Yêu cầu tăng cường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng

13:27, 07/06/2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 6/6/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là hoạt động livestream bán hàng.

Nội dung công điện nêu, những năm qua, thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đã phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán điện tử. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác quản lý thu thuế… Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử.

Khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/20222/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022) trước ngày 15 tháng 6 năm 2024 nhằm tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm về lưu trữ và cung cấp thông tin đối với các chủ thể hoạt động thương mại điện tử; tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt Kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không kê khai, nộp thuế theo quy định.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua thương mại điện tử; kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử.

Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các địa phương tổ chức, triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thế; tối ưu hóa quy trình thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử; đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả thực hiện nghĩa vụ thuế, tăng cường triển khai các giải pháp thu thuế, chống thất thu thuế, xử lý nghiêm các vi phạm về thuế, hải quan trong hoạt động thương mại điện tử.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo quy định.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với thương mại điện tử, áp dụng các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; từng bước kiểm soát chặt chẽ hóa đơn đầu vào đảm bảo việc kê khai, nộp thuế đúng quy định pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từ khâu sản xuất đến lưu thông, từ khâu nhập khẩu đến bán hàng; tăng cường trao đổi, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, cơ quan liên quan.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng các giải pháp công nghệ nhằm tăng cường giám sát, quản lý các giao dịch trên môi trường trực tuyến, chống các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc cung cấp thông tin, quản lý người dùng mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử.

Cùng với đó phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý thuế đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ nội dung số xuyên biên giới và để có thể thực hiện tạm dừng, thu hồi giấy phép hoạt động trên môi trường mạng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật thuế.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

https://sohuutritue.net.vn/yeu-cau-tang-cuong-tang-cuong-cong-tac-thanh-tra-kiem-tra-doi-voi-hoat-dong-livestream-ban-hang-d221982.html