Việt Nam có thêm các cơ sở giáo dục đại học hợp tác nghiên cứu về AI và bán dẫn
Đại học RMIT và Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác lâu dài với việc phát động chương trình hợp tác nghiên cứu mới, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ bán dẫn...
Toạ đàm trao đổi hợp tác giữa ĐHQGHN và RMIT trong lĩnh vực AI và công nghệ bán dẫn quy tụ chuyên gia từ Việt Nam và Australia.
Ngày 26/8, hơn 20 nhà nghiên cứu và đại diện ban lãnh đạo của hai trường đã quy tụ tại Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN-RMIT (VNU-RMIT Innovation Hub) ở Hà Nội để chính thức khởi động chương trình nghiên cứu chung này. Sự kiện bao gồm các bài tham luận khoa học về AI và lĩnh vực bán dẫn, cũng như thảo luận nhóm về tương lai các dự án thí điểm giữa hai bên.
Giáo sư Iwona Miliszewska, Trưởng khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ tại Đại học RMIT Việt Nam cho biết: “Sự hợp tác này đánh dấu một chương mới đầy hứng khởi trong quan hệ đối tác giữa RMIT và ĐHQGHN. Bằng cách kết hợp thế mạnh nghiên cứu của hai bên trong lĩnh vực AI, bán dẫn và các ngành công nghệ cao khác, chúng tôi có cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo mang tính đột phá, thu hút sự quan tâm từ các tổ chức, doanh nghiệp và mang lại lợi ích cho cộng đồng".
Chính phủ Việt Nam đang khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với mục tiêu biến ngành này thành ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30-50 năm tới.
Song song với đó, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, được ban hành năm 2021, đã vạch ra khát vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về AI ở Đông Nam Á và toàn cầu vào năm 2030.
Giáo sư Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN cho biết: “AI và bán dẫn là hai lĩnh vực ưu tiên chiến lược giúp Việt Nam nhảy vọt sang nền kinh tế số. Mối quan hệ hợp tác của chúng tôi với RMIT là ví dụ điển hình minh họa cho cách các trường đại học hàng đầu có thể chung tay giải quyết những thách thức mà xã hội đang đối mặt".
Sự kiện ngày 26/8 được chia theo hai mảng nghiên cứu chính – một là AI và các ứng dụng của AI, hai là ngành công nghiệp bán dẫn. Các nhà khoa học từ cả hai đơn vị trình bày công trình mới nhất của họ và thảo luận về những hướng đi tiềm năng cho các dự án chung.
Trong mảng AI, các chủ đề tham luận bao gồm từ học sâu (deep learning), khai thác dữ liệu (data mining), đến các ứng dụng AI trong ngành y tế, dự báo thời tiết, và các xu hướng nghiên cứu tiềm năng trong AI, v.v. Trong khi đó, các bài tham luận trong mảng bán dẫn xoay quanh khoa học vật liệu, thiết kế vi mạch, tích hợp Internet vạn vật trong công nghệ bán dẫn, v.v.
Ngoài nội dung nghiên cứu, sự kiện còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối với sinh viên và phát triển nhân tài. Đại diện RMIT và ĐHQGHN trình bày kế hoạch tổng thể về việc tổ chức các cuộc thi chung dành cho sinh viên (bao gồm hackathon xuyên quốc gia dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2024), cũng như thảo luận về các cơ hội học tập trải nghiệm để ươm mầm thế hệ nhà sáng tạo công nghệ tiếp theo.
Quan hệ đối tác RMIT-VNU bắt đầu từ năm 1995, với việc ký thỏa thuận hợp tác song phương đầu tiên giữa hai bên. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác đã mở rộng sang các lĩnh vực như đảm bảo chất lượng giảng dạy, đào tạo lãnh đạo và khởi nghiệp kinh doanh. Việc thành lập Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN-RMIT vào tháng 11/2023 đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc nâng tầm quan hệ đối tác lên tầm cao mới.
Giáo sư Miliszewska cho biết: "Chúng tôi mong muốn tập hợp những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam và Australia để cùng nhau bứt phá khỏi các ranh giới về khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Tôi tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác mới trong nghiên cứu AI và công nghệ bán dẫn sẽ đạt hiệu quả cao và tạo tác động mạnh mẽ".