, điện toán đám mây ở Việt Nam, tuyến cáp quang biển do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, đồng thời thực hiện các biện pháp để đảm bảo chất lượng các tuyến cáp quang biển hiện có. Theo lịch công tác của Bộ TT&TT, dự kiến ngay trong tuần này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long sẽ nghe Cục Viễn thông báo cáo về việc triển khai tuyến cáp quang biển do Việt Nam xây dựng. |
Theo ictnews/vietnamnet