Yêu cầu thay đổi kỹ năng của người lao động trong thời đại AI

06:36, 02/05/2024

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các công ty đang thay đổi cách người lao động triển khai và sắp xếp công việc của mình. Điều này đòi hỏi các kĩ năng mới, bao gồm các kĩ năng về AI, có kiến thức và năng lực để chủ động phát triển cũng như duy trì các mô hình AI.

Với tốc độ phát triển của AI như hiện nay, những công việc cũ có thể giảm nhưng đồng thời hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho các cá nhân và công ty trên toàn thế giới. Nhờ tính năng giúp tự động hóa những công việc thủ công, thu thập, tổng hợp dữ liệu… của AI, người lao động có thêm thời gian cho hoạt động sáng tạo. Dựa trên các dữ liệu mà máy móc đã tổng hợp, các ngành nghề đòi hỏi tư duy sâu, phân tích dữ liệu xuất hiện và mở ra cơ hội cho thêm nhiều người.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết một nghiên cứu gần đây của IMF cho thấy trí tuệ nhân tạo có thể ảnh hưởng tới 40% việc làm trên toàn thế giới và 60% ở các nền kinh tế tiên tiến. Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp có nguy cơ cao nhất rơi vào tay AI, nhưng theo thời gian, AI sẽ dần dần có tác động tích cực, với sự phát triển dự kiến tạo ra khoảng 69 triệu việc làm vào năm 2027.

Trước những chuyển biến nhanh chóng của thị trường, WEF nhận thấy doanh nghiệp đang tăng cường đào tạo nhân viên nhằm nâng cao tay nghề để theo kịp nhu cầu của thời đại và khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực quan trọng. AI cũng có thể là cú hích tạo ra các ngành công nghiệp mới, kích thích tăng trưởng của các nền kinh tế.

Ngoài ra, các công cụ AI cũng là động lực để chính người lao động tự nâng cao kỹ năng và đào tạo lại chuyên môn của bản thân. Khi công nghệ này trở nên phố biến, người lao động cũng phải tìm cách thích ứng để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường việc làm. Song song với việc nắm bắt các công nghệ mới sẽ là đầu tư vào các chương trình giáo dục, bởi điều này sẽ tạo ra một thị trường việc làm năng suất, hiệu quả và công bằng hơn, mang lại lợi ích không chỉ cho mỗi cá nhân mà còn toàn xã hội.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn

(https://doanhnghiepthuonghieu.vn/yeu-cau-thay-doi-ky-nang-cua-nguoi-lao-dong-trong-thoi-dai-ai-1615639377-p53968.html)