Lướt Net ở Mường Tè

10:52, 29/06/2009

Cách trung tâm thị xã Lai Châu hơn 200 km, Mường Tè được coi là một trong hai huyện nghèo nhất cả nước (cùng Sìn Hồ – đều thuộc Lai Châu). Chúng tôi có dịp đến công tác tại huyện để phản ánh tình hình kinh tế xã hội của huyện trước khi thực hiện Nghị quyết 30A của chính phủ về giảm đói nghèo nhanh và bền vững cho dân thông qua hỗ trợ của các doanh nghiệp nhà nước. Cùng với hạ tầng điện, đường, trường, trạm, lĩnh vực thông tin liên lạc cũng được đặc biệt quan tâm.

Mạng Internet vùng sơn cước

Toàn bộ thị trấn có hai địa điểm truy nhập Internet công cộng, một của Bưu điện Mường Tè và một điểm của tư nhân quản lý. Chúng tôi khá ngạc nhiên khi các điểm Internet công cộng này rất đông khách, đa phần là trẻ em và mở cửa đến tối khuya, các máy dùng đều kín chỗ và phải xếp hàng chờ đến lượt. Điểm truy nhập của Bưu điện chỉ mở cửa đến 22h tuy nhiên điểm truy nhập của tư nhân lại mở cửa suốt đêm.

Vào trong Bưu điện quan sát và dùng thử “mạng miền núi”, chúng tôi lại bất ngờ với những người chủ xã hội tương lai ở nơi đây. 100% các máy là các em tuổi từ 11-14 sử dụng và chủ yếu để chơi game. Với đường truyền 2Mb/s qua tuyến Viba, điểm truy nhập này hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu về game trực tuyến cho khoảng 15 máy tính của điểm truy nhập của Bưu điện.

Khoảng 3000 đ cho một tiếng sử dụng Internet, các “thiếu niên vùng cao” có vẻ như không muốn rời máy khi đã hết giờ. Với 3000đ này một bạn học sinh nội trú tại điểm trường Phìn Hồ có thể tự lo một bữa cơm cho mình. Tôi hỏi một em khoảng 11 tuổi đang cố gắng chat nốt mấy dòng với bạn: Tại sao cháu lại thích Internet? Cậu thủng thẳng đáp : Vì có net, có game và có chat. Quan sát tất cả các màn hình trong phòng máy, 100% các máy đều đang chơi game của các nhà cung cấp game thịnh hành nhất hiện nay và chat qua Yahoo.

Mặc dù đã có dán các quy định về truy nhập Internet ở nhiều vị trí trong phòng nhưng các cán bộ bưu điện trông phòng máy vẫn liên tục giám sát các màn hình phòng các em vào các trang web nội dung không lành mạnh.

Đến khoảng 22h, nhìn sang góc phòng tôi thấy một em đang từ từ gõ tên một ca sĩ teen nổi tiếng của Việt Nam vào cửa sổ tìm kiếm của Google. Rõ ràng, các học sinh nơi đây đã biết cách tiếp cận với khoa học công nghệ mới nhất nhưng hình như chưa có đủ lượng nội dung thông tin và phương pháp hướng dẫn cần thiết để giúp các em ở miền núi học tập hiệu quả bên cạnh giải trí lành mạnh.

Lướt Net qua sóng di động

Tại Mường Tè, các phóng viên có mang theo các thiết bị di động (kết nối máy tính qua cổng USB) có thể truy nhập Internet để hỗ trợ tác nghiệp, tuy nhiên không phải thiết bị nào cũng có thể phát huy được tác dụng tại nơi xa xôi hẻo lánh này.

Tại Trung tâm thị trấn, thiết bị Fast Connect của mạng 090 Mobifone cho phép kết nối Internet thông qua sóng di động có thể vào được mạng nhưng khó có thể gửi mail với các tệp đính kèm vì tốc độ đường truyền thấp. Tuy nhiên nếu với công việc bận rộn cần trao đổi qua mạng thì tiện ích super sim của mạng này vẫn cho phép gửi mail qua điện thoại đi động mà không cần kết nối Internet. Tại trung tâm thị xã Lai Châu và tại địa điểm hành chính lớn khác như Mường Lay (thị xã Lai Châu cũ – nay thuộc Điện Biên), thiết bị này đã hỗ trợ cánh phóng viên tác nghiệp hiệu quả.

Nhà mạng Vinaphone luôn cho thấy ưu điểm về “sóng khỏe”, “nhiều sóng” đối với cánh phóng viên khi đi tỉnh nhưng lại không có thiết bị truy nhập Internet di động gắn liền với máy tính xách tay. Mặc dù khi mạng Mobile mất sóng thì đều có sóng roaming của Vinaphone nhưng cách này lại không cho phép sử dụng thiết bị di động để kết nối với máy tính dùng Internet.

Đối với các mạng di động, còn một cách nữa có thể giúp các phóng viên có thể vào mạng để tác nghiệp. Đối với các máy điện thoại di động có chức năng GPRS, nếu được cài đặt đúng và có cáp kết nối, các máy tính xách tay khi nối với máy di động cũng có thể truy nhập Internet bất cứ khi nào có sóng với tốc độ có thể đáp ứng được các công việc liên lạc bình thường.

Nhà mạng S-Fone cũng có một thiết bị truy nhập tương tự nhưng sau khi ra khỏi thị xã Lai Châu thì thiết bị này không có tín hiệu kết nối và không còn tác dụng hỗ trợ Internet di động. Hầu hết các mạng đi động cũng đều “mất sóng” khi ra khỏi các trung tâm xã hoặc huyện.
 
Chúng tôi lên xã Bum Tở, cách thị trấn Mường Tè khoảng hơn 20 km, nơi người dân tộc La Hủ sinh sống thì hoàn toàn không có một vạch đo tín hiệu di động nào. Cán bộ xã cho biết, đã thấy các nhà mạng trồng cột nhưng chưa thấy có “sóng về”. Toàn bộ xã có một máy điện thoại cố định của VNPT dành riêng cho công việc liên lạc của lãnh đạo xã.
 
Rõ ràng, với hạ tầng hiện tại, VNPT và một số nhà cung cấp dịch khác đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thông tin liên lạc của người dân vùng cao, nhưng vẫn phải tiếp tục đầu tư, hỗ trợ, tăng cường mạnh sao cho người miền núi được hưởng những dịch vụ, lợi ích như người miền xuôi và đó cũng là mục tiêu của chương trình 30A của chính phủ cũng như VNPT tại hai huyện nghèo nhất cả nước.
 
Ngọc Hằng
TIN LIÊN QUAN