Lại đề xuất lùi thời gian trang bị cabin học lái xe

16:08, 20/10/2022

Cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lùi thời điểm bắt buộc các cơ sở đào tạo cấp giấy phép lái xe phải lắp đặt cabin điện tử để cho học viên tập lái trên mô hình mô phỏng.

Trong văn bản mới nhất báo cáo Bộ GTVT về lộ trình trang bị cabin học lái xe, Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất xem xét điều chỉnh lộ trình trang bị và sử dụng cabin học lái xe ô tô.

Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông, tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo ATGT.

“Tuy nhiên, đến nay, chưa có đơn vị có đủ điều kiện thực hiện thử nghiệm ca bin học lái xe ô tô, chưa có sản phẩm được chứng nhận sự phù hợp quy chuẩn QCVN 106:2020/BGTVT, chưa có sản phẩm được công bố hợp quy để cung cấp cho các cơ sở đào tạo.

Cục Đường bộ Việt Nam mới đề xuất xem xét điều chỉnh lộ trình trang bị và sử dụng cabin học lái xe ô tô.

Mặt khác, việc lùi thời điểm áp dụng để các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước có đủ thời gian đưa sản phẩm đi thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, tổ chức nhập khẩu, sản xuất cabin học lái xe ô tô cũng như để các cơ sở đào tạo có đủ thời gian thực hiện các trình tự thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp ca bin học lái xe theo đúng quy định của pháp luật và để công tác đào tạo lái xe ô tô không bị gián đoạn, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân trong việc học, sát hạch, cấp GPLX…”, ông Thống cho biết.

Lo ngại về mô hình phải có cabin để cho học viên học thực hành, việc này vừa tốn kém lại không mang lại hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, Bộ GTVT đã ban hành quy chuẩn cabin điện tử nhưng chưa có nhà cung cấp được công nhận có sản phẩm hợp quy để cung cấp loại thiết bị này ra thị trường.

“Hiện thiết bị này chưa được thử nghiệm để đánh giá tác dụng đến đâu, sự cần thiết thế nào. Cách đây khoảng 20 năm, cabin điện tử được nhập khẩu từ nước ngoài đã được áp dụng nhưng không đem lại hiệu quả”, ông Quyền nói.

Cũng theo ông Quyền, chi phí cho một bộ cabin điện tử khoảng 350 - 400 triệu đồng, ngang với số tiền đầu tư xe ô tô tập lái. Trong bối cảnh chưa biết hiệu quả của loại thiết bị này thế nào, chưa có thiết bị hợp quy đã phải bỏ ra số tiền lớn nên hầu như chưa có cơ sở đào tạo nào áp dụng.

“Cần thiết phải cho phép lùi thời hạn áp dụng để có thử nghiệm, đánh giá, nếu cabin điện tử thực sự hiệu quả mới áp dụng đại trà. Việc này sẽ tránh được lãng phí hàng trăm tỷ đồng cho xã hội nếu việc áp dụng không đi vào thực tế cuộc sống”, ông Quyền đề xuất.

Khôi Nguyên (T/h)