Vĩnh Phúc đứng thứ 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021

12:43, 27/04/2022

Sáng 27/4/2022, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 dựa trên khảo sát từ 11.312 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có hơn 10.120 doanh nghiệp tư nhân và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tham dự tại buổi lễ, có đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Toàn cảnh tại buổi lễ trao giải.

Dẫn đầu Bẳng xếp hạng PCI 2021 là Quảng Ninh với 73,02 điểm, giảm gần 3 điểm so với năm 2020. Đây là lần thứ 5 liên tiếp, tỉnh này dẫn đầu toàn quốc về điểm số PCI. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất được xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế "rất tốt". 

Các địa phương trong top đầu PCI 2021 gồm: Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội. Trong đó, nhiều địa phương với nhiều nỗ lực đã lần đầu tiên lọt Top 10 PCI. Theo VCCI, kết quả này có được là nhờ những nỗ lực đặc biệt của địa phương, khi chính quyền tỉnh này đã luôn duy trì tinh thần chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành.

Top 10 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh VCI 2021.

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, thứ hạng PCI của Vĩnh Phúc liên tục có sự sụt giảm, từ vị trí thứ 9/63 (năm 2016) xuống vị trí 29/63. Sau 5 năm Vĩnh Phúc đã đánh dấu sự trở lại top 10 ấn tượng của Vĩnh Phúc với vị trí thứ 5 nhờ những nỗ lực trong thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp.

Trong đó, Vĩnh Phúc đã vượt 24 bậc xếp hạng đứng ở vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, các chỉ số quan trọng như chi phí thời gian (8.46 điểm), chi phí không chính thức (8.05 điểm), thiết chế pháp lý (7.78 điểm), tiếp cận đất đai (7.56 điểm); cạnh tranh bình đẳng và tính năng động (đều trên 7 điểm), các chỉ số trên đều tăng  so với bảng xếp hạng năm 2020.


Ông Lê Duy Thành Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhận giải thưởng Tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2021.

Năm 2021, toàn tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến thu hút được 1,1 tỷ USD vốn FDI, trong đó, vốn FDI đăng ký mới đạt khoảng 900 triệu USD và vốn tăng thêm khoảng 200 triệu USD. Trong đó, có một dự án FDI lớn của nhà đầu tư Nhật Bản, có tổng vốn đăng ký hơn 611 triệu USD.

Tính lũy kế đến hết năm 2021, Vĩnh Phúc có 429 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nổi bật là các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Các dự án FDI vào Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như công nghiệp điện tử, ôtô, xe máy…

Ngoài ra, Vĩnh Phúc đã triển khai mạnh mẽ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đưa Vĩnh Phúc nằm trong tốp 15 các tỉnh, thành phố về chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số cần tập trung vào 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, phát triển triển chính quyền số cần triển khai rộng rãi mô hình xử lý văn bản không giấy tờ, họp không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng kho tàng dữ liệu về công dân và tổ chức khi thực hiện các giao dịch trực tuyến giữa các cơ quan quản lý Nhà nước; hạn chế việc sử dụng văn bản giấy tờ. Phát triển kinh tế số, tập trung thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt dộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế…

Điều tra PCI năm qua diễn ra trong bối cảnh khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá có thay đổi tích cực trong các chỉ số thành phần, phát triển kinh tế. Cùng đó, các địa phương cũng nỗ lực phòng, chống tham nhũng để giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho DN. Số DN phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra giảm so với trước, chỉ còn gần 21%, giảm khoảng 7,7% so với 2020. Tỷ lệ DN phải trả chi phí không chính thức trong đấu thầu còn 36,8%, giảm hơn 3% so với 2020. 


Giấy chứng nhận do VCCI trao tặng.

Các DN FDI, cũng ghi nhận những cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Gánh nặng thanh, kiểm tra, chi phí không chính thức đã giảm. Chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng cải thiện rõ rệt theo thời gian.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng các địa phương vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa trong giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, cải cách các lĩnh vực thuế, đất đai, bảo hiểm, môi trường, xây dựng và quản lý thị trường. 

PCI là bộ chỉ số hợp thành bởi các chỉ số thành phần, như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, môi trường kinh doanh...được sử dụng để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh khác nhau và mức độ hỗ trợ của chính quyền theo đánh giá của các DN đang hoạt động tại địa phương.

Báo cáo PCI là những thành tựu cải cách của Việt Nam thời gian qua đã có đóng góp lớn của chính quyền các tỉnh, thành phố. Việc tổ chức tốt thực hiện chính sách, pháp luật, sự năng động và sáng tạo trong giải quyết các yêu cầu từ thực tiễn chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Giai đoạn dịch bệnh căng thẳng ở Việt Nam như hai năm vừa qua thì vai trò của chính quyền các tỉnh, thành phố lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Vừa tổ chức phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì, không bị đứt đoạn là nỗ lực rất lớn của nhiều chính quyền địa phương.

Thời gian tới, để nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, ngoài những chính sách quan trọng vừa được Quốc hội và Chính phủ thông qua như Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, thì chương trình hành động và nỗ lực triển khai của chính quyền cấp tỉnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chính sách có đi nhanh được vào cuộc sống hay không, triển khai có hiệu quả tới doanh nghiệp và người dân hay không, việc phòng chống dịch bệnh hay triển khai tiêm phủ vắc xin có đáp ứng được yêu cầu hay không cho đến các chương trình dự án lớn về hạ tầng, đầu tư công được triển khai nhanh đều có vai trò hết sức quan trọng của chính quyền cấp tỉnh.

Một điểm sáng của PCI 2021 là dù dịch bệnh xảy ra rất phức tạp nhưng dòng chảy cải cách từ địa phương tại Việt Nam dường như vẫn được duy trì. Điểm số của tỉnh trung vị trong PCI tiếp tục tăng với những cải thiện mạnh mẽ của thủ tục hành chính, việc giảm ấn tượng của chi phí không chính thức, cho dù còn nhiều lo ngại về sự khó khăn của thủ tục đất đai và các thủ tục cấp phép sau đăng ký kinh doanh.

Dịch bệnh Covid-19 có thể tạo ra khó khăn lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, làm giảm đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hai năm vừa qua nhưng chúng tôi tin rằng với sự chủ động, năng động và tích cực của bộ máy chính quyền các tỉnh, thành phố thì dịch bệnh không thể làm trì hoãn các chương trình cải cách môi trường kinh doanh đang được tiến hành rất mạnh mẽ tại cấp cơ sở của Việt Nam. Sự năng động của nền kinh tế Việt Nam chính là kết quả của sự năng động của các chính quyền cấp cơ sở như thực tiễn cải cách kinh tế trong hàng chục năm qua đã chứng minh.

Bảo Trân