Bộ TT&TT hỗ trợ An Giang xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung

Thiên Thanh 11:43, 30/06/2020

Ngày 26/6, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi làm việc và ký kết hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với UBND tỉnh An Giang về phát triển thông tin và truyền thông, trao đổi chuyên đề về chuyển đổi số.

TTXVN cho biết, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận những kết quả An Giang đã đạt được trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Bộ trưởng Nguyễn mạnh Hùng lưu ý, thời gian tới, để phát triển và bứt phá trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tỉnh An Giang cần đầu tư phát triển hạ tầng số, giải bài toán không gian mạng, hạ tầng ảo, chuyển đổi số. An Giang cần thay đổi nhận thức, tư duy, rút kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cũng như người dân; xây dựng nền tảng đô thị thông minh, nền tảng phát triển báo chí, truyền thông, phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, hiện đại gắn với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, An Giang muốn vươn lên, trở thành một tỉnh phát triển mạnh về kinh tế-xã hội ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước thì phải dựa vào công nghệ số và hạ tầng công nghệ số. Muốn vậy, tỉnh phải lập kế hoạch sử dụng hạ tầng công nghệ số theo từng năm để bố trí nguồn lực đầu tư và kêu gọi đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, thúc đẩy triển khai mạng 5G ở khu công nghiệp, khu nghiên cứu, trường đại học; tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân, nhất là đội ngũ cán bộ công chức về chuyển đổi số và chính quyền điện tử; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 từ cấp xã, cấp huyện; thí điểm xây dựng đô thị thông minh ở hai thành phố Long Xuyên và Châu Đốc để từng bước nâng cao chất lượng, dịch vụ phục vụ người dân; đẩy nhanh việc phát triển các doanh nghiệp số của địa phương…

Bộ trưởng cũng cho biết sẽ hỗ trợ An Giang xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung, đồng thời hỗ trợ tỉnh trong chiến lược chuyển đổi số, xây dựng không gian mạng. Tuy nhiên, An Giang cần dành nguồn ngân sách hợp lý cho phát triển công nghệ thông tin; chủ động đề xuất, kiến nghị, chia sẻ các ý kiến, đẩy mạnh tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm. Tỉnh An Giang cũng cần dành sự quan tâm đặc biệt cho báo chí truyền thông, chủ động đặt hàng các cơ quan báo chí truyền thông trước các vấn đề tỉnh tập trung phát triển; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào các trường học, khuyến khích học trực tuyến ở các bậc học từ tiểu học đến trung học phổ thông với tỷ lệ từ 10-20%, đại học tối thiểu là 20%. Tỉnh đẩy nhanh việc triển khai nền tảng bệnh viện điện tử trong chẩn đoán, khám, chuẩn đoán tư vấn bệnh từ người dân đến bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và các bệnh viện tuyến sau…

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh An Giang ký kết hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2020-2021.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh được triển khai nhanh, lãnh đạo tỉnh An Giang cần đi đầu sử dụng công nghệ thông tin trong điều hành công việc hàng ngày”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số. Thời gian tới, tỉnh sẽ huy động và phát huy sự tham gia có hiệu quả của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đối tượng chịu tác động của chính sách vào quá trình hoạch định và giám sát thực thi các chính sách có liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, An Giang luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin nói riêng hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Để An Giang triển khai mạnh, nhanh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ tỉnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung, kết nối các doanh nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, hợp tác đầu tư tại An Giang...

Dịp này, UBND tỉnh An Giang đã ký kết hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông về hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2020-2021, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông ở Trung ương và địa phương, hợp tác thúc đẩy phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông tại địa phương.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hướng dẫn tỉnh An Giang thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông bao gồm: Bưu chính, viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp ICT; thông tin, tuyên truyền. Đồng thời, Bộ phối hợp với tỉnh phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Văn hóa Óc eo”; hỗ trợ tỉnh phát triển mạng lưới bưu chính đến từng hộ gia đình, phát triển hạ tầng viễn thông; số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, kết nối, liên thông các hệ thống thông tin giữa Trung ương và địa phương; đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng; thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp ICT; quản lý báo chí, xuất bản, thông tin tuyên truyền.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ tỉnh trong xây dựng chính quyền số, khu công nghệ thông tin tập trung; đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về an toàn, an ninh mạng, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông.

Cùng ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã tổ chức trao đổi chuyên đề về chuyển đổi số bằng hình thức trực tuyến với 11 điểm cầu ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh An Giang.

Thiên Thanh (t/h)