JVE đề xuất tài trợ miễn phí xây dựng hầm chống ngập kết hợp cao tốc dưới lòng sông Tô Lịch

20:56, 19/02/2021

Sáng ngày 19/2, Chủ tịch JVE Group đã chia sẻ về Đề xuất tài trợ miễn phí lập Quy hoạch xây dựng “Hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô dọc Công viên Tô Lịch”.

Trước đấy, ngày 15/9/2020, JVE Group đã có văn bản số 569/2020/CV-JVE về việc báo cáo đề xuất "Giải pháp tổng thể" cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch bằng đề án "Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch".

Được biết, ngày 5/10/2020, Văn phòng Thành ủy đã có Công văn báo cáo Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn của Thành phố nghiên cứu kỹ Đề án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE; đồng thời phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, ưu - nhược điểm, tính khả thi của Đề án, đề xuất các giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn; tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến người dân (nếu có); dự trù kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện Đề án để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo trình Thường trực Thành ủy xem xét, cho ý kiến theo Quy chế làm việc.

Ông Nguyễn Tuấn Anh-Chủ tịch JVE Group

Sau khi mạnh dạn đề xuất tài trợ miễn phí và đã xử lý thành công mùi nước rỉ rác tại bãi rác Nam Sơn (giảm mùi gần 100%), và bây giờ là đề xuất tài trợ miễn phí lập Quy hoạch Công viên Tô Lịch, trao đổi với PV Công nghệ & Đời sống, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE Group cho biết: "Dự án tài trợ miễn phí xử lý mùi bãi rác Nam Sơn thành công là nhờ vào sự chỉ đạo hết sức quyết liệt và tâm huyết vì người dân Thủ đô của GS.TS.Vương Đình Huệ-Bí thư Thành ủy Hà Nội, sự chỉ đạo của UBND Thành phố, sự phối hợp tạo điều kiện của các Sở, Ban, Ngành, đơn vị liên quan và công nghệ Nano Nhật Bản mà JVE Group đã đề xuất và thực hiện.

Liên quan đến Dự án Công viên Tô Lịch, để tiếp tục hoàn thiện Đề án, ngày 16/02/2021 vừa qua, JVE Group đã gửi văn bản số 689/2021/CV-JVE báo cáo đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc Đề xuất tài trợ miễn phí lập Quy hoạch xây dựng “Hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc Công viên Tô Lịch” và tài trợ miễn phí lập Quy hoạch “Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản. Đặc biệt, do sử dụng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản nên Dự án này không phải dự án BOT, vì vậy JVE Group đề xuất không tổ chức thu phí cao tốc ngầm mà người dân sẽ được sử dụng miễn phí khi đi qua cao tốc ngầm nội đô đặc biệt này".

"Ngoài những nỗi bức xúc dân sinh khác, chúng ta có thể thấy có 3 nỗi bức xúc dân sinh, còn được gọi bằng từ nghiêm trọng hơn là 3 “vấn nạn” ảnh hưởng đến hầu hết người dân đô thị bất kể quan chức hay dân thường, người giàu hay người nghèo. Đó chính là ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hàng ngày và úng ngập khi mưa bão.

Để giải quyết các vấn đề này, các cơ quan ban ngành của Thành phố cũng đã vào cuộc hết sức quyết liệt, thậm chí chúng ta còn thấy vào ngày 12/01/2017, UBND TP. Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội đã phát động cuộc thi tuyển “Ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” cho thấy Thành phố chủ trương ủng hộ các sáng kiến, đề xuất để giải quyết được các vấn nạn tồn tại nhiều năm qua mà chưa có lời giải" ông Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Nguyên nhân ngập úng hiện nay là do các con sông thoát nước chính cho khu vực nội thành Hà Nội thuộc lưu vực sông Tô Lịch cùng với sông Nhuệ, sông Hồng đều là các “dòng sông hở”. Đồng thời, do sự biến đổi khí hậu, mùa mưa lũ, các trận mưa bão với cường độ lớn, dồn dập, trong thời gian dài thì không chỉ mực nước của các sông thuộc lưu vực sông Tô Lịch dâng cao mà mực nước của cả các “dòng sông hở” khác như sông Nhuệ (vị trí hạ lưu sông Tô Lịch, sau đập Thanh Liệt nối với sông Nhuệ) và sông Hồng đều dâng ở mức cao dẫn đến lượng nước tại sông Tô Lịch không tiêu thoát được ra sông Nhuệ nên phải dẫn nước về trạm bơm Yên Sở rồi bơm cưỡng bức xả ra sông Hồng.

Mặc dù trong những ngày đó, trạm bơm thoát nước Yên Sở được vận hành hết công suất tiêu thoát nước nhưng vẫn còn một lượng nước lớn nằm trong hệ thống cống chưa tiêu thoát kịp, ùn ứ và tràn ngược lên trên qua các hố ga thoát nước dẫn tới hình thành các điểm ngập úng cục bộ tại các tuyến phố, khu dân cư nội đô thuộc lưu vực sông Tô Lịch.

Theo thông tin thống kê, tính đến năm 2020 vẫn còn tồn tại 12 điểm đen úng ngập trên địa bàn Thành phố. Do vậy, nếu chỉ phụ thuộc vào việc tiêu thoát nước của sông Tô Lịch như hiện tại là “dòng sông hở” thì khó có thể giải quyết được vấn đề úng ngập của lưu vực sông Tô Lịch (bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, một phần quận Tây Hồ, một phần huyện Thanh Trì với tổng diện tích lưu vực là 77,5km2).                                                                                                    

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch JVE Group, giải pháp xây dựng “dòng sông ngầm” để mực nước của dòng sông ngầm không bị ảnh hưởng bởi mực nước của các “dòng sông hở” như sông Tô Lịch, sông Nhuệ vv… sẽ giải quyết được vấn đề tiêu thoát nước để chống úng ngập khi xảy ra mưa bão.

Hình ảnh toàn tuyến hầm ngầm khổng lồ chống ngập dọc Công viên Tô Lịch

Dự án nếu được chấp thuận dự kiến sẽ xây dựng trong 5 năm, kết hợp với tổng thầu xây dựng lớn nhất Nhật Bản. Mục tiêu nhằm giảm hiện tượng úng ngập khi trời mưa và chống ùn tắc dọc tuyến đường sông Tô Lịch.

Theo thiết kế, hệ thống đường cao tốc ngầm 2 tầng hoạt động hai chiều riêng biệt kết nối vào ra tại hai đầu chính là cầu Nhật Tân và Linh Đàm, đoạn vành đai 3 trên cao, ở giữa sẽ có các điểm cho các phương tiện giao thông ra vào. Phía dưới là hệ thống chống ngập khổng lồ, đáp ứng được các trận mưa lớn với cường độ mưa lên tới 500mm, bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước và bể điều áp, không gây ngập úng khu vực hạ lưu và giảm áp lực tiêu thoát nước cho trạm bơm Yên Sở.

Mặt cắt ngang hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc Công viên Tô Lịch

Hai hệ thống trên được bố trí trong một đường hầm đường kính 16,8m chạy dài khoảng 11,65km dọc sông Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất từ Nhật Bản.

Dự kiến độ sâu trên 30m và không ảnh hưởng đến kết cấu công trình, dòng chảy hiện có. Công trình được vận hành bởi các chuyên gia, kỹ sư được đào tạo và chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản. Việc xây dựng công trình này còn góp phần đảm bảo an toàn cho các công trình hạ tầng ngầm hiện đại trong tương lai, cũng như hệ thống các tuyến tàu điện ngầm của thành phố.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch JVE Group: Việc xây dựng công trình này không chỉ giải quyết được vấn đề hiện tại về úng ngập nội đô mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn không bị ngập úng cho các công trình hạ tầng ngầm hiện đại trong tương lai như hệ thống các tuyến tàu điện ngầm của thành phố.

Mô hình "2 trong 1" này sẽ không chỉ giải quyết triệt để được hai "vấn nạn" úng ngập và tắc đường đã tồn tại nhiều năm qua cho khu vực nội đô Hà Nội mà còn là mô hình để giải quyết vấn nạn tương tự ở các đô thị lớn khác, góp phần vào sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của Đất nước ta, nhằm "Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng" như mục tiêu đã nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua.

Khác với hầm ngầm chống ngập khổng lồ tại Tokyo, Nhật Bản chỉ vận hành vào mùa mưa và không kết hợp với cao tốc ngầm (do thủ đô Tokyo đã có hệ thống đường cao tốc ngầm nội đô hoàn thiện)  hay Dự án tại Kuala Lumpur, Malaysia thì tùy vào cường độ của trận mưa bão mà một phần hay toàn bộ hầm ngầm cao tốc sẽ không sử dụng được mà chuyển sang trạng thái chỉ phục vụ chống ngập thì hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp đường cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô tại Hà Nội được vận hành khai thác trong suốt 365 ngày/năm nên hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án đầu tư rất cao trong điều kiện nước ta còn khó khăn như hiện nay.

Bảng so sánh giữa 3 công trình tại Tokyo, Kuala Lumpur, Hà Nội

Đây là đề án có nhiều ý nghĩa cho sự phát triển của Hà Nội và góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản”.

Sau khi có sự chấp thuận về chủ trương của các cấp lãnh đạo Thành phố, JVE Group sẽ xúc tiến các thủ tục liên quan để triển khai Dự án tài trợ miễn phí lập Quy hoạch này theo đúng quy định của pháp luật. Việc triển khai thành công Đề án sẽ giúp hồi sinh và khẳng định vị thế của dòng sông đã gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến cũng như góp phần giải quyết triệt để được 3 vấn đề bức xúc dân sinh lớn nhất hiện nay là ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô và úng ngập khi mưa bão./.

Nguyệt Hằng