Phút trải lòng của “Thủ lĩnh CNTT” ngành thuế

15:13, 23/01/2022

Hơn 27 năm tận tụy với nghề, trải qua nhiều cương vị trong công tác, xây dựng và triển khai thành công nhiều dự án lớn, đồng thời là tác giả của không ít phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác quản lý thuế, song có lẽ 2021 là năm để lại nhiều dấu ấn với cá nhân Cục trưởng Cục CNTT Tổng cục Thuế - ông Phạm Quang Toàn.

Với hàng loạt giải pháp, ứng dụng CNTT mới ra đời và đi vào cuộc sống, được cơ quan thuế các cấp và người nộp thuế (NNT) đón nhận, Cục trưởng Phạm Quang Toàn và các cộng sự đã góp phần vào thành công của Tổng cục Thuế với danh hiệu: “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc 2021” được Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) trao tặng. Dưới đây là phút trải lòng của thủ lĩnh CNTT ngành thuế sau một năm nỗ lực làm việc và tận tụy cống hiến.

Thưa ông, 2021 là năm có rất nhiều dấu ấn về CNTT trong lòng NNT, được báo chí nhắc đến nhiều, đặc biệt là sau khi Tổng cục Thuế được trao danh hiệu “Giải thưởng VDA 2021- đơn vị chuyển đổi số xuất sắc”. Ông nghĩ sao về điều này?

Năm qua thực sự là một năm nỗ lực và quyết tâm cao của cả ngành thuế, đặc biệt là trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác hỗ trợ NNT. Việc nhận được giải thưởng cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc đó là vinh dự của ngành thuế nói chung và cá nhân tôi nói riêng.

Sau 12 năm phát triển cung cấp các dịch vụ thuế điện tử (2009-2021), giải thưởng là sự ghi nhận thành quả mà ngành thuế đã đạt được trong quá trình chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ NNT. Thông qua giải thưởng sẽ khích lệ, động viên, cổ vũ công chức làm CNTT ngành thuế tiếp tục triển khai các dịch vụ mới, hướng đến chuyển đổi số thành công theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Trong năm 2021, ngành thuế thực hiện rất nhiều chương trình, ứng dụng liên quan tới chuyển đổi số và hiện đại hóa công tác thuế để giảm chi phí tuân thủ cho người dân và DN, như tích hợp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, triển khai ứng dụng dịch vụ thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động thông minh (eTax mobile), quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và đặc biệt là với dịch vụ hóa đơn điện tử... . Với khối lượng lớn công việc như vậy, có khi nào ông cảm thấy bị áp lực?

CNTT luôn đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới và đi đầu, nên áp lực là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi rất vui vì sau một năm nỗ lực không mệt mỏi, đội ngũ CNTT ngành thuế đã thu được nhiều kết quả. Theo đó, CNTT không chỉ nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho ngành, cho NNT, mà việc triển khai các ứng dụng này đã kết nối ngành thuế với NNT ngày một gần hơn. Trong đó, phải kể đến là ngành thuế đã hoàn thành triển khai tích hợp 182 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia; mở rộng các dịch vụ thuế điện tử, đặc biệt là các dịch vụ điện tử trên nền tảng thiết bị di động thông minh; hay triển khai nâng cấp ứng dụng đáp ứng các yêu cầu thay đổi chính sách thuế... Các ứng dụng CNTT đều được triển khai kịp thời, bảo đảm quyền lợi, tiện ích cho NNT và góp phần đưa chính sách thuế đi vào cuộc sống.

Cục trưởng Phạm Quang Toàn đại diện Tổng cục Thuế nhận danh hiệu “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc 2021” Ảnh: CNTT

Một nội dung rất quan trọng được triển khai trong năm là hóa đơn điện tử. Đây là vấn đề khó, vì đó là yêu cầu thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế và NNT, nhưng cũng đã được ngành thuế triển khai thần tốc. Chỉ trong 2 tháng, từ lúc Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 78/2021/TT- BTC, Tổng cục Thuế đã xây dựng được tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình quản lý hóa đơn điện tử, các giải pháp triển khai ứng dụng CNTT quản lý và tiếp nhận, xử lý thông tin hóa đơn điện tử... Tất cả đều làm cấp tập. Đến giờ ngồi nghĩ lại, mới thấy thực sự vất vả. Xây dựng hệ thống CNTT như xây dựng một tòa nhà, có rất nhiều bước, từ khảo sát, phân tích nhu cầu sử dụng, quy định thực hiện, thiết kế, xây dựng, kiểm thử hệ thống, giám sát, triển khai, vận hành... nên anh em rất căng thẳng. Có lúc tôi phải huy động hơn nửa cán bộ của Cục CNTT làm ngày, làm đêm, cả thứ bảy, chủ nhật... Vất vả là vậy, song cũng may các cán bộ của Cục CNTT đều là những người có kinh nghiệm và tâm huyết, nên đã vượt qua và triển khai thành công. Chỉ tính riêng từ 21/11/2021 đến 31/12/2021, đã có 368.548 DN đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, TP là Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định. Kết quả này được các cục thuế đánh giá rất cao, coi là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và góp phần chuyển đổi số thành công theo mục tiêu của Chính phủ.

Cụ thể, ông có nhớ trong năm qua mình đã tham gia bao nhiêu chương trình, ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý thuế và hỗ trợ NNT?

  Quả thực là một khối lượng công việc đồ sộ. Trong năm qua, chúng tôi đã triển khai mới và nâng cấp 163 phiên bản ứng dụng quản lý thuế và hỗ trợ NNT đáp ứng các yêu cầu sửa đổi bổ sung chính sách thuế năm 2021 cũng như các Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho người dân, DN. Từ các ứng dụng quản lý thuế (TMS), quản lý ấn chỉ; báo cáo tài chính; thanh tra kiểm tra; kiểm tra nội bộ, nhật ký thanh tra điện tử, phân tích rủi ro; kho dữ liệu, ứng dụng ký điện tử tập trung ngành thuế, ứng dụng thông tin phục vụ trao đổi thông tin với bên ngoài, đến nâng cấp, triển khai hệ thống ứng dụng quản lý thuế trước bạ, nhà đất; ứng dụng hỗ trợ kê khai, dịch vụ thuế điện tử (eTax) dành cho cá nhân, DN hay ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử... đều có cả.

Sau mỗi lần tham gia các dự án ứng dụng CNTT như vậy, cảm giác của ông thế nào? Đâu là chương trình, dự án được coi là quan trọng và ấn tượng với ông?

Nói thật, lúc đầu tôi cảm thấy rất áp lực khi khối lượng công việc ngày càng nhiều và tiến độ triển khai ngày càng gấp, nhưng sau cũng quen. Tuy nhiên, để nói cái nào quan trọng thì rất khó, vì ứng dụng nào cũng đều hướng đến phục vụ NNT. Dẫu vậy, ở góc độ triển khai CNTT, tôi thấy, việc triển khai hóa đơn điện tử năm qua rất có ý nghĩa. Nó không chỉ giúp ngành thuế quản lý tốt nguồn thu, có dữ liệu quản lý đầy đủ và thường xuyên cập nhật, mà còn tiết giảm thời gian, chi phí và gia tăng tiện ích cho NNT khi thực thi nghĩa vụ với NSNN. Họ chỉ cần ở nhà là có thể lập hóa đơn, khai thuế, nộp thuế mà không phải đến cơ quan thuế. Tất cả thông tin đều được định dạng chuẩn, cho phép người mua, người bán gửi hóa đơn một cách thông suốt, đảm bảo an toàn. Đây là bước tiến lớn mang tính đột phá của ngành thuế góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN, cũng như thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động.

Đọc những bài trả lời phỏng vấn hay phát biểu tại các diễn đàn của ông được đăng tải trên báo chí, tôi nhận thấy ông luôn đau đáu với việc chuyển đổi số của ngành thuế, nhất là trong lĩnh vực hóa đơn điện tử. Ông có thể chia sẻ phần nào cảm xúc đó?

Chuyển đổi số là điều ngành thuế rất cần. Tuy nhiên, cái vướng hiện nay là CNTT vẫn chủ yếu phải đáp ứng theo các quy trình quản lý hiện hành. Đây là khó khăn chung mà nhiều cơ quan, đơn vị gặp phải. Vì thế, tôi cho rằng, trong điều kiện môi trường chuyển đổi số chưa hoàn thiện, cách nhìn của xã hội về thuế còn nhiều khác biệt, điều quan trọng là phải nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số, xem xét khả năng các giải pháp CNTT làm được những gì để sau đó mình điều chỉnh các quy định cho phù hợp, linh hoạt và tự động hóa tối đa. Điều này có nghĩa là nghiệp vụ phải thay đổi, tư duy phải thay đổi theo các giải pháp công nghệ chuẩn mực, từ đó CNTT mới có thể hỗ trợ tốt nhất, tạo thuận lợi và tăng trải nghiệm cho NNT.

Để làm được thì nguồn lực xã hội rất quan trọng. Chẳng hạn, việc triển khai hóa đơn điện tử vừa qua đã cho phép các đơn vị bên ngoài cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử cho NNT. Cơ quan thuế chỉ xây dựng hệ thống lõi, tiếp nhận và quản lý hóa đơn. Khi ấy, cả cơ quan thuế và NNT đều được hưởng lợi từ các dịch vụ xã hội hóa. Có thể nói, chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mang lại. Vì thế, rất mong cơ quan thuế các cấp và NNT tiếp tục ủng hộ để chúng tôi hoàn thành mục tiêu đồng hành cùng NNT.

Xin cảm ơn ông!

Theo/thuenhanuoc.vn