Xuất hiện nhiều đối tượng mạo danh sàn thương mại điện tử để lừa đảo tuyển dụng
Thời gian gần đây, nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Amazon, Tiki, Lazada... đã lên tiếng vì bị kẻ xấu mạo danh nhằm lừa đảo tuyển dụng. Với phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi, khó kiểm soát, số nạn nhân cũng như số tiền bị chiếm đoạt tăng mạnh.
Những tin nhắn mạo danh, lừa đảo.
Gần đây, các sàn TMĐT liên tục phát đi thông tin cảnh báo về hiện tượng mạo danh, lừa đảo tuyển dụng. Amazon, Tiki, Lazada... đã lên tiếng vì bị mạo danh nhằm lừa đảo tuyển dụng, rất nhiều nạn nhân đã bị lừa với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo thông tin mà sàn TMĐT Tiki mới đưa ra, thời gian qua họ tiếp tục nhận được phản ánh của khách hàng về hiện tượng lừa đảo tuyển dụng liên quan đến người mạo nhận là nhân viên Tiki. Các đối tượng này liên hệ với ứng viên thông qua số điện thoại, email, thậm chí qua những trang fanpage mạo danh Tiki để mời tham gia làm cộng tác viên đặt đơn hàng nâng cao khối lượng giao dịch, làm việc online trên điện thoại, đầu tư hợp tác..., và yêu cầu người tham gia phải đóng một mức phí.
Ngoài ra, Tiki còn phát hiện nhiều trang sử dụng hình ảnh và mạo danh Tiki, như Tiki Agency I, II, III, IV; Tiki VIP 2022, Tiki Asia... Tiki khẳng định, đó là hình thức mạo danh sàn TMĐT uy tín để lừa đảo.
Trước đó, sàn TMĐT Amazon cũng đưa ra khuyến cáo khi nhận được các báo cáo lợi dụng tên tuổi Amazon hoặc mạo nhận là nhà tuyển dụng của Amazon để liên hệ với ứng viên.
Theo Amazon, đây là hành vi lừa đảo và những người này không có mối liên hệ nào với Amazon hoặc nhà tuyển dụng của Amazon. Amazon khẳng định, các nhà tuyển dụng của Amazon khi liên hệ với ứng viên - dù là qua tin nhắn, cuộc gọi hay email - sẽ không bao giờ yêu cầu đóng phí đăng ký, yêu cầu mua hàng hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng của ứng viên.
Đồng thời, Amazon đưa ra lời khuyên: Người dân không nên hợp tác hay đáp ứng yêu cầu đóng phí, yêu cầu cung cấp thông tin ngân hàng, yêu cầu mua hàng... theo kiểu nói trên.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng, những hành vi nói trên có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 174, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Đặng Văn Cường lưu ý: “Hoạt động lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phát triển. Do đó, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho công dân. Cần trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công dân để sớm ngăn chặn, đẩy lùi các hình thức kinh doanh không minh bạch này”.
PV (T/h)