Người phát ngôn Bộ Ngoại giao bác bỏ luận điệu sai trái do báo Nga đăng tải
Như Xã Hội Thông Tin đã đưa tin, RIA Novosti đã đăng bài viết cố ý xuyên tạc lịch sử, vu khống Việt Nam. Sự việc này đang được nhiều người quan tâm.
- RIA Novosti Nga xuyên tạc và vu khống Việt Nam
- Google sửa sai về chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông
- Mạng quân sự Trung Quốc: Việt Nam có thể đã cử tàu ngầm theo dõi tập trận Nga - Trung
- Mỹ do thám cuộc tập trận đang diễn ra giữa Nga – Trung Quốc
- Quốc hội, Chính phủ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép
Xung quanh vụ hãng thông tấn như RIA Novosti (Nga) đăng tải bài viết xuyên tạc, vu khống Việt Nam, sau khi đại diện Bộ Ngoại giao Nga tại Việt Nam lên tiếng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu sai trái, phiến diện do RIA Novosti đăng tải.
Ông Lê Hả Bình phát biểu tại cuộc Họp báo quốc tế về tình hình biển Đông chiều 23/5.
"Tôi lấy làm tiếc khi một hãng thông tấn như RIA Novosti lại đăng tải thông tin như vậy. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm việc với Sứ quán Nga và được biết đây chỉ là ý kiến cá nhân của phóng viên", ông Lê Hải Bình nói.
Theo ông Lê Hải Bình, đại sứ Nga tại Việt Nam khẳng định thông tin của RIA Novosti chỉ phản ánh quan điểm cá nhân phóng viên, không phải là quan điểm của lãnh đạo Nga. Và Bộ Ngoại giao đã yêu cầu báo chí Nga tôn trọng sự thật lịch sử khi viết bài.
Trong tiểu mục liên quan đến thông tin RIA Novosti nói Việt Nam dùng tàu quân sự tấn công tàu dân sự Trung Quốc ở giàn khoan trái phép Hải Dương 981, ông Bình nói Việt Nam "hoàn toàn bác bỏ thông tin này".
Cũng liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên biển Đông, trong những ngày vừa qua, giới ngoại giao và học giả Trung Quốc đã nhắc lại bức Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói đó là bằng chứng Việt Nam thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong cuộc họp báo quốc tế về tình hình biển Đông chiều qua (23/5) tại Hà Nội, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia khẳng định, “Công thư của cố thủ tướng là văn bản ngoại giao. Giá trị pháp lý nằm trong nội dung công thư. Việt Nam tôn trọng vấn đề 12 hải lý nêu trong công thư chứ không đề cập tới Hoàng Sa, Trường Sa vì thế đương nhiên không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa. Giá trị công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Công thư gửi Trung Quốc lúc đó Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quản lý của Việt Nam cộng hòa, Trung Quốc chỉ là một bên tham gia. Không thể cho người khác cái gì mà bạn chưa có được. Vì thế công thư không có giá trị chủ quyền với Tây Sa, Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc”.
Thanh Trà