Đà Nẵng điểm sáng CNTT ứng dụng hiệu quả phòng chống Covid-19

15:59, 09/09/2021

“Chống dịch thành công thì phải đồng thời tuân thủ chiến lược 5K + Vắc xin + Công nghệ” đã được Thủ tướng nhấn mạnh trong các phát biểu chỉ đạo gần đây. Ngoài tuân thủ 5K và đẩy nhanh tiến độ phủ tiêm Vắc xin thì yếu tố ứng dụng CNTT, công nghệ trong hỗ trợ phòng chống dịch bệnh đã được các Tỉnh thành tích cực đưa vào triển khai ứng dụng.

Đà Nẵng là một điển hình, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân thì việc ứng dụng CNTT phòng, chống dịch là yêu cầu cấp bách đối với cơ quan chức năng và người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng. Sở TT&TT Đà Nẵng đã phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tổ chức xây dựng, thiết lập các nền tảng công nghệ phòng chống dịch đến từng cơ quan, đơn vị và người dân mang lại hiệu quả rất tích cực.

Tổng đài tự động thông báo, truy vết

Sở TT&TT TP Đà Nẵng đã triển khai giải pháp Tổng đài tự động AI truy vết sớm dịch tễ F1, F2. Sau khi có danh sách địa điểm F0 đã đi qua, sử dụng dữ liệu khai báo y tế, checkin/out tại các điểm công cộng, chợ, siêu thị, cửa hàng… của thành phố để nắm danh sách các trường hợp F1, F2 liên quan. Sau đó, tổng đài thực hiện gọi điện thoại tự động để thông báo và nhắc nhở các trường hợp F1, F2 này liên hệ với cơ sở y tế phù hợp để được hỗ trợ. Sau khi gọi, hệ thống cho phép thống kê, theo dõi phản hồi của người được gọi (như xác nhận đã biết, gọi lại cơ sở y tế, không nhận cuộc gọi…).

Đà Nẵng triển khai giám sát cách ly F1 tại nhà bằng Vòng đeo tay thông minh.

Giám sát cách ly F1 tại nhà bằng Vòng đeo tay thông minh

Sở TT&TT Đà Nẵng đã đã triển khai áp dụng thí điểm giải pháp Vòng đeo tay thông minh G-Track do Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia triển khai. Người cách ly F1 sử dụng app Danang Smart City để khai báo y tế định kỳ.

Để việc thực hiện thêm hiệu quả, Sở TT&TT Đà Nẵng đã bổ sung thêm chức năng hỗ trợ quản lý các trường hợp F1. Cụ thể, các chức năng chính phục vụ người cách ly và cán bộ y tế cụ thể như sau:

- Kiểm tra việc khai báo y tế đúng tần suất và thời gian quy định (8h, 16h và 21h hàng ngày), trường hợp khai báo trễ thì có tin nhắn SMS nhắc nhở, trường hợp không thấy phản hồi và khai báo tiếp thì có thông tin để cán bộ y tế kiểm tra, hỗ trợ;

- Khi người cách ly khai báo các triệu chứng sức khỏe không bình thường (như sốt cao, ho nhiều…); có thông tin cảnh báo kịp thời để cán bộ y tế biết ngay và kiểm tra, hỗ trợ;

- Có thông thường xuyên về vị trí người cách ly (5 phút/lần qua tọa độ GPS của điện thoại cài app Danang Smart City); trường hợp người được cách ly đi khỏi nhà sẽ cung cấp thông tin ngay cho cán bộ quản lý;

- Kiểm tra đột xuất việc cách ly tại phòng riêng bằng cách gửi tin nhắn SMS, Zalo yêu cầu người được cách ly cung cấp ảnh khuôn mặt và tọa độ bằng điện thoại thông minh.

- Cho phép nhắn tin SMS tự động hoặc nội dung tùy chọn (do cán bộ quản lý thực hiện) để nhắc nhở, hướng dẫn người cách ly.

- Trên cơ sở thực tế nhu cầu từ thí điểm cách ly F1; bổ sung phân hệ cập nhật tình trạng theo dõi các đối tượng F1 theo ngày

Hệ thống bản đồ số thông tin dịch tễ CovidMaps

Hiện nay, TP Đà Nẵng đang triển khai giải pháp bản đồ số thông tin dịch tễ CovidMaps tại địa chỉ https://covidmaps.danang.gov.vn/, với  01 nền tảng thống nhất với nhiều phân hệ thông tin trên bản đồ số, gồm các phân hệ sau:

- Các vùng cách ly y tế, sơ đồ dịch tễ;

- Các địa điểm tđiểm bán hàng thiết yếu;

-  Các cùng nguy cơ theo Tổ dân phố/khu vực (đỏ, vàng, xanh).

Bản đồ số thông tin dịch tễ CovidMaps tại Đà Nẵng.

Thẻ QRCode đi chợ/Siêu thị (để giãn cách và truy vết)

Từ ngày 17/5/2021, toàn thành phố áp dụng thẻ QRCode đi chợ/Siêu thị. Theo đó, thẻ chỉ dùng cho một số ngày định sẵn; mỗi hộ dân được đi chợ/Siêu thị một ngày nhất đị, khi đi chợ/Siêu thị thì được quét QRCode sẽ không còn hiệu lực đi lần 2 hoặc chợ khác. Khi có F1, F0 đến chợ thì từ dữ liệu sẽ lọc ra người đến cùng thời điểm để có danh sách, truy vết, xét nghiệm hoặc cách ly.

Giấy đi đường QRCode

Từ ngày 05/9, 100% doanh nghiệp và người dân đăng ký, nhận Giấy đi đường QRCode trực tuyến.

Các ứng dụng tích hợp từ 01 hệ thống lõi thống nhất, sử dụng 01 nguồn QRCode và 01 app kiểm soát (Vé điện tử Đà Nẵng – eTicket Đà Nẵng) để thuận tiện cho các cơ quan chức năng sử dụng; thường xuyên được nâng cấp, bổ sung các tính năng, biểu mẫu phù hợp với nhu cầu hiện tại của thành phố.

Ứng dụng đăng ký mua hàng thiết yếu

Đối với khu vực phong toả, để kết nối nhu cầu của người dân cần mua hàng Tổ dân phố sẽ tổng hợp và kết nối các đơn vị cung ứng, vận chuyển thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Người dân Đà Nẵng đi chợ/Siêu thị bằng thẻ QR Code.

Hệ thống quản lý khai báo y tế

Hệ thống đã đáp ứng hầu hết yêu cầu theo Quyết định số 2666/QĐ-BYT ngày 29/5/2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, TP Đà Nẵng đã chủ động bổ sung thêm các chức năng nâng cao theo yêu cầu thực tế về triển khai các biện pháp chủ động trong phòng chống dịch trên địa bàn, cụ thể như sau:

- Tích hợp cả khai báo và mã QR từ nền tảng https://tokhaiyte.vn do Bộ Y tế triển khai toàn quốc (kênh chính về khai báo y tế);

-  Tích hợp nhiều loại thiết bị đầu cuối quét QRCode: Ngoài điện thoại di động, máy tính bảng; thêm thiết bị BarCode, camera để tránh không tiếp xúc, kiểm soát nhanh. Hiện Sở TT&TT đã triển khai thêm chức năng: Camera kiểm soát qua khuôn mặt, quét QRCode “gộp” qua lái xe đối với xe chở khách, đang lấy ý kiến Công an thành phố để triển khai thực tế, nhằm kiểm soát nhanh, tránh ùn ứ người tại Chốt.

- Tích hợp phân hệ khai báo, quản lý, kiểm soát phương tiện+người đi cùng vào ra/thành phố.

- Dữ liệu đưa về Trung tâm dữ liệu thành phố để phân tích, hỗ trợ phòng chống dịch chủ động, bao gồm:

+ Thông báo, thông tin cảnh báo (trên màn hình tại Chốt kiểm tra) các người có nguy cơ (về từ vùng dịch, ho, sốt, tiếp xúc với người nghi nhiễm) để cán bộ kiểm soát vào ra tại Chốt biết, thực hiện các nghiệp vụ phòng chống dịch kịp thời (yêu cầu quay đầu, không cho vào thành phố; cách ly tại khu cách ly, cách ly tại nhà,...). Thực tế, trong thời gian qua các Chốt dựa vào thông tin cảnh báo, đã cách ly tập trung hoặc quay đầu rất nhiều trường hợp.

+ Hàng ngày, phân tích dữ liệu ra danh sách các người có nguy cơ để đưa về địa phương kiểm tra, thực hiện các nghiệp vụ phòng chống dịch kịp thời (cách ly tại khu cách ly, cách ly tại nhà, ưu tiên xét nghiệm, theo dõi tại cộng đồng), Tổ Covid cộng đồng theo dõi; đồng thời nhắn tin SMS để cảnh báo, hướng dẫn liên hệ, khai báo với cơ quan y tế. Thực tế, UBND quận huyện dựa vào dữ liệu này đã thực hiện cách ly nhiều trường hợp (thời gian trước khi thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND, hầu như ngày nào cũng có trường hợp).

+ Khi phát hiện có F0, truy xuất dữ liệu có danh sách người đến cùng địa điểm, thời điểm với F0 để thực hiện truy vết; đặc biệt qua tổng đài gọi điện tự động. Thực tế dựa vào số liệu này, CDC Đà Nẵng và Trung tâm y tế quận, huyện triển khai truy vết F1 qua Tổng đài tự động.

+ Ứng dụng tích hợp chung chức năng quét QRCode phương tiện “luồng xanh” của Bộ Giao thông Vận tải; quét Thẻ QRCode đi chợ, siêu thị;

+ Cho phép thay đổi hiệu lực QRCode (1 ngày, 2 ngày,…) theo yêu cầu thực tế phòng chống dịch của Thành phố,…

Ứng dụng quản lý, đăng ký, xác nhận phương tiện vận tải vào thành phố

Bao gồm:

-  Chức năng đăng ký, khai báo trực tuyến (tích hợp trên Hệ thống khai báo y tế và Zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng”;

-  Chức năng thống kê, theo dõi số liệu;

-  Chức năng phê duyệt/xác nhận, phản hồi tin nhắn SMS và cấp QRCode cho người đăng ký;

-  Chức năng thông báo kiểm soát tại chốt ra và thành phố qua quét QRCode (đã tích hợp chung với ứng dụng quét QRCode khai báo y tế lâu nay các Chốt đã và đang sử dụng).

Các ứng dụng dùng của TW

- Hệ thống phần mềm kết nối tư vấn chữa bệnh giữa các bác sĩ và bệnh nhân trực tuyến VOV Bacsi24, Telehealth, Doctor4U.

- Nền tảng xét nghiệm.

- Nền tảng tiêm chủng.

Để phát huy hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong phòng, chống COVID-19, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, các địa phương, người dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chung sức phòng chống dịch, chủ động cài đặt, sử dụng các phần mềm hỗ trợ đã được hướng dẫn để tạo sức mạnh tổng hợp thành ba mũi tấn công (công nghệ thông tin, xét nghiệm chủ động và tiêm vắc-xin) nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19. 

PV