Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV sẽ diễn ra tại Vĩnh Phúc
Ngày 26/3/2022, tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở 2 Vĩnh Phúc), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCSHCM, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải và Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV_STARTUP). Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương; lãnh đạo địa phương.
Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm với với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên (HSSV); giúp HSSV thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV có tính khả thi cao. Tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn. Ghi nhận sự đóng góp tích cực của các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân đã quan tâm, ủng hộ, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho các hoạt động khởi nghiệp của HSSV.
Các hoạt động chính tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của Học sinh, sinh viên lần thứ IV gồm: Chương trình Khai mạc (14h00-16h00 ngày 26/3/2022); Phiên Đối thoại chính sách “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Khởi nghiệp cho HSSV - Vai trò của Nhà trường, Doanh nghiệp, Quỹ đầu tư và Địa phương” (8h00-11h00 ngày 26/3/3022); Diễn đàn “Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HSSV & Tiềm năng khởi nghiệp của HSSV theo nhóm ngành” (8h00-11h00 ngày 26/3/2022); Chung kết cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ IV (SV_STARTUP) (8h00-11h00 ngày 27/3/2022) và Chương trình trao giải và bế mạc (14h00-17h00 ngày 27/3/2022).
Điểm nhấn của sự kiện là Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV_STARTUP) được tổ chức trên quy mô toàn quốc với 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường THCS, THPT tham gia. Cuộc thi dành cho HSSV có đội tuổi từ 12-24 tuổi, được phát động từ tháng 4/2021 và đã nhận được gần 400 dự án. Các dự án được đánh giá chất lượng, đa dạng, tập trung vào nhiều lĩnh vực. 70 dự án xuất sắc nhất được lọt vào Vòng Bình chọn và vòng Chung kết của Cuộc thi.
Đặc biệt, năm 2021, nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo đã tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp cấp trường hoặc cấp tỉnh để lựa chọn ra các dự án xuất sắc nhất tham dự vòng toàn quốc. Trong đó, có 2 dự án xuất sắc đến từ học sinh THCS. Nhiều dự án đã được triển khai và bước đầu thành công, một số dự án đã chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng. Cuộc thi mang lại cơ hội lớn để các đội thi tiếp cận với cơ hội đầu tư cũng những kiến thức thực tế từ Hội đồng giám khảo là các doanh nhân đến từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư có khả năng đầu tư.
Vòng Chung kết Cuộc thi HSSV với ý tưởng Khởi nghiệp lần thứ IV sẽ chia làm 02 chặng từ ngày 26/3 đến 27/3/2022 tại Cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc - Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Chặng 1 chấm thi trực tiếp tại gian hàng các dự án vào chiều ngày 26/3/2022 để chọn ra 12 dự án khối sinh viên và 7 dự án học sinh khối THCS, THPT. Chặng 2, các dự án thuyết trước Ban giám khảo vào sáng ngày 27/3/2022 tại Hội trường trong Ngày Hội khởi nghiệp Quốc gia HSSV năm 2021 chọn 15 dự án sinh viên và 10 dự án Học sinh THCS, THPT để trao giải).
Top 70 dự án trước khi tham gia Vòng Chung kết đã được tham gia dự thi tại vòng Bình chọn online kéo dài từ 12h00 ngày 25/2/2022 đến hết 12h00 ngày 25/3/2022 tai cổng khởi nghiệp http://dean1665.vn. Vòng bình chọn sẽ chọn ra 03 dự án của sinh viên và 03 dự án của học sinh THCS, THPT có điểm cao nhất được vào thẳng chặng 2 của Vòng Chung kết. Trải qua một tháng bình chọn, đã hu hút hơn 11 triệu truy cập, hơn 700 nghìn người dùng,và gần 3 triệu bình chọn các dự án, trong đó có gần 10% là người dùng ngôn ngữ khác.
Tại sự kiện sẽ diễn ra hoạt động tham quan các không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên thuộc 08 lĩnh vực: Khoa học, công nghệ; Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, y tế; Dịch vụ, du lịch; Tài chính, ngân hàng; Kinh doanh tạo tác động xã hội; Các ngành nghề khác và lĩnh vực kinh doanh khác. Với khoảng 70 không gian trưng bày. Ngoài ra, sự kiện còn thu hút sự quan tâm, đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc. Nâng quy mô lên 140 gian trưng bày.
Một số kết quả sau 4 năm triển khai Đề án 1665
Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” với mục tiêu: Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Sau 04 năm triển khai thực hiện Đề án 1665,với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả cùng với sự nỗ lực chung tay của các bộ, ngành, địa phương và của các cơ sở đào tạo, Đề án 1665 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Về công tác hỗ trợ đào tạo: Tỉ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2021, với tối thiểu 01 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo đa xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa.
Hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước, trong năm 2018, 2019 tổ chức tập huấn được 03 chuyên đề về hỗ trợ khởi nghiệp cho các cán bộ này bao gồm: Công dân tích cực; đổi mới sáng tạo; Kỹ năng vận hành không gian khởi nghiệp dành cho sinh viên. Tổ chức tập huấn cho 200 cán bộ, giáo viên của 62 Sở GDĐT và Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu về phương pháp tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh trung học phổ thông.
Về tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp: Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 2158/QĐ-BGDĐT ngày 29/7/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc giao nhiệm vụ tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo cho 03 cơ sở giáo dục đại học. Có 50% các cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo. 70 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV. Có khoảng 45 cơ sở đào tạo (chiếm 25% số cơ sở đào tạo) đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong đó có khoảng hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.
Về hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp và kinh phí triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp: Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT ngày 17/9/2021 của Bộ GDĐT về nghiên cứu khoa học sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có quy định các hoạt động khởi nghiệp hiện nay là các hoạt động nghiên cứu khoa học và các đơn vị được sử dụng nguồn kinh phí của nghiên cứu khoa học dành cho hoạt động khởi nghiệp. Phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư 126/2018/TT-BTC ngày 26/12/2018 về hướng dẫn nguồn kinh phí sự nghiệp triển khai Đề án 1665. Một số cơ sở giáo dục, đào tạo đã nghiên cứu vận dụng và xây dựng các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại các nhà trường.
Về công tác truyền thông: Bộ GDĐT đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân Xây dựng cổng thông tin hỗ trợ khởi nghiệp, thường xuyên duy trì các bài viết trên cổng và cung cấp tài liệu, các hoạt động khởi nghiệp của quốc gia, quốc tế cho cán bộ giảng viên và HSSV trong cả nước. Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu của các cơ sở giáo dục đại học về các hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của nhà trường để tuyên truyền, giới thiệu năng lực các trường đến HSSV và xã hội.
Tổ chức Cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp và Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên: Cuộc thi do Bộ GDĐT tổ chức hằng năm, sau 03 lần tổ chức số dự án khởi nghiệp của HSSV tăng dần theo từng năm và hàm lượng khoa học công nghệ trong các dự án ngày càng cao. 50% các đại học, học viện, trường đại học đã có các cuộc thi về khởi nghiệp cấp trường, hằng năm mỗi trường có khoảng từ 10 đến 20 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên tham dự các cuộc thi. 100% các Sở GDĐT đã có học sinh tham gia Cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp. Một số địa phương đã tổ chức được các cuộc thi riêng và có số số lượng dự án ý tưởng lớn. Một số ý tưởng, dự án của sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại. Trong số đó một số doanh nghiệp đã đến các vòng gọi vốn Series B, Series C
Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong các nhà trường, hướng tới xây dựng các trường đại học thực sự là Trung tâm của đổi mới sáng tạo. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghiên cứu xây dựng môn học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo dưới dạng chính khóa (bắt buộc hoặc tự chọn) hoặc đưa vào các chương trình đào tạo ngoại khóa, ngắn hạn bảo đảm giúp sinh viên hiểu về khởi nghiệp và đánh giá đúng khả năng, năng lực của bản thân.
Nghiên cứu đề xuất số lượng giảng viên, cán bộ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đảm bảo các hoạt động hiệu quả. Xây dựng các chương trình ươm tạo, tăng tốc đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của cựu sinh viên trên cơ sở kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức ươm tạo ngoài cộng đồng để hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tiếp tục huy động các nguồn lực của trường, nguồn lực xã hội hóa xây dựng các không gian chung, các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành dành riêng cho khởi nghiệp để hỗ trợ việc sản xuất thử và phát triển các sản phẩm khởi nghiệp đảm bảo thiết thực, phù hợp với các nhóm, ngành đào tạo. Tăng cường phối hợp nhà trường và doanh nghiệp để hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hành, trải nghiệm, phối hợp sản xuất thử các sản phẩm mẫu.
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thành lập các Quỹ cộng đồng, quỹ quyên tặng để đầu tư ban đầu cho các dự án khởi nghiệp của HSSV. Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai các hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.
Bộ GDĐT cũng sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Trong đó, nghiên cứu thí điểm về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp vốn vào các dự án ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, giảng viên phù hợp với quy định của pháp luật; nghiên cứu cơ chế đặt hàng, phối hợp, nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm giữa doanh nghiệp, nhà trường và giảng viên, HSSV; nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp…
Phiên đối thoại “Chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên - Vai trò của Nhà trường, Doanh nghiệp, Quỹ đầu tư và Địa phương”
Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của Học sinh, Sinh viên lần thứ 4 sẽ diễn ra phiên đối thoại “Chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên - Vai trò của Nhà trường, Doanh nghiệp, Quỹ đầu tư và Địa phương” tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cơ sở 2, Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, vào ngày 26/3.
Tại phiên đối thoại, các diễn giả sẽ tập trung đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn khi xây dựng hệ sinh thái Khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện qua hai chủ đề: Chủ đề 1: “Cơ sở pháp lý, thực tiễn đào tạo và kinh nghiệm tổ chức, phát triển hoạt động khởi nghiệp gắn với địa phương”. Chủ đề 2: “Cơ sở pháp lý, chính sách phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp gắn với nghiên cứu khoa học, sở hữu trí tuệ, thành lập quỹ/vườn ươm”.
Phiên đối thoại có sự tham dự của đại diện các Bộ: GDĐT, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc; cùng đại diện các cơ quan quản lý, các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, đại diện các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục tham gia Ngày hội, đại diện một số đơn vị đồng hành, đơn vị hỗ trợ, các chuyên gia, các quỹ, doanh nghiệp, các Tập đoàn kinh tế và HSSV...
--------------
Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV_STARTUP) được tổ chức trong 02 ngày 26 và 27/3/2022 tại Cơ sở Đào tạo Vĩnh Phúc - Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, 278 Lam Sơn, Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc với sự đồng hành, hỗ trợ của các đơn vị:
1. Đơn vị tài trợ giải thưởng:
- Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung nguyên
- Tập đoàn Phenikaa
- Công ty Cổ phần TM Phát triển Kỹ thuật và Nhân lực Quốc tế (JVNET).
2. Đơn vị tài trợ
- Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Edugroup Việt Nam
- Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam
- Công ty Cổ phần Xúc tiến thương mại CCV Group
- Công ty phân phối TPCN, Mỹ phẩm Nature green (Nam An Group)
- Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC)
- Công ty TNHH Điện tử SamSung Vina
- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Tham khảo thông tin về sự kiện tại:
https://www.facebook.com/khoinghiepquocgiaHSSV/
Đầu mối truyền thông sự kiện: Trung tâm Truyền thông giáo dục, Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điện thoại: 0943.316.147; 0985.111.179.
PV