Xanh hơn sẽ tốt hơn

17:01, 09/03/2024

Câu chuyện “càng rẻ càng tốt” đã không còn là ưu tiên như trước đây, mọi thứ đã nhường chỗ cho tính bền vững và thương mại tuần hoàn. Các phương pháp thực hành bền vững, từ sản xuất, đóng gói đến cách thương hiệu xử lý hàng trả lại và kéo dài tuổi thọ sản phẩm đang được người tiêu dùng quan tâm.

Một thực tế đang khiến cho câu chuyện về thương mại tuần hoàn, bán lẻ bền vững được quan tâm hơn, đó là biến đổi khí hậu. Cháy rừng, mưa lớn, nắng nóng kỷ lục đang khiến cả thể giới lo ngại, và trước thực tế không thể phủ nhận ấy, không có gì ngạc nhiên là khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng xem xét lại cách tiêu dùng của họ.

Theo một số nghiên cứu và khảo sát gần đây, trọng tâm quyết định mua hàng của người tiêu dùng ngày càng chuyển hướng sang thân thiện với môi trường và trách nhiệm xã hội. Chẳng hạn, trong khảo sát của Viện nghiên cứu Capgemini (cơ quan tư vấn nội bộ của Công ty Capgemini) nhận thấy, rằng gần 80% trong số 7.500 người tiêu dùng được khảo sát thích mua sắm theo cách có trách nhiệm và thân thiện với môi trường. Hơn một phần hai người tiêu dùng, chiếm 53% sẵn sàng chuyển sang các thương hiệu ít tên tuổi hơn, miễn là chúng bền vững hơn. Báo cáo nghiên cứu cũng cho thấy có tới 52% người tiêu dùng cảm thấy có mối thiện cảm hơn với các sản phẩm hoặc tổ chức mà họ cho là bền vững. Và 72% lo ngại về dấu chân môi trường.

Xanh hơn sẽ tốt hơnTheo Viện nghiên cứu Capgemini, 80% trong số 7.500 người tiêu dùng được khảo sát thích mua sắm theo cách có trách nhiệm và thân thiện với môi trường. Ảnh: Getty Images.

Thương mại tuần hoàn: Bán lẻ phải phát triển như thế nào?

Những số liệu khảo sát trên của Capgemini, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề đối với các nhà bán lẻ, đặc biệt khi người tiêu dùng muốn tích cực hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn cũng như các quy trình gia tăng giá trị bền vững.

Điều đó đòi hỏi các nhà bác lẻ cần phải đáp ứng các điều kiện cơ bản và cụ thể, gồm: Thứ nhất, vòng đời của sản phẩm bán ra phải bền vững hơn thông qua việc tái chế, giảm lãng phí bao bì và quy trình hậu cần hiệu quả.

Thứ hai, chẳng hạn như việc sử dụng nhất quán các năng lượng tái tạo góp phần định hướng kinh doanh tiết kiệm tài nguyên, từ đó giảm lượng khí thải carbon và góp phần khử cacbon cho nền kinh tế.

Trước những thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng, lãnh đạo Phòng Thực hành Phát triển Bền vững của PwC châu Âu tại Đức, chuyên gia Hendrik Fink tin rằng “thương mại tuần hoàn sẽ tiếp tục tồn tại”.

“Nền kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành bình thường mới. Những công ty thành công trong việc đổi mới bản thân và thiết lập các mô hình kinh doanh đổi mới dựa trên nền kinh tế tuần hoàn sẽ là những người chiến thắng trong ngày mai”, Fink nhấn mạnh.

Áp dụng tính bền vững mang lại nhiều lợi ích

Theo các chuyên gia, việc áp dụng tính bền vững trong xu hướng thương mại tuần hoàn, không chỉ môi trường và khí hậu được hưởng lợi, mà mối quan hệ với khách hàng cũng được thúc đẩy, gia tăng lòng trung thành của họ với các thương hiệu.

Nghiên cứu của Capgemini, cho thấy 77% công ty tin rằng tính bền vững mang lại nhiều lòng trung thành của khách hàng hơn, trong khi 63%, cho rằng điều đó làm tăng doanh thu thương hiệu. Những con số này càng cho thấy việc các nhà bán lẻ tập trung vào dấu chân sinh thái của mình càng trở nên quan trọng hơn.

Nhiều nhà bán lẻ đang chiếm được cảm tình của người tiêu dùng bằng các sáng kiến ​​và mô hình kinh doanh bền vững. Trên thế giới, nhiều nhà bán lẻ cũng đang gia tăng thực hành về vấn đề này. Đơn cử như Chiến dịch mua tốt hơn, mặc lâu hơn của Levi's nhằm phản đối mô hình thời trang nhanh bỏ đi; Các thị trường trực tuyến dành cho thời trang cũ, bao gồm ThredUp, Poshmark và RealReal; Allbirds cũng đã xây dựng được cơ sở khách hàng cực kỳ trung thành với giày dép được làm từ chất liệu tự nhiên; Cửa hàng tạp hóa Canada IGA Extra Famille Duchemin tự trồng trái cây và rau hữu cơ trên mái cửa hàng, giúp tiết kiệm năng lượng, làm mát và chi phí giao hàng cho siêu thị trong khi người tiêu dùng biết chính xác sản phẩm của họ đến từ đâu.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng như các nhà bán lẻ cũng đã manh nha áp dụng tính bền vững. Chẳng hạn như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đi đầu xu hướng này khi vừa mới phát triển nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon. Vinamilk công bố sẽ cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hay với nhà bán lẻ AEON Việt Nam, đã triển khai sáng kiến giúp khách hàng mượn túi môi trường với chi phí thấp và được hoàn phí khi trả túi. AEON Việt Nam có quầy thu ngân ưu tiên dành cho khách hàng từ chối sử dụng túi nilon; sử dụng sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường như ly cốc bằng giấy, khay và tô bằng bã mía… tại khu vực ẩm thực tự chọn. 100% siêu thị của AEON trên toàn quốc sử dụng túi nilon sinh học phân hủy.

Giám đốc bộ phận Consumer Insight của NielsenIQ Việt Nam, bà Đặng Thúy Hà, cho rằng trong xu hướng tiêu dùng xanh, người tiêu dùng ngày càng kỳ vọng nhiều hơn vào việc doanh nghiệp sẽ có sáng kiến cũng như hành động thiết thực cải thiện môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ muốn nắm bắt được cơ hội từ xu hướng tiêu dùng mới cần nhanh chóng hành động.

Các giải pháp ban đầu và đơn giản nhất là doanh nghiệp cần thay thế, giảm nhựa trong bao bì; tiếp đó, có thể tiến hành đầu tư sử dụng năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường. Trong giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp sản xuất có thể đầu tư, phát triển công nghệ thu thập dữ liệu về mức độ phát thải và sử dụng tài nguyên trong toàn bộ dây chuyền từ cung ứng đến sản xuất; từ đó, ứng dụng tự động hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI),... để cải thiện chuỗi cung ứng, giảm lãng phí nguyên liệu và năng lượng.

Dưới góc độ quản lý, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, cho biết, thời gian qua, TP. Hà Nội đã tập trung đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng… với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.

Hà Nội cũng đã triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai chương trình đã giúp khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn…

Có thể nói, để thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng với sự sẵn sàng của người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và sự cam kết chung tay của các doanh nghiệp, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo Tạp chí Thương trường

https://thuongtruong.com.vn/news/xanh-hon-se-tot-hon-117997.html