Hành trình đưa con người lên Sao Hỏa đã dần hoàn thiện

08:19, 05/04/2021

Hành trình khám phá Mặt Trăng sẽ được tăng tốc trong năm nay. Khai thác tài nguyên không gian sẽ là một trong những bước quan trọng nhất để giúp con người đặt chân tới 1 hành tinh khác

Các công ty khai phá không gian từ SpaceX đến Blue Origin đều đang có những dự án hợp tác với NASA.. Những công ty này đều có tầm nhìn riêng về nguồn tài nguyên giá trị lớn trong không gian. Mặt Trăng có tới hàng trăm triệu tấn nước băng cở các cực. Một số nhà nghiên cứu địa chất cho biết, nguồn nước trên không gian sẽ trị giá 206 tỷ USD trong vòng 30 năm tới. Nước được xem như dầu của không gian. Điều này sẽ khiến các công ty đưa tên lửa tiến sâu hơn vào vũ trụ và cuối cùng là Sao Hỏa. 

Vậy NASA và các đối tác thực hiện kế hoạch này như thế nào? Đầu tiên, để lên được không gian sẽ mất rất nhiều nhiên liệu. Tuy nhiên, bản thân nhiên liệu không hề đắt. Điều khiến chi phí tăng cao là do trọng lượng nguyên liệu vô cùng lớn bởi chúng phải đủ nặng để phá vỡ lực hấp dẫn của Trái Đất để tiến vào không gian. Giáo sư nghiên cứu tài nguyên vũ trụ George Sower cho biết: “Di chuyển trọng lượng cực lớn từ Trái Đất vào không gian thực sự rất khó khăn. Quá trình này yêu cầu một tên lửa lớn và rất tốn kém”. Vì vậy, để giảm trọng lượng phóng từ Trái Đất việc xây dựng tạm tiếp nhiên liệu trong không gian là rất cần thiết. Theo dự đoán của ông Sower, trạm tiếp nhiên liệu trong không gian sẽ giúp giảm chi phí cho mỗi lần phóng ít nhất từ 10 đến 20%. 

Giáo sư nghiên cứu tài nguyên vũ trụ George Sower.

Ngoài ra, nếu có thể tiếp nhiên liệu trong không gian ít nhất một lần, tên lửa sẽ bay xa hơn cũng như có vận tốc lớn hơn. Ý tưởng này đóng vai trò rất quan trọng trong thiết kế tàu vũ trụ Starship của SpaceX. Vì những kinh nghiệm vốn có của SpaceX, NASA đã chọn giúp đỡ họ trong việc xây dựng trạm tiếp nhiên liệu trên quỹ đạo. Tuy nhiên, để quá trình tiếp nhiên liệu trên quỹ đạo được duy trì bền vững, NASA cũng đang tìm kiếm những giải pháp thay thế khác. 


Nhà sáng lập Blue Origin ông Jeff Bezos và tàu đổ bộ Mặt Trăng mang tên Blue Moon.

Nhà sáng lập Blue Origin ông Jeff Bezos khẳng định rằng: “Chúng ta phải sử dụng đến cả các tài nguyên trong không gian. Trong đó có nguồn tài nguyên nước trên Mặt Trăng, chúng có dạng băng. ” Công ty Blue Origin của Jeff Bezos đã được tài trợ gần 580 triệu USD từ NASA để thiết kế và phát triển tàu đổ bộ Mặt Trăng mang tên Blue Moon. Con tàu này sẽ mang cả phi hành gia và hàng hóa lên Mặt Trăng. Blue Moon sẽ chạy bằng Hydro lỏng, nhiên liệu tên lửa phổ biến nhất hiện nay. Bằng cách chạy các dòng điện qua nước chúng sẽ bị tách thành Hydro và Oxy. Khi 2 khí này tiếp xúc và bốc cháy sẽ phát nổ, tạo ra năng lượng để trở thành chất đẩy. Để khai thác nước trên Mặt Trăng, NASA đã lập một kế hoạch 5 năm cùng các đối tác thương mại quốc tế khác. 

NASA hợp tác cùng các đối tác thương mại quốc tế khác.

Bắt đầu từ 2021, 2 tàu đổ bộ thương mại sẽ đến Mặt Trăng, vận chuyển quang phổ kế để thiết lập bản đồ vị trí nguồn nước trong miệng núi lửa và tiến hàn đo nồng độ. Đến năm 2024, NASA dự kiến sẽ xây dựng trạm vũ trụ Lunar Gateway (Cổng Mặt Trăng). Đây là trạm phục vụ cả tàu đổ bộ trên đường tới Mặt Trăng hay tàu vũ trụ hướng tới Sao Hỏa và xa hơn nữa. Nếu mọi chuyện đúng như kế hoạch, năm 2025, NASA có thể ký hợp đồng với các công ty người máy để bắt đầu khai thác. 3 năm sau đó, cơ quan này sẽ bắt đầu khai thác nước trên Mặt Trăng.

Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều nghiên cứu tạo thuốc phóng trong không gian khác. Tàu thăm dò Perseverance của NASA hạ cánh xuống Sao Hỏa hồi tháng 2 vừa qua đang tiến hành thử nghiệm hệ thống chiết xuất Oxy từ bầu khí quyển giàu Carbon Dioxide (CO2), từ đó sẽ chế tạo thuốc phóng. Theo nghiên cứu gần đây của Đại học Purdue, băng xuất hiện rất nhiều bên dưới bề mặt khu vực Arcadia Planitia của Sao Hỏa. Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng nhiệm vụ đưa con người lên Sao Hỏa vẫn cần thêm một thập kỷ nữa. Hiện tại, nghiên cứu khai thác tài nguyên không gian sẽ là một trong những bước quan trọng nhất để giúp con người đặt chân tới một hành tinh khác.  

 Hoàng Hoài (Theo Wall Street Journal) 

TIN LIÊN QUAN