“Xanh hóa” logistics để doanh nghiệp lớn mạnh
Có thể thấy, logistics là một trong những ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải nhiều, vì thế theo các chuyên gia việc “xanh hóa” logistics là vấn đề mang tính sống còn và sẽ góp phần tích cực vào mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 (Net zero). Tuy nhiên, để doanh nghiệp logistics tận dụng tốt những cơ hội trong quá trình chuyển đổi xanh, thì nhiều “điểm nghẽn” vẫn cần được tháo gỡ.
Nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Thông tin đưa ra tại Hội thảo “Vai trò của vận tải xanh - Green Logistics trong xu thế quốc tế đương đại tăng trưởng xanh phát triển bền vững hướng tới Net zero 2050”, cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, được Cơ quan hàng hải Mỹ cấp phép. Và Việt Nam cũng xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, theo bảng xếp hạng Agility 2022.
Chuyển đổi xanh giúp các doanh nghiệp logistics có cơ hội phát triển bền vững (Ảnh minh họa).
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, thì thách thức đặt ra đó chính là sự gia tăng các vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong đó, logistics được đánh giá là một trong những lĩnh gây ô nhiễm môi trường lớn nhất. Vì thế, việc “xanh hóa” trong các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng logistics, nhằm thực hiện mục tiêu xanh hóa nền kinh tế đang là vấn đề toàn cầu và mục tiêu, mà tất cả các quốc gia hướng đến. Đây cũng chính là căn cứ để thực hiện phát triển logistics xanh tại Việt Nam.
Là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, bên cạnh việc có hệ thống giao thông phát triển khá đồng bộ, gồm cả đường bộ, đường thủy, hàng không và đường sắt; Hà Nội còn có 10 khu công nghiệp đang hoạt động và hơn 100 cụm công nghiệp vừa và nhỏ đã, đang hình thành, cùng với hàng nghìn siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng…Điều này giúp Thành phố trở thành địa bàn trọng điểm khi chiếm đến 40% lưu lượng hàng hóa luân chuyển của các địa phương.
Nắm bắt được tầm quan trọng đó, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp logistics Hà Nội nói riêng cũng từng bước chuyển mình, đẩy mạnh đầu tư các cơ sở hạ tầng, kho bãi hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ mới, thương mại điện tử để gia tăng thị phần và tham gia chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, những năm gần đây, mặc dù Hà Nội chịu tác động tiêu cực không nhỏ của việc suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng chất lượng dịch vụ logistics ở Hà Nội vẫn đạt những kết quả quan trọng. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics không ngừng tăng.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực logistics tại Hà Nội cho hay, dù đã có bước phát triển đáng kể nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” khiến chi phí tăng cao, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo đó, “điểm nghẽn” lớn nhất là ở hạ tầng logistics, hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu chuyên dụng như kho lạnh, kho bảo quản hàng hóa đặc biệt; thiếu lựa chọn đối với các phương tiện giao thông xanh… Vì thế, để chuyển đổi xanh tại các doanh nghiệp logistics cần những chính sách mang tính sáng tạo, đổi mới, cùng những mô hình phù hợp với thực tế.
Trao đổi vấn đề này, ông Đặng Đình Long, Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Mega A, cho biết, các chính sách về chuyển đổi xanh hiện nay chưa rõ ràng; thiếu nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành các hệ thống, công nghệ mới. Trong khi đó, nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh còn hạn chế là những rào cản khiến không ít doanh nghiệp loay hoay.
Ông Long cũng bày tỏ, doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn xanh cụ thể cho từng lĩnh vực để doanh nghiệp có cơ sở áp dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nguồn nhân lực có chuyên môn và cơ chế tài chính riêng phục vụ chuyển đổi xanh.
Cơ hội phát triển bền vững cho các doanh nghiệp
Cùng với việc tháo gỡ “rào cản” về chính sách, để thực hiện việc chuyển đổi xanh, đặc biệt là đối với chương trình vận tải xanh, logistics xanh, ông Bùi Văn Quỳ, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển ASEAN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng rất cần các yếu tố về thể chế, hạ tầng và con người.
“Nhà nước cần phải hỗ trợ phát triển xanh, dần đầu tư về hạ tầng, tài chính, công nghệ, năng lượng xanh... Cần xây dựng các tiêu chí cụ thể hơn, từ đó cấp chứng nhận Xanh cho các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí. Đó cũng là mục tiêu để doanh nghiệp hướng tới các tích cực hơn trong chuyển đổi xanh”, ông Quỳ đề cập.
Có thể thấy, bên cạnh những thách thức và rào cản trong chuyển đổi xanh, thì xu hướng “xanh hóa” logistics cũng được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ mang lại cho các doanh nghiệp cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, tại Hội nghị COP26 vừa qua, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ ở cả khía cạnh quốc tế, cũng như những thay đổi về chính sách chung đối với sự phát triển kinh tế xanh.
Đối với phát triển các ngành kinh tế nói chung thì chúng ta cũng đã đề ra những chiến lược, kế hoạch thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí carbon đối với từng lĩnh vực. Trong những lĩnh vực liên quan tới logistics thì từ giao thông vận tải, tất cả các loại hình đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không... chúng ta đều đã có những chính sách để phát triển “xanh hóa”.
Là khu vực kinh tế trọng điểm, với Hà Nội, ngành logistics đóng vai trò rất quan trọng, nó không chỉ là một mắt xích thiết yếu trong chuỗi cung ứng hàng hóa, mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, ngành logistics còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại điện tử và phát triển kinh tế đô thị thông minh, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi số mà Hà Nội đang hướng tới. Do đó, việc phát triển dịch vụ logistics là một trong những nhiệm vụ phát triển hàng đầu của Thành phố trong những năm tiếp theo.
Đề cập vấn đề này, ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch hiệp hội logistics Hà Nội cho hay, để ngành logistics Hà Nội ngày càng phát triển, cần đẩy mạnh vận tải đa phương thức; quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng tăng cường kết nối các phương thức vận tải trên địa bàn.Thời gian tới, Thành phố sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics; nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics có quy mô phù hợp trên những tuyến đường vành đai, kết nối đầu mối gom hàng, kho tập kết, phân phối hàng tại khu vực tập trung sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp; chú trọng phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi hạ tầng logistics; phát triển nền tảng số kết nối giữa các chủ hàng, khách hàng...