Zero Trust: Chìa khóa bảo mật mạng thế hệ mới

15:35, 07/10/2024

Trong thời đại số hóa mạnh mẽ, khi các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng trở nên tinh vi và khó lường, mô hình bảo mật Zero Trust nổi lên như một chiến lược phòng thủ vững chắc, giúp các tổ chức/doanh nghiệp đối phó với những cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng.

Ý nghĩa của việc triển khai Zero Trust

Zero Trust là một mô hình bảo mật tiên tiến, mặc định không tin tưởng bất kỳ ai hay thiết bị nào, dù họ ở đâu trong mạng. Mọi truy cập của người dùng đều phải được xác minh và cấp quyền liên tục.

Việc triển khai Zero Trust dựa trên hệ thống kiểm soát truy cập mạng (Network Access Control - NAC) và phân đoạn mạng của người dùng thành các khu vực theo mức độ cần được bảo vệ. Sau khi đã xác định được những nội dung nhạy cảm nhất, người dùng, tổ chức/doanh nghiệp cần đưa ra cách các truy cập có thể tìm đến các phần này của mạng, sau đó sẽ xây dựng một hệ thống Zero Trust phù hợp dành riêng cho mình.

Thách thức trong việc triển khai Zero Trust

Việc triển khai Zero Trust đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về những thách thức tiềm ẩn, bao gồm:

Hạ tầng phức tạp

Nhiều tổ chức/doanh nghiệp có hạ tầng đa dạng, bao gồm hệ thống máy chủ, proxy, cơ sở dữ liệu, ứng dụng nội bộ và giải pháp phần mềm dưới dạng dịch vụ (Software-as-a-Service - SaaS). Một số trong số đó có thể thực thi trên đám mây trong khi một số lại chạy tại chỗ. Điều này gây khó khăn trong việc bảo mật từng phân đoạn mạng, cũng như đáp ứng yêu cầu của từng môi trường.

Hơn nữa, nhiều tổ chức/doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc bảo mật một hệ thống phức tạp, kết hợp giữa các phần cứng, ứng dụng cũ và mới. Sự đa dạng và không đồng nhất này có thể gây ra nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Zero Trust một cách hiệu quả.

Chi phí và nguồn lực

Để triển khai Zero Trust đòi hỏi các tổ chức/doanh nghiệp đầu tư đáng kể vào công nghệ, nhân lực và thời gian. Việc phân đoạn mạng và phân quyền truy cập cần sự kiểm tra, hợp tác chặt chẽ và phân tích kỹ lưỡng. Đồng thời, cần xác định phương pháp xác minh tính hợp pháp của thiết bị và người dùng trước khi cấp quyền truy cập. Điều này thường đòi hỏi nguồn kinh phí đáng kể để thuê hoặc phân bổ nhân lực, đặc biệt cần xây dựng một hệ thống tích hợp tốt với môi trường của tổ chức/doanh nghiệp.

Các giải pháp phần mềm linh hoạt

Một yếu tố quan trọng khi xây dựng mạng Zero Trust là tính linh hoạt của phần mềm để chạy hệ thống. Các tổ chức/doanh nghiệp có thể phải kết hợp nhiều công cụ khác nhau như phân đoạn mạng, proxy nhận dạng và các công cụ khoanh vùng được xác định bằng phần mềm (Software-defined perimeter - SDP).

Nếu không có giải pháp phần mềm linh hoạt, các tổ chức/doanh nghiệp có thể phải mua các hệ thống dự phòng để bảo vệ tất cả các thành phần trong môi trường của mình. Giải pháp phần mềm linh hoạt sẽ giúp các tổ chức/doanh nghiệp đơn giản hóa việc thiết kế và triển khai mô hình Zero Trust, tối ưu hóa chi phí và hiệu quả.

5 bước để triển khai Zero Trust

Các hướng dẫn sau đây sẽ hỗ trợ các tổ chức/doanh nghiệp trong việc thiết kế và triển khai Zero Trust, đồng thời thiết lập chiến lược ngăn chặn và phòng ngừa mất dữ liệu (Data loss prevention - DLP) hiệu quả.

Bước 1: Xác định phạm vi tấn công

Trước khi triển khai Zero Trust, cần xác định rõ những khu vực tài sản kỹ thuật số quan trọng nhất cần được bảo vệ để tập trung nguồn lực, tránh triển khai dàn trải và đảm bảo hiệu quả bảo mật tối ưu.  

Bốn khu vực có nguy cơ bị tấn công: (1) Dữ liệu nhạy cảm: bao gồm thông tin cá nhân của khách hàng và nhân viên, cũng như các thông tin độc quyền, bí mật kinh doanh. (2) Ứng dụng quan trọng: là các ứng dụng đóng vai trò then chốt hỗ trợ hoạt kinh doanh quan trọng nhất của tổ chức/doanh nghiệp. (3) Tài sản vật chất: bao gồm các thiết bị đầu cuối, các thiết bị IoT và các thiết bị y tế. (4) Dịch vụ của công ty: hạ tầng công nghệ hỗ trợ các hoạt động hàng ngày của nhân viên và người điều hành, cũng như các yếu tố tạo điều kiện cho việc bán hàng và tương tác với khách hàng.

Bước 2: Triển khai các biện pháp kiểm soát lưu lượng mạng

Dòng chảy truy cập trong mạng của tổ chức/doanh nghiệp thường tập trung vào các tài nguyên quan trọng mà hệ thống cần, ví dụ như cơ sở dữ liệu khách hàng, sản phẩm hoặc dịch vụ. Do đó, yêu cầu truy cập không chỉ đơn giản là vào hệ thống, mà phải được định tuyến thông qua cơ sở dữ liệu chứa thông tin và kiến trúc nhạy cảm. Hiểu rõ điều này sẽ giúp tổ chức/doanh nghiệp quyết định nên triển khai biện pháp kiểm soát truy nào và ở đâu cho phù hợp.

Bước 3: Thiết kế một mạng Zero Trust

Một mạng Zero Trust không phải là giải pháp chung để sử dụng cho tất cả, mà được thiết kế riêng cho từng tổ chức, tập trung vào các tài sản cần bảo vệ. Trong hầu hết các trường hợp, kiến trúc của tổ chức/doanh nghiệp thường bắt đầu với tường lửa thế hệ mới (Next-generation firewall - NGFW) để phân đoạn mạng, sau đó tích hợp xác thực đa yếu tố (Multi-factor authentication - MFA) để đảm bảo kiểm tra người dùng chặt chẽ trước khi cấp quyền truy cập..

Bước 4: Tạo ra các quy tắc Zero Trust

Sau khi thiết kế mạng, bước tiếp theo là thiết lập các quy tắc Zero Trust. Phương pháp Kipling là công cụ đắc lực để thực hiện điều này, bằng cách đặt ra những câu hỏi chi tiết về ai, cái gì, khi nào, ở đâu, tại sao và như thế nào đối với mọi yêu cầu truy cập từ người dùng, thiết bị và mạng.

Bước 5: Giám sát mạng

Hoạt động giám sát mạng của tổ chức/doanh nghiệp không chỉ giúp cảnh báo sớm các nguy cơ tiềm ẩn mà còn cung cấp thông tin chi tiết có giá trị để tối ưu hóa hiệu suất mạng mà không ảnh hưởng đến bảo mật.

Các công cụ giám sát mạng hữu ích:

Báo cáo: các báo cáo định kỳ hoặc liên tục có thể được sử dụng để nhận diện hành vi bất thường. Tổ chức/doanh nghiệp cũng có thể phân tích chúng để đánh tác động của Zero Trust đến hiệu suất của nhân viên hoặc hệ thống, từ đó tìm ra cách cải thiện.

Phân tích: Dữ liệu hệ thống được phân tích để cung cấp thông tin chi tiết về mức độ hoạt động của hệ thống. Điều này đặc biệt hữu ích khi cần giám sát lưu lượng mạng, hiệu suất các thành phần mạng và kiểu hành vi của người dùng.

Nhật ký: Nhật ký hệ thống cung cấp bản ghi chi tiết về hoạt động, có thể được phân tích thủ công hoặc bằng các công cụ như thuật toán học máy để nhận diện mẫu và điểm bất thường.

Triển khai Zero Trust là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, công sức và tài chính. Tuy nhiên, những lợi ích mà nó mang lại là không thể phủ nhận. Bằng cách áp dụng mô hình này, các tổ chức/doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng bảo vệ dữ liệu, tài sản và danh tiếng của mình trước các mối đe dọa ngày càng tinh vi trong thế giới số.