Việt Nam và Campuchia hợp tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

10:23, 22/08/2024

Ngày 22/8, tại An Giang, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Cơ quan Di cư của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Chia sẻ thông tin và xây dựng kế hoạch hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam và Campuchia”.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: IOM

Hơn 50 chuyên gia và cán bộ cấp cao từ Bộ Y tế Việt Nam, Bộ Y tế Campuchia, cùng 8 tỉnh biên giới của 2 nước đã tham gia trao đổi về xu hướng dịch tễ học của các bệnh truyền nhiễm mới, đồng thời tăng cường hợp tác xuyên biên giới nhằm đảm bảo an ninh y tế công cộng ở cấp quốc gia và khu vực.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới; rà soát kết quả thực hiện Hiệp định Kiểm dịch y tế biên giới giữa Việt Nam và Campuchia được ký kết vào năm 2006; đề xuất các hoạt động hợp tác về y tế trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng, hoạt động về kiểm dịch y tế tại cửa khẩu biên giới thời gian tới.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Ngành y tế Việt Nam luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phối hợp liên ngành (đặc biệt giữa 2 ngành y tế và thú y), cũng như chia sẻ thông tin và hợp tác trong chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng với dịch bệnh truyền nhiễm và các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng tại các cửa khẩu biên giới giữa 2 nước phù hợp với các điều ước quốc tế, Hiệp định Kiểm dịch y tế biên giới và các quy định pháp luật riêng của mỗi nước.

Việt Nam cũng xác định rõ sự cần thiết tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành tại cửa khẩu và hợp tác quốc tế chia sẻ thông tin dịch bệnh; phòng, chống và điều tra, giám sát, đánh giá nguy cơ giữa các tỉnh chung biên giới Việt Nam và Campuchia, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho cư dân biên giới và an ninh y tế khu vực biên giới giữa hai quốc gia.

TS. Aiko Kaji, Giám đốc Chương trình Y tế cho người di cư của IOM chia sẻ, lần đầu tiên, các chuyên gia y tế về sức khỏe từ Việt Nam và Campuchia đã cùng tham gia hội thảo song phương để thảo luận về công tác chuẩn bị và ứng phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

TS. Aiko Kaji khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam và Campuchia nên áp dụng mô hình "Một sức khỏe" để triển khai các biện pháp can thiệp y tế công cộng đa ngành và phù hợp với đặc thù của việc di cư. Việc tăng cường năng lực tiếp cận mô hình "Một sức khỏe" tại các khu vực biên giới rất quan trọng, vì đây là những khu vực dễ lây lan nhanh các bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả những bệnh có thể lây từ động vật sang người.

"Một sức khỏe" là cách tiếp cận hợp tác, đa ngành và liên ngành nhằm tối ưu hóa sức khỏe của con người, động vật và môi trường; góp phần phát triển hiệu quả các giải pháp để giải quyết các vấn đề sức khỏe giữa con người, động vật và môi trường, bao gồm cả các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.