Phẳng hay Gồ

12:02, 07/07/2020

Gần đây trên tài khoản mạng xã hội của PGS.TS Nguyễn Đức Thành nguyên cựu học sinh Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nêu ra các lập luận nên đóng cửa hoặc bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân đã tạo nên một cuộc tranh luận nảy lửa, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này, đặc biệt là giữa những học sinh từng học ngôi trường này và các thế hệ tài năng đã từng học các trường Chuyên.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, hiện đang là Tổng chủ biên Chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới cũng vào cuộc, trong phỏng vấn trên 1 tờ báo gần đây ông cho rằng: “đối với một số học sinh có năng khiếu thì việc dạy theo mô hình chuyên lại là hạn chế sự phát triển của các em. Tôi cho rằng, đã đến lúc mình phải tính lại không nhất thiết phải tổ chức hệ thống trường chuyên lớp chọn nữa. Hệ thống trường chuyên, lớp chọn không còn phù hợp nữa, do vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể báo cáo Chính phủ để tính toán lại.”

Bỏ đi hay bán lại cho tư nhân là vấn đề lớn của quốc gia, thánh hiền đã dạy “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”, để có được hiền tài cần phải dạy, phải luyện, phải chăm chút!

Các bạn học Chuyên Ams tếu táo trao đổi của thầy Đào Thiện Khải, nguyên hiệu trưởng trường PTTH Hà Nội – Amsterdam rằng “nếu bán cho tư nhân, thày sẽ kêu gọi các bạn Chuyên Ams đóng góp để mua giả lại cho Bộ GD-ĐT”.

Để rộng đường trao đổi và có thêm thông tin, CN & ĐS đã xin phép Thầy Hồ Đắc Phương giáo viên trường Chuyên KHTN Hà Nội đăng lại nguyên văn bài viết của mình:

Bộc bạch của người Thầy:

Xã hội có 1 nhóm thiểu số học sinh thích học hơn thích chơi, và chúng cực hạnh phúc với việc “làm gà”. Cũng giống như có bọn thích đá bóng. Có bọn thích hát. Có bọn thích chơi game.

Hẳn nhiên, ai đó sẽ bị chửi là hãm nếu hỏi cầu thủ U23 Công Phượng có biết cân bằng phương trình ô xy hóa khử không, hỏi ca sĩ Đen Vâu rằng anh có biết tính tích phân ba lớp, hay hỏi VĐV bơi lội Ánh Viên có biết tính gia tốc trọng trường không. Giáo sư Tổng chủ biên chương trình quốc gia, hẳn sẽ kết luận Công Phượng, Đen Vâu hay Ánh Viên chả phát triển toàn diện gì cả.

Năng lực/lượng trong mỗi con người na ná như nhau, lấy ví dụ như các hình phẳng có diện tích na ná nhau. Bên trong hình là mình, bên ngoài kia là  chân trời kiến thức chưa biết. Toán chứng minh được trong các hình cùng diện tích, hình tròn có chu vi nhỏ nhất. Do đó, nếu thực sự muốn tiếp xúc nhiều với những điều chưa biết, cần gồ ghề chút. Và có một số bọn quá gồ ghề đủ để vươn xa đến những chân trời khác. Khoa học thần kinh cũng nói rằng não có cấu trúc nếp nhăn. Càng gồ ghề càng khôn. Não phẳng quá hình như không được tốt.

Trong hình minh họa bên dưới, hệ thống toàn hình tròn rất dễ đổ vỡ trước bất kỳ chấn động nào. Hệ thống bên kia, nếu có bọn gồ ghề, và bọn siêu gồ ghề, sẽ ổn định, an toàn và dễ dàng phát triển hơn.

Xã hội cũng thế, cần bọn gồ ghề và cả bọn rất gồ ghề. Tất cả toàn diện quá sẽ khó phát triển. Biết mỗi thứ 1 tý, chả đi đến đâu cả. Lý tưởng nhất, mọi xã hội đều thúc đẩy được năng khiếu của mỗi cá nhân.

Chứng nhận Coach (HLV) 5 lần có Đội tuyển tham dự Chung kết toàn cầu ICPC.

Phi X, Bất Y, Rất Z

Mọi người nhìn vào bảng điểm 10 phẩy của thí sinh có nguyện vọng vào Ams và sốc. Đừng sốc, ở tiểu học, giờ 8 là điểm thấp, chỉ còn toàn 9 và 10. Số học sinh 10 phẩy nhiều lắm. Giờ phải đua thêm giải phụ, như giải bơi cơ.

Việc không cho điểm tiểu học - là phát đại bác mà X nã thẳng vào nền giáo dục - vốn đã tạm ổn từ đầu cho đến giờ. Hệ lụy - thế hệ thông tư 32 (một thuật ngữ thú vị được sử dụng trong nội bộ giáo giới) lớn dần, bắt đầu vào cấp 2, cấp 3, rồi lên Đại học. Lúc này, các giáo/ giảng viên mới thì thào rỉ tai nhau : sao giờ đa phần học sinh lười đi, ngại suy nghĩ hơn, ít quyết tâm hơn ngày xưa. Đến ĐH Thương mại cũng phải bỏ môn Toán ra khỏi chương trình dạy vì sinh viên không học nổi

Z tiếp tục nã pháo với việc trắc nghiệm tràn lan. Lý, Hóa đã  trở thành Toán. Casio vạn tuế. Rồi Toán trở thành 1 thứ thú vị, cộng vô cùng ta cứ ấn 1000000, không đủ ta ấn 10000000, ra đáp án ngay. Không cần hiểu. Không cần suy nghĩ. Đề này cứ thế kia mà bấm. Bí quyết dùng Casio nhanh có khắp nơi. Khẩu quyết 24h hack kỳ thi 3 chung bán đầy rẫy. Giả sử giờ thi 12 cấm dùng luôn Casio, hẳn nhiên sẽ gây bão ngay.

Tất cả sẽ ra lò sản phẩm là những hình tròn na ná nhau. Đa phần lười (mà làm những thứ na ná, chả có ích gì thì đúng là chán nhanh là phải).

Cho đến giờ, may ra còn giữ được chút ít ở chuyên.

Chuyên “thật”

Chuyên “thật” đang làm gì ? Dạy và học khó hơn. Làm bài tập khó hơn, nhiều hơn. Nhiều dự án hơn. Điểm (dĩ nhiên không ghi học bạ) không phải 10 mà chỉ là 2 - 3. 7 điểm là siêu nhân rồi.

Ích lợi gì ?

Đầu tiên luôn thấy mình dốt, có dốt mới thấy luôn cần cố gắng. Biết cố gắng mới có thể khá hơn được.

Bước đầu học được kỹ năng giải quyết vấn đề. Kỹ năng này ngày một quan trọng. Có từng này giả thuyết, trong đầu tôi có từng này lý thuyết, tôi có từng này bộ nhớ, và giới hạn máy tính chỉ trong 1s, làm sao tôi xử lý được. Trong điều kiện ở Việt Nam, rõ ràng bài tập là cách rẻ tiền nhất để rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề. Đừng chê trách bài tập. Ai chả biết làm dự án này nọ thì xịn xò hơn, nhưng lớp đông, giáo viên ít, thì bài tập là công cụ rẻ tiền và hữu dụng nhất để triển khai. Hãy rõ ràng mục đích này, đừng xỉ vả công cụ.

Để đạt được danh hiệu HSG môn Tin học, học trò phải bò hàng ngàn giờ lập trình, cày qua vô số judge online. Việc bỏ ra hàng ngàn giờ luyện tập sẽ rèn luyện kiên nhẫn, sự chăm chỉ, rèn luyện phản xạ, rèn luyện tư duy - và chắc chắn thay đổi não bộ. Khi biết cách Pro một kỹ năng học, việc học mọi thứ khác đều dễ hơn rất nhiều.

Học chuyên, không phải có kiến thức chuyên sâu, chính còn để rèn luyện sự chuyên tâm, chuyên chú. Dùng một môn học cụ thể mà bạn yêu thích để luyện. Đó là lợi ích to lớn của chuyên. Chính vì thế, mình nhìn thấy đa phần hs chuyên - đặc biệt các bạn HSG - có thể thoải mái học tập ở các trường ĐH nước ngoài, kể cả trường top.

Đến giờ ở nhóm ngành IT, nhân sự chủ chốt các công ty IT lớn, đều là dân chuyên. Các bạn lương cao nhất trong ngành, được các hãng nước ngoài tuyển dụng cũng thế - vì đơn giản - kiến thức, kỹ năng dùng trong phỏng vấn xin việc  là kiến thức và kỹ năng được rèn luyện sớm từ thời cấp 3.

Thầy Phương cùng Ông Bill Poucher Chủ tịch và ông Giám đốc kỹ thuật Kỳ thi ICPC toàn Cầu

Muốn Gồ cần Phẳng

Chính trong quá trình rèn luyện mũi nhọn, học trò mới dần toàn diện. Toàn diện không phải điểm cao Thập-tam-môn phối hợp, toàn diện là phải có sức khỏe tốt, dám nghĩ dám làm và làm được, tinh thần cầu tiến, và biết hạnh phúc.

Để thi đấu lập trình 5h, bạn không thể không có sức khỏe tốt, tinh thần vững. Muốn thế phải rèn luyện.

Để đột phá giới hạn bản thân, không thể không có 1 lịch trình sinh hoạt điều độ.

Để nghĩ ra bài khó, không thể giữ thói quen vừa làm bài vừa lướt facebook.

Tin mình đi, học sinh mất tập trung, ham chơi game, lười biếng đang là những căn bệnh trầm kha của nền giáo dục. Ít nhất bọn thi HSG, bắt đầu rèn luyện khắc phục được những thứ này.

Muốn có hy vọng (ví dụ giải quốc gia, quốc tế), học trò phải kiên trì. Không có kiên trì chỉ là ảo vọng.

Tri thức không tự dưng có trong não, mà tri thức đến từ sự lao động chăm chỉ

Cơ hội không tự dưng mà có, cơ hội chỉ đến với những người sẵn sàng nắm bắt

Học không vì tiền, mà nhờ chăm chỉ học hành, sau này mới có nhiều tiền

Không phải trưởng thành thành ông nọ bà kia mới phải có trách nhiệm, chính việc gánh vác trách nhiệm (tỷ dụ như thi đấu đại diện cho Tổ quốc) học trò mới dần trưởng thành.

Chuyên thật đang làm những việc này không tệ đâu.

Vĩ Thanh

Nếu báo chí chửi công an, làm phóng sự về mãi lộ, BCA sẽ truy tố ra tòa, vì tội làm lộ bí mật quốc gia hay gì đó.

Giờ auto ăn chửi nhiều nhất, chính là bác sĩ và giáo viên (một bọn cùng lắm chỉ có kim tiêm - bọn kia cùng lắm chi biết ném phấn - bọn này làm gì có súng). Bác sĩ nay nhờ CoVid mà đỡ ăn chửi hơn. Nên Giáo dục một mình càng dễ ăn chửi, ai chửi cũng được, fb chửi xong lên báo chê tiếp. Ừ giáo viên dốt, ừ thì chương trình lạc hậu, ừ thì bất công - chửi dễ vãi. Ừ thì phải học ít đi, sống tử tế hơn - ơ hay ở trường chuyên không dạy học trò phải tử tế à ?

Ừ thì vừa xem cổ vũ các bạn U23 Tuần Châu, nói về hạnh phúc, niềm tự hào dân tộc thắng Covid này nọ. Chỉ xin kéo áo nhẹ nhàng: vị nữ bác sĩ chính thực hiện điều chế bộ xét nghiệm Covid ở Quân y viện 103 là 1 bạn chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng. 2 công ty về IT được khen thưởng vì trợ giúp điện tử thì 2 founder là anh Lê Công Thành chuyên ngữ và anh Nguyễn Thế Trung chuyên Toán ngày xưa.

Chú Lương, sư phụ mình, khi ủy nhiệm tuyển Tin, đã dặn dò “Muốn thành công trong nghề này, mày phải coi phụ huynh là bạc bẽo, học trò là vô ơn”. 10 năm ngẫm nghĩ, giờ chiêm nghiệm thấy đúng thật. Con cái thành công, phụ huynh mới khen. Học trò và rồi đi. Nếu cầu hồi đáp, sẽ thất vọng. Nên đừng chờ mong gì cả, sẽ luôn có hạnh phúc, nếu gặp được những người có tâm. Nhưng tuyệt đối đừng hy vọng và trông chờ gì cả. Ơn giời, được thương, cho đến nay, mình vẫn khá hạnh phúc trong nghề này.

Minh viết ra những dòng này, động viên vài ba người bạn là giáo viên trường mà-ai-cũng-biết-trường-đó-ở-đâu, xã hội này nó thế, đừng quá buồn và đừng có vui, đừng cầu mong và đừng trông đợi

Thực ra nhân quả cả. Hãy cố gắng tử tế một chút, chăm chỉ một chút.

Kiên nhẫn tích Đức, đời là Thế.

 

 Thầy Hồ Đắc Phương, Giảng viên Đại học Công nghệ,

Giáo viên Tin học Trường Chuyên ĐH KHTN Đại học QG Hà Nội