Vụ kiện lịch sử của Google: Mỹ cân nhắc “chia nhỏ” gã khổng lồ công cụ tìm kiếm
Liên quan vụ kiện lịch sử của Google, Chính phủ Mỹ cho biết họ đang cân nhắc liệu có nên yêu cầu thẩm phán 'chia nhỏ' gã khổng lồ công cụ tìm kiếm này hay không?
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các biện pháp có thể bao gồm "các yêu cầu về tái cấu trúc" để ngăn Google duy trì thế "độc quyền" trong lĩnh vực tìm kiếm trên internet. Đáp lại, Google cảnh báo rằng những thay đổi được đề xuất có thể gây ra hậu quả không mong muốn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Mỹ cân nhắc “chia nhỏ” gã khổng lồ công cụ tìm kiếm.
Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ được đưa ra sau phán quyết mang tính bước ngoặt của tòa án vào tháng 8, trong đó tuyên Google đã duy trì sự thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến thông qua các hoạt động bất hợp pháp.
Thông tin từ Bộ này, trong hồ sơ nộp lên tòa án rằng họ đang xem xét "các biện pháp khắc phục sẽ ngăn Google sử dụng các sản phẩm như Chrome, Play và Android để hưởng lợi từ công cụ tìm kiếm của Google và các sản phẩm liên quan đến dịch vụ tìm kiếm của Google".
Trong một bài đăng trên blog, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Google - Lee-Anne Mulholland cho biết các khuyến nghị này cấu thành "sự lạm quyền của chính phủ".
Bộ Tư pháp dự kiến sẽ đệ trình một bộ đề xuất chi tiết hơn vào ngày 20/11. Và, Google sẽ có thể đệ trình các biện pháp khắc phục do chính mình đề xuất vào ngày 20/12.
Phán quyết của Thẩm phán Amit Mehta tại tòa án liên bang Mỹ ở Washington là chiến thắng lớn cho các nhà thực thi chống độc quyền, những người đã khởi xướng hàng loạt vụ kiện đầy tham vọng chống lại các công ty công nghệ lớn trong 4 năm qua.
Google nói có kế hoạch kháng cáo và cho rằng công cụ tìm kiếm của mình đã thu hút người dùng nhờ vào chất lượng. Google cũng tuyên bố phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Amazon và các trang web khác, nơi người dùng trực tiếp tìm kiếm hàng hóa hoặc dịch vụ, và người dùng có thể chọn công cụ tìm kiếm khác làm mặc định.
Một số đối thủ cạnh tranh kêu gọi chia tách Google. Yelp kiện Google vào tháng 8, cho rằng việc tách trình duyệt Chrome và các dịch vụ AI của công ty nên được xem xét. Yelp là trang web đánh giá dịch vụ địa phương quy mô toàn cầu do công ty Yelp (Mỹ) điều hành.
Chưa hết, Yelp cũng muốn Google bị cấm ưu tiên các trang kinh doanh địa phương của mình, vốn cạnh tranh với họ, trong kết quả tìm kiếm.
Adam Epstein, Chủ tịch và đồng Giám đốc điều hành công ty quảng cáo tìm kiếm adMarketplace, nói mối đe dọa buộc Google phải bán một phần hoạt động kinh doanh có thể được sử dụng như cách để thúc ép họ đồng ý với những giải pháp nhẹ nhàng hơn nhằm khắc phục hành vi độc quyền của họ.
"Google sẽ không có động lực tuân thủ trừ khi họ có lưỡi gươm Damocles của việc chia tách treo trên đầu", Adam Epstein bình luận.
Cụm từ "lưỡi gươm Damocles" là thành ngữ dùng để chỉ mối đe dọa lớn hoặc sự nguy hiểm luôn rình rập. Ở đây, Adam Epstein muốn nói rằng Google sẽ không thực sự tuân thủ các biện pháp sửa đổi hoặc khắc phục nếu không có mối đe dọa nghiêm trọng như việc buộc phải bán hoặc chia tách một phần doanh nghiệp của họ.
DuckDuckGo kêu gọi tòa án yêu cầu Google tạo ra cơ hội cho các công ty khác có thể cải thiện công cụ tìm kiếm của mình bằng cách dựa trên dữ liệu và kết quả của mình, từ đó giúp tạo ra sự cạnh tranh công bằng hơn trong thị trường tìm kiếm trực tuyến.
Microsoft (chủ sở hữu công cụ tìm kiếm Bing) và Apple (công ty nhận hàng chục tỉ USD mỗi năm từ Google) từ chối bình luận.
Phán quyết của Thẩm phán Amit Mehta ngày 5/8 đã mở đường cho phiên tòa thứ hai để xác định các giải pháp khắc phục tiềm năng, có thể bao gồm việc chia tách khỏi Alphabet, điều này sẽ thay đổi cảnh quan của thế giới quảng cáo trực tuyến mà Google đã thống trị trong nhiều năm.
Phán quyết trên cũng là tín hiệu đèn xanh cho các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của Mỹ trong việc truy tố các hãng công nghệ lớn. Thẩm phán Amit Mehta cho rằng, tòa án đưa ra kết luận Google là công ty độc quyền và đã hành động như một công ty độc quyền để duy trì thế độc quyền của mình. Gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Mỹ kiểm soát khoảng 90% thị trường tìm kiếm trực tuyến trong tháng 9 và 95% trên smartphone.
Giai đoạn khắc phục có thể kéo dài, tiếp theo là khả năng kháng cáo lên Tòa án Quận Columbia và Tòa án Tối cao Mỹ. Cuộc tranh chấp pháp lý có thể diễn ra vào năm 2025, hoặc thậm chí là 2026.
Alphabet cho biết có kế hoạch kháng cáo phán quyết của Amit Mehta. "Quyết định này thừa nhận rằng Google cung cấp công cụ tìm kiếm tốt nhất, nhưng kết luận rằng chúng tôi không nên được phép cung cấp nó một cách dễ dàng", Google cho biết trong một tuyên bố.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ - Merrick Garland gọi phán quyết này là "chiến thắng lịch sử cho người dân Mỹ", đồng thời nói thêm rằng "không có công ty nào, bất kể lớn hay có ảnh hưởng đến đâu, có thể đứng trên luật pháp".
Thẩm phán Amit Mehta lưu ý rằng Google đã chi 26,3 tỉ USD chỉ riêng trong năm 2021 để đảm bảo rằng công cụ tìm kiếm của họ là mặc định trên hầu hết smartphone và trình duyệt, đồng thời giữ vững thị phần thống lĩnh của mình.
Amit Mehta cho rằng, vị trí mặc định trên các thiết bị hoặc trình duyệt là tài sản cực kỳ có giá trị... Dù có sản phẩm tốt có thể đủ sức cạnh tranh để trở thành lựa chọn mặc định khi hợp đồng hiện tại hết hạn, một công ty mới chỉ có thể làm được điều đó nếu sẵn sàng trả cho các đối tác một khoản tiền lớn và bù đắp cho bất kỳ tổn thất doanh thu nào mà họ gặp phải do sự thay đổi này.
Cũng theo Thẩm phán Amit Mehta, Google thừa nhận rằng việc mất vị trí mặc định sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ròng của mình. Ví dụ, Google đã dự đoán rằng việc mất vị trí mặc định trên Safari sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về truy vấn và hàng tỉ USD doanh thu bị mất.
Phán quyết này là quyết định quan trọng đầu tiên trong hàng loạt vụ kiện liên quan đến cáo buộc độc quyền với các hãng công nghệ lớn. Do chính quyền Trump đệ trình cách đây vài năm, vụ kiện này đã được đưa ra trước một thẩm phán từ tháng 9 đến tháng 11/2023.
Nhà phân tích cấp cao Evelyn Mitchell-Wolf của hãng Emarketer nhận định rằng, nếu buộc phải thoái vốn khỏi mảng kinh doanh tìm kiếm, Alphabet sẽ bị cắt đứt khỏi nguồn doanh thu lớn nhất của mình. Ngay cả việc mất đi khả năng đạt được các thỏa thuận là công cụ tìm kiếm mặc định độc quyền cũng có thể gây bất lợi cho Google.
Được biết, trong 4 năm qua, các cơ quan quản lý chống độc quyền liên bang Mỹ cũng đã kiện Meta Platforms (công ty mẹ Facebook và Instagram), Amazon và Apple, cáo buộc các công ty này đã duy trì độc quyền bất hợp pháp. Tất cả các vụ kiện đó đều bắt đầu dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.
Amy Klobuchar, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ - Chủ tịch tiểu ban chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp tại Thượng viện Mỹ, nói thực tế là vụ kiện kéo dài qua nhiều chính quyền cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng với việc thực thi luật chống độc quyền.
Khi được đệ trình năm 2020, vụ kiện Google là lần đầu tiên trong một thế hệ chính phủ Mỹ cáo buộc tập đoàn lớn độc quyền bất hợp pháp. Microsoft đã giải quyết với Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 2004 về các khiếu nại rằng hãng ép buộc người dùng Windows sử dụng trình duyệt Internet Explorer.