Xúc tiến thương mại trực tuyến giữa các doanh nghiệp Liên bang Nga và Việt Nam
Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga phối hợp cùng Hội doanh nhân Quốc tế Việt Âu (trực thuộc Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam) và Hội tự động hoá Việt Nam tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy các hoạt động kết nối giao thương, tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa các doanh nghiệp LB Nga và Việt Nam. Chương trình diễn ra trực tuyến trên nền tảng Zoom từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 7 năm 2021.
Toàn cảnh Hội thảo xúc tiến thương mai trực tuyến các doanh nghiệp Nga và Việt Nam.
Tham gia buổi khai mạc hội thảo có sự tham dự của ông Meshkov Alexey Valerievich- Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh của Bộ Công Thương Liên bang Nga; Giáo sư Maslov Alexey Aleksandrovich – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Trường Nghiên cứu Phương Đông của Trường Nghiên cứu Quốc gia “Trường Kinh tế cao cấp”; Cơ quan Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam- ông Pecherin Andrei, Trưởng phòng kinh tế; Lãnh đạo Trung tâm Xuất khẩu Matxcova “MEC”-Vitaly Stepanov; Trưởng đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại nước CHXHCN Việt Nam Kurilo Robert Sergeevich. Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam – bà Nguyễn Thị Thanh- Chủ tịch Hội doanh nhân Quốc tế Việt Âu (trực thuộc Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam); TS. Dương Nguyên Bình- Phó Chủ tịch thường trực Hội tự động hóa Việt Nam. Bên cạnh đó là sự tham gia của các doanh nghiệp của LB Nga và Việt Nam.
Phần giới thiệu sản phẩm y tế của Công ty TNHH, nghiên cứu và sản xuất «Melitta»- Nga.
Hội thảo nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Nga và Việt Nam, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu giữa 2 thị trường. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận, nắm bắt thị hiếu và xu hướng tiêu dùng, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư trong sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm – đồ uống, y tế, công nghệ thông tin, công nghiệp thực phẩm, xây dựng,….
Trưởng đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Việt Nam, ông Kurilo Robert Sergeevich cho biết: Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng trong các nước khu vực Đông Nam Á. Việt Nam và LB Nga là đối tác chiến lược tác toàn diện của nhau, kết quả thương mại năm 2020 đạt 5,63 tỷ đô la Mỹ cao hơn năm 2019 1,61 tỷ đô, theo số liệu đầu năm 2021 hai nước duy trì, phát triển hàng hoá thực phẩm tăng 16,5%. Một số mặt hàng tiềm năng cho thị trường Việt Nam có thể kể đến: dược phẩm, thiết bị y tế, các sản phẩm chế biến từ sữa, ngũ cốc…. Sự hợp tác hai bên có rất nhiều triển vọng trong thời gian tới. Hai bên có thể thành lập các cơ sở sản xuất những mặt hàng thế mạnh của mình tại quốc gia đối tác.
Giới thiệu sản phẩm thiết bị y tế của công ty Bior- Nga.
Phát biểu trong hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Hội doanh nhân Quốc tế Việt Âu cho biết: Với sự mệnh kết nối quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giao thương với các nước, chúng tôi mong muốn được hợp tác song phương cùng cộng hoà LB Nga. Đặc biệt trong vấn đề kinh tế toàn cầu, thúc đẩy xuất nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như tại Nga. Trong 6 tháng đầu năm 2021, chúng tôi đã triển khai một số cuộc trao đổi đạt kế quả tốt. Ví dụ như cuộc trao đổi với 33 doanh nghiệp của Nga. Hi vọng chúng tôi sẽ tiếp tục tạo những mối quan hệ tốt đối với các doanh nghiệp Nga lần này và có nhiều chương trình hợp tác trong thời gian tới. Chúng tôi đang trưng bày các sản phẩm mẫu tại showroom sản phẩm quốc tế nhằm giới thiệu sản phẩm tới khách hàng trong nước cũng như nước ngoài. Chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp Nga sẽ cùng giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại đây. Chúng tôi có bộ phận xúc tiến, tìm kiếm thì trường tại các chuỗi siêu thị trong nước. Hội Việt Âu hoan nghênh các doanh nghiệp Nga có nguyện vọng tìm kiếm đối tác để hợp tác chuyển giao công nghệ, đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thay mặt Hội tự động hoá Việt Nam TS. Dương Nguyên Bình- phó Chủ tịch thường trực chia sẻ: Hội tự động hoá Việt Nam là 1 tổ chức xã hội nghề nghiệp, kết nối các nhà khoa học và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tự động hoá, công nghệ cao, trí tuệ thông minh. Trong xu hướng phát triển cuả cuộc cách mạng lần thứ 4, tự động hoá có mặt tại tất cả các lĩnh vực. Hội TĐH có mối quan hệ chặt chẽ cùng với các hội, hiệp hội nghề nghiệp khác trong nước và quốc tế như hội tin học, hội chuyển đổi số, cơ khí… và chúng tôi cũng có mối quan hệ mật thiết với nhiều trường đại học lớn ở Việt Nam, những nơi đào tạo trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, tự động hoá, công nghệ cao,…
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã định hướng và chỉ đạo trong việc phát triển tự động hoá, hiện đại hoá và lấy công nghệ thông tin, chuyển đổi số làm trọng tâm. Mục tiêu phát triển thị trường công nghệ thông tin từ năm 2021 đến 2025: Việt Nam chú trọng đầu tư phát triển ngành công nghiệp phần cứng điện tử viễn thông, phần mềm ứng dụng, dịch vụ số, an ninh an toàn thông tin, giải pháp công nghệ và dịch vụ Made in Viet Nam. Đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao: Robot, AI, công nghệ dữ liệu lớn (Big data),…
Hội tự động hoá Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với hội, hiệp hội, các tổ chức nghề nghiệp, các doanh nghiệp của Liên bang Nga trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ cũng như sản xuất, phát triển thị trường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không phân biệt phạm vi ngành nghề. Trước mắt chúng ta nên duy trì tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, giao lưu B2B để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp 2 nước tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm, tạo cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Trong khuôn khổ buổi khai mạc, một số doanh nghiệp Nga đã giới thiệu sản phẩm của mình. Các sản phẩm thuộc khối ngành y tế như Công ty TNHH MEDPLANT, Symbionics, DN nghiên cứu và sản xuất Melitta,…. các giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, máy móc và thiết bị,…. Trong kế hoạch chương trình sẽ diễn ra các đối thoại trực tuyến B2B để các doanh nghiệp Việt Nam – LB Nga trực tiếp giới thiệu, trao đổi với nhau về nhu cầu của mỗi bên và các vấn đề hợp tác. Phần giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp diễn ra theo từng nhóm ngành hàng. Các cuộc gặp sẽ được tổ chức trên nền tảng Zoom theo lịch được thống nhất từ trước. Mỗi cuộc họp có sự tham gia của một người điều hành kỹ thuật và một phiên dịch viên dịch song song. Thời lượng một cuộc gặp tối đa là 30 phút.
Xúc tiến thương mại trực tuyến của các doanh nghiệp Nga và Việt Nam phù hợp với tình hình dịch bệnh, phát huy thế mạnh của công nghệ trong công tác ngoại giao kinh tế và mở ra những cơ hội mới về hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
Theo vnautomate.net