Viettel sẽ làm gì khi phần lớn Myanmar lọt vào tay nhà mạng khác?

14:10, 15/04/2016

Tuột khỏi tấm vé đầu tư vào viễn thông Myanmar, Viettel vẫn quyết bám trụ thị trường. Dự đoán, Viettel sẽ thử nghiệm một chiến lược đầu tư mới tại đây.

Viettel1

Sau khi thua cuộc trong cuộc đua gay cấn đấu thầu quốc tế vào viễn thông Myanmar cùng 11 nhà thầu khác trên thế giới, Viettel vẫn quyết bám trụ bằng cách góp vốn 800 triệu USD tức 49% trong tổng số 1,8 tỷ USD để liên doanh với hãng viễn thông quốc doanh Yatanarpon Teleport (YTP) - nhà mạng thứ 4 được cấp phép ở Myanmar.

So với ba đối thủ nặng ký là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Myanmar (MPT), Telenor và Ooredoo, liên doanh YTP của Viettel có phần yếu thế hơn. 

Mới đây, theo số liệu của Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar (MCIT), trong tổng số gần 36 triệu thuê bao năm 2016 của cả nước, tăng từ 9,5% lên 77,7% hai năm kể từ khi các công ty viễn thông quốc tế xâm nhập vào xứ sở chùa vàng, MPT đã sở hữu 18 triệu thuê bao sau khi hợp tác với KDDI và Sumitomo Corp (Nhật Bản); Telenor 12 triệu; Ooredoo là 5,8 triệu thuê bao và phần ít ỏi còn lại thuộc về YTP. Qua đó có thể thấy rằng để giành giật thị phần từ ba đối thủ lớn MPT, Telenor và Ooredoo là cả một thách thức khá lớn đối với Viettel.

Với đặc thù đất đai ở Myanmar đều thuộc quyền sở hữu khá phức tạp của nhà nước cùng thủ tục hành chính đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành, câu hỏi đặt ra là liệu Viettel có thể áp dụng chiến lược “giá rẻ thu hút khách hàng” bằng cách đầu tư triển khai hạ tầng (trạm BTS và cáp quang) vào Myanmar như ở 10 thị trường quốc tế khác mà Viettel đang kinh doanh thành công?

Tuy nhiên, nhìn lại, chúng ta có thể thấy, khó khăn mà Ooredoo và Telenor đang gặp phải cũng giống hệt với của Viettel. Trong khi đó, nếu việc triển khai hạ tầng được thuận lợi hơn thì Viettel cũng rất khó có thể áp dụng chiến lược sở trường của mình vì thực tế Viettel chiếm chỉ 49% vốn chủ sở hữu tại YTP; điều đó có nghĩa Viettel rất khó chủ động về mặt sản xuất, kinh doanh do không nắm quyền chi phối.

Vậy, để bám trụ và chiếm lĩnh thị trường thì Viettel cần phải làm gì khi phần lớn thị phần Myanmar đều thuộc vào tay các nhà khai thác viễn thông khác?

Câu trả lời cho câu hỏi trên hiện vẫn chưa có lời giải đáp. Nhưng theo dự đoán, rất có thể Viettel sẽ áp dụng một chiến lược đầu tư mới tại Myanmar và xem thị trường này như nơi để thử nghiệm các chiến lược kinh doanh của nhà mạng này.