Việt Nam tham gia diễn tập quốc tế ứng cứu sự cố rò rỉ dữ liệu do nhiễm mã độc
Sáng ngày 11/3, Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT phối hợp với Hiệp hội các tổ chức CERT quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APCERT) tổ chức chương trình diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc tế APCERT 2020.
Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin cho biết, năm nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên để đảm bảo an toàn cho mọi người, diễn tập APCERT 2020 không tổ chức tập trung như mọi năm mà được thử nghiệm triển khai trực tuyến thông qua các kênh trao đổi qua mạng với sự hỗ trợ của cán bộ Cục An toàn thông tin. Các thông tin về cuộc diễn tập sẽ được Cục An toàn thông tin cập nhật cho thành viên thuộc mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn mạng quốc gia.
Diễn tập APCERT là sân chơi thực tế và là dịp tốt để các cán bộ kỹ thuật, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm ứng phó sự cố với các tổ chức CERT quốc tế nhằm lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực ứng phó sự cố cho bản thân cũng như cho đơn vị, quốc gia.
Diễn ra trong thời gian từ 10h30 đến 13h30 ngày 11/3, chương trình diễn tập an toàn thông tin mạng quốc tế APCERT 2020 chủ đề “Ngăn chặn tấn công của mã độc” có sự góp mặt của các CERT đến từ hơn 20 quốc gia, nền kinh tế thuộc tổ chức APCERT trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, bên cạnh hơn 20 cán bộ kỹ thuật của Cục An toàn thông tin tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP.HCM, còn có nhiều cán bộ của các đơn vị thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia tham gia diễn tập APCERT 2020 qua kênh trao đổi online.
Chia sẻ thêm về chủ đề “Ngăn chặn tấn công của mã độc” của chương trình diễn tập APCERT năm nay, đại diện VNCERT/CC cho biết, cùng với sự bùng nổ của công nghệ 4.0, lổ hổng mất an toàn gia tăng với tốc độ khoảng 300% mỗi năm. Mỗi giây trên không gian mạng có khoảng 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo ra.
Các cuộc tấn công có chủ đích (APT) nhằm vào các hệ thống tài chính, ngân hàng, các hệ thống thông tin quan trọng, các hệ thống IoT (camera) ngày càng phổ biến, trong đó ngân hàng là một trong những đích ngắm thường xuyên của tội phạm mạng. Năm 2020, thế giới tiếp tục đối mặt với các nguy cơ của các cuộc tấn công APT nhắm đến hệ thống công nghiệp sản xuất, ngân hàng, tài chính nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản trí tuệ, dữ liệu cá nhân, trong đó mã độc vẫn là công cụ được sử dụng phổ biến.
Vì vậy, diễn tập APCERT 2020 đưa ra tình huống xảy ra sự cố liên quan đến mã độc, chương trình độc hại được đính kèm trong các các email giả mạo để thực hiện các cuộc tấn công leo thang đặc quyền nhằm vào các hệ thống mục tiêu. Tình huống này cho phép các đội CERT rèn luyện kỹ năng như thu thập thông tin; điều tra dấu vết, bằng chứng số; tìm kiếm giải pháp xử lý; tư vấn cho các cơ quan, đơn vị bị tấn công thực hiện các biện pháp khắc phục nhằm giảm thiểu và phòng ngừa sự cố; tổng hợp, báo cáo về sự cố, kết quả điều tra.
Ngoài ra, diễn tập APCERT 2020 cũng nhằm kiểm tra sự kết nối, phối hợp của các tổ chức CERT các quốc gia; kiểm tra năng lực, quy trình ứng phó sự cố và các phương án dự phòng trong ứng cứu sự cố xuyên quốc gia theo thỏa thuận giữa các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các cán bộ kỹ thuật của Cục An toàn thông tin tham gia diễn tập an toàn thông tin mạng quốc tế APCERT 2020 tại điểm cầu Hà Nội.
Thông tin với ICTnews vào cuối buổi diễn tập, VNCERT/CC cho biết, gồm 8 pha tình huống, sự cố, được dẫn dắt bởi AusCERT - Tổ chức CERT của Autralia, kịch bản tình huống đưa ra là “Giám đốc CNTT SOC có tên là Oliver Reece của 1 doanh nghiệp thông báo về việc họ nghi ngờ có sự cố lộ dữ liệu nhạy cảm ở bộ phận quản trị nhân lực.
Dường như đó là chiến dịch mail rác độc hại có đính kèm mã độc trong các tệp tin gửi kèm. Doanh nghiệp kêu gọi sự hỗ trợ của các CERT để điều tra nguyên nhân của việc rò rỉ dữ liệu và báo cáo các vi phạm này”.
“Kịch bản tình huống sự cố trong chương trình diễn tập APCERT 2020 đã được đảm bảo bí mật cho đến thời điểm diễn tập nhằm bảo đảm tính khách quan và đánh giá khả năng thực chiến của các đội CERT tham gia diễn tập. Trong quá trình diễn tập, các đội CERT có thể trao đổi trực tiếp về các tình huống, xác nhận tình huống, phương án xử lý với ban tổ chức thông qua kênh trao đổi riêng”, đại diện VNCERT/CC chia sẻ thêm.
Thanh Tùng/TH