Việt Nam khởi động nghiên cứu 6G ngay từ năm nay
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh phải khởi động nghiên cứu 6G trong năm 2022 và đưa Việt Nam nằm trong top đầu thế giới về công nghệ 6G.
Tại hội nghị tổng kết năm 2021 của Khối Viễn thông cuối tuần qua, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra mục tiêu cho ngành Viễn thông Việt Nam "trong nhóm đầu về phát triển mạng 5G, 6G của thế giới". Để làm được điều này, năm nay, Việt Nam sẽ khởi động nghiên cứu 6G, bên cạnh việc phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc. "Viễn thông thay vì đi theo thì từ nay phải đi đầu", ông Hùng nói.
Cục Viễn thông cho biết Ban chỉ đạo 6G cũng đã được thành lập. Việt Nam là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới có Ban chỉ đạo này.
Việt Nam khởi động nghiên cứu 6G ngay từ năm nay.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng TT&TT cũng đưa ra mục tiêu tần số 6G có thể được cấp phép vào năm 2028, trước khi tiến tới thương mại hóa. Bên cạnh đó, ông cũng ra các đề xuất về mặt công nghệ.
"Mạng viễn thông phải nhanh chóng chuyển sang Cloud-based và Software-based, để mạng viễn thông trở lên thông minh và linh hoạt, có thể cấu hình thành nhiều mạng con chuyên dùng bằng phần mềm. Công nghệ sử dụng là công nghệ mở, sử dụng Open RAN cho 5G, 6G", Bộ trưởng nói.
Ông cũng đặt mục tiêu các công ty Việt Nam sẽ nghiên cứu sản xuất thành công thiết bị 5G, 6G, thiết bị truyền dẫn, thiết bị đầu cuối.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng ngành viễn thông cần mở rộng không gian phát triển sang điện toán đám mây và nền tảng số. Hai không gian này đều đang có tốc độ tăng trưởng hàng năm 15-20%, trong khi viễn thông chỉ tăng 1-2%. "Đến 2025, quy mô của mỗi thị trường này sẽ tương đương viễn thông", ông nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu ngành viễn thông giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài, ngay trong năm 2022 này. Đó là các loại “rác” viễn thông: Sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác để viễn thông trở thành hạ tầng cho thanh toán điện tử, cho kinh tế số.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông cuối năm ngoái, đại diện Cục Viễn thông cho biết Việt Nam sẽ triển khai thương mại 5G trong năm 2022 và đến năm 2025 sẽ phủ sóng 5G đến 25% dân số. Theo số liệu của Cục, mạng 4G đã phủ sóng đến 99,8% cả nước. Trong khi đó, mạng 5G được các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone đang thử nghiệm thương mại tại 16 tỉnh, thành phố.
Công nghệ 6G là bước tiến tiếp theo của 5G hiện nay. Tại một số quốc gia như Mỹ và Trung Quốc, 6G đang được đầu tư nghiên cứu. Theo lý thuyết, 6G ước đạt tốc độ 1 terabit/giây. Có nghĩa, trung bình mỗi giây, người dùng có thể tải 142 giờ nội dung video ở độ phân giải cao nhất. So với 5G, tốc độ lý thuyết của mạng 6G nhanh gấp 100 lần.
Công nghệ 6G được kỳ vọng là nền tảng cho một kỷ nguyên thông minh, nơi AI và robot trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống. Dù vậy, đến nay, thế giới vẫn chưa thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật và tần số hỗ trợ 6G. Theo dự đoán của Huawei, mạng 6G có thể được triển khai từ năm 2030. Trong khi đó, hãng viễn thông Ericsson cho rằng các tiêu chuẩn đầu tiên về mạng di động thế hệ thứ sáu sẽ có vào 2027.
Phương Mai (T/h)