Xây dựng bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Sáng 28/11, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) tổ chức lễ công bố cấp phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. "Đây sẽ là bảo tàng đầu tiên về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam, nơi kể những câu chuyện về lịch sử khoa học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX thông qua những con người cụ thể".
- Văn Miếu – Quốc Tử Giám ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản
- Lập hồ sơ 2 di sản văn hóa tiêu biểu trình UNESCO
- Du xuân trong những cánh rừng Di sản
- VRDF 2020: Việt Nam cần có 'tư duy vượt lên trước' chứ không thể 'đi theo, đi sau'
- Người Việt đổ xô đi "săn" khẩu trang, nước rửa tay trên các sàn TMĐT
Bảo tàng sẽ được xây dựng trong khuôn viên Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam rộng hơn 30ha ở Cao Phong, Hòa Bình. Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam là nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật, bút tích, sách và nhiều tư liệu của gần 2.000 nhà khoa học Việt Nam từ thế kỷ 20.
Sau hơn 13 năm hoạt động, trung tâm lưu giữ và bảo quản hơn 800.000 tài liệu hiện vật, 400.000 phút ghi âm và 150.000 phút ghi hình về cuộc đời của nhà khoa học thuộc 45 chuyên ngành.
Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam công bố cấp phép hoạt động bảo tàng sáng 28/11.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn MEDDOM cho biết, sự kiện sẽ đánh dấu mốc quan trọng trên hành trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam, trong đó di sản của các nhà khoa học là khái niệm còn mới mẻ.
14 năm qua kể từ ngày thành lập, đến nay MEDDOM đã sưu tầm và lưu trữ được hơn 800.000 tài liệu, hiện vật, hàng trăm ngàn phút ghi âm, ghi hình tư liệu của 2000 nhà khoa học ở mọi lĩnh vực. Tất cả đã và đang được trân trọng lưu giữ và bảo quản theo quy chuẩn, được tổ chức thành những triển lãm, trưng bày rất có sức lan tỏa giá trị lớn trong xã hội.
Nội dung bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học ở Việt Nam sẽ phản ánh lịch sử nền khoa học, lịch sử các ngành khoa học trong nước theo diễn trình lịch sử từ những năm đầu thế kỷ XX trở đi. Bảo tàng sẽ giúp công chúng hiểu được trong tiến trình lịch sử khoa học khoảng 100 năm qua, đã hình thành nên những thế hệ các nhà khoa học Việt Nam với những đóng góp của họ cho khoa học và cho cuộc sống như thế nào.
Một góc hiện vật của PGS.TS Lê Văn Truyền.
Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam tương lai không chỉ là nơi tham quan để hiểu về lịch sử khoa học, về các nhà khoa học, mà còn là nơi để tìm hiểu những giá trị, phẩm chất của các nhà khoa học, từ đó tạo niềm cảm hứng trong cuộc sống cho mỗi khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ.
Đây cũng là nơi học tập và khám phá, bởi các tư liệu trưng bày cũng là sử liệu giúp cho những người quan tâm hiểu rõ hơn về lịch sử ngành, hoặc về các vấn đề khoa học. Đồng thời là nơi khơi dậy tinh thần khoa học cùng niềm tự tôn khoa học của Việt Nam.
Như Ý (T/h)