"VNPT cần sớm hình thành Tổng công ty công nghiệp CNTT"

19:47, 26/08/2015

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đề nghị Tập đoàn VNPT đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT và cần có chủ trương đầu tư thích đáng để sớm hình thành Tổng công ty công...

lap dat mang adsl cua vnpt

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn VNPT lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2015-2020 sáng nay, 26/8, người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh, nhiệm vụ trong thời gian tới của VNPT là vô cùng nặng nề, khi vừa phải hoàn thành các giai đoạn tiếp theo của tái cơ cấu, vừa phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng cường vị thế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.


Ông cho rằng, muốn vậy, cần làm tốt quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy Tập đoàn với Hội đồng Thành viên và Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn để thực hiện "có hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra". Đảng ủy VNPT cũng cần xác định rõ hơn nữa những giải pháp cụ thể, chỉ đạo tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm từng lĩnh vực, tập trung đẩy mạnh SXKD những nhóm ngành sản xuất, kinh doanh chính, khai thác tối đa lợi thế.

VNPT cũng cần "tăng cường nghiên cứu phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và những công nghệ tiên tiến, quản trị doanh nghiệp hiện đại; Tập trung đầu tư phát triển dịch vụ, bảo đảm nguồn tài chính hiệu quả và an toàn, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy Tập đoàn phát triển lên tầm cao mới". Đặc biệt, Bộ trưởng khẳng định "đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT là điều kiện tiên quyết" để bảo đảm cho sự phát triển khác biệt, bền vững và lâu dài của Tập đoàn. Do vậy, "cần có chủ trương đầu tư thích đáng để sớm hình thành Tổng công ty công nghiệp công nghệ thông tin khi hội tụ đủ điều kiện trong thời gian tới".

Nhận diện thành công lẫn tồn tại

Bộ trưởng Son cho rằng, Đại hội lần này là dịp để VNPT "đánh giá đúng tình hình, nhận diện những thành công, những ưu điểm, khuyết điểm và cả những nguyên nhân chủ quan, khách quan"; đồng thời cũng là dịp tổng kết, rút ra những kinh nghiệm từ trong chỉ đạo tổ chức, triển khai hoạt động SXKD của Tập đoàn. Trên cơ sở đó, Tập đoàn sẽ xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới.

Ghi nhận VNPT đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông, vào tăng trưởng GDP và thu ngân sách quốc gia, như việc phóng thành công, đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả vệ tinh viễn thông Vinasat 2, Bộ trưởng đánh giá VNPT là "nhà mạng duy nhất có một hạ tầng viễn thông khá hoàn chỉnh, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, khẳng định vị thế của Việt Nam trên quỹ đạo quốc tế".
Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015 "còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của Nhà nước giao cho Tập đoàn. Tập đoàn chậm thực hiện quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại; công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược chưa được chú trọng; tâm lý thỏa mãn, ngại đổi mới tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã làm cho Tập đoàn bỏ lỡ nhiều cơ hội để phát triển. Công tác đầu tư phát triển, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của Tập đoàn còn có nhiều vấn đề phải tập trung giải quyết", Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra.

Mặc dù vậy, Đảng ủy Tập đoàn đã nhanh chóng nhận ra những hạn chế, yếu kém của mình. Lãnh đạo Tập đoàn đã quán triệt những chủ trương, quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ TT&TT về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2014-2015. Việc thực hiện tại cơ cấu được tiến hành một cách "mạnh dạn và quyết liệt", khi ngay từ cuối năm 2012, VNPT đã bàn giao VNPost về trực thuộc Bộ, chia tách thành công hoạt động bưu chính độc lập với Viễn thông. 

Tương tự, Tập đoàn cũng đã bàn giao nguyên trạng và đúng tiến độ Công ty Thông tin di động VMS (MobiFone), Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ, các trường Trung học Bưu chính Viễn thông về địa phương. Và gần đây là chuyển Bưu điện Trung ương về Bộ hoạt động theo mô hình Cục Bưu điện Trung ương, thực hiện tách bạch giữa hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích.
Lộ trình chia tách khối kinh doanh và kỹ thuật ở các viễn thông tỉnh, thành phố được đánh giá là "tính toán hợp lý và đạt hiệu quả". Với mô hình SXKD mới theo 3 lớp hạ tầng, dịch vụ và kinh doanh, Tập đoàn đã thực hiện phân cấp mạnh nhiệm vụ điều hành sản xuất kinh doanh cho các Tổng công ty để Tập đoàn tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển, kiểm tra, giám sát chất lượng và quản trị.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả DN

Từ năm 2014 và 2015, Tập đoàn đã đạt được những bước tăng trưởng đột phá về hiệu quả sản xuất kinh doanh và chỉ tiêu lợi nhuận. Điều này khẳng định việc thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn là hoàn toàn đúng đắn, Bộ trưởng đánh giá. "Đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào, đổi mới luôn là nhiệm vụ quan trọng, cần phải được thực hiện thường xuyên để doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi của thị trường và môi trường kinh doanh. Nhất là trong một lĩnh vực thay đổi nhanh như CNTT - Viễn thông thì đổi mới càng là yếu tố sống còn".
Trong dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội, Tập đoàn đã rất thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém kìm hãm sự phát triển, ảnh hưởng đến SXKD và năng lực cạnh tranh của mình. Với thực tế mới, Tập đoàn cần thiết phải "xác định rõ chiến lược phát triển, xây dựng được mô hình phù hợp với chiến lược đó, nhằm khai thác tối đa nguồn lực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững".

Dù cơ bản nhất trí với những phương hướng, mục tiêu, và nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2015 - 2020 như đã được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị, song Bộ trưởng cho rằng, VNPT vẫn cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT. "Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Tập đoàn. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của Tập đoàn trong nhiệm kỳ mới".

Bộ trưởng cũng lưu ý Đảng bộ cần rút kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đảng bộ trong 5 năm tới, tập trung nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, giữ vững kỷ cuơng, kỷ luật của Đảng. Song song với đó, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện bố trí sử dụng cán bộ hiệu quả, phù hợp với trình độ năng lực, đi đôi với thu hút nhân tài, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp và nguồn nhân lực chất lượng cao.