Kỳ 1: Vì sao Tin học là môn học đặc biệt trong Chương trình giáo dục phổ thông mới?

11:34, 09/10/2020

Như chúng ta đã biết, mục đích chính của Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới lần này là thay đổi cơ bản các chương trình môn học từ định hướng nội dung sang định hướng năng lực, lấy yêu cầu năng lực, kỹ năng của học sinh làm mục đích chính khi thiết kế chương trình. Đây là xu thế chung của tất cả các quốc gia trên thế giới, là chuẩn chung của tất cả các nền giáo dục trên toàn thế giới.

Cho đến thời điểm này (thời điểm CTGDPT mới đã công bố), Tin học là môn học duy nhất chưa có 1 chương trình, nội dung hoàn thiện, chặt chẽ, khoa học và xuyên suốt qua các cấp học, trong khi đó tất cả các môn học khác đều đã được định hình hoàn chỉnh và ổn định.

Khi thiết kế chương trình môn học theo định hướng mới, nếu nội dung kiến thức của chương trình hiện thời đã ổn định, đầy đủ thì các nhà thiết kế chỉ còn 1 việc là thiết kế, sắp xếp lại nội dung chương trình đang có dưới một cách nhìn khác, dựa trên yêu cầu năng lực cần đạt. Quá trình này dù sao cũng còn rõ ràng về các bước cần thực hiện. Nhưng với môn Tin học thì không như vậy.

Ảnh: Minh họa

Với môn Tin học, như đã nói ở trên, cần một cách tiếp cận khác. Nói đơn giản là cần làm lại từ đầu. Cần phải làm 2 công việc đồng thời:

1. Xây dựng lại hoàn toàn, từ đầu một khung chương trình môn Tin học mới (tất nhiên có dựa vào chương trình hiện thời để phát triển và kế thừa, nhưng phần làm mới là chính).

2.  Xây dựng chương trình theo yêu cầu của năng lực mới.

Cả 2 công việc trên đầu rất khó khăn, nặng nhọc. Do vậy những người thiết kế chương trình môn Tin học trong CTGDPT mới sẽ phải vất vả gấp nhiều lần so với các đồng nghiệp khác.

Tin học là đặc biệt còn bởi 1 lý do nữa, đúng hơn là 1 nghịch lý đã tồn tại từ rất lâu trong ngành giáo dục của chúng ta: đó là môn Tin học luôn là môn học phụ, giáo viên dạy Tin học không được đối xử ngang bằng như các giáo viên các môn học khác. Trong khi đó tất cả chúng ta đều biết và cảm nhận rõ sự quan trọng như thế nào của CNTT trong đời sống hàng ngày. Có lẽ trong 30-40 năm trở lại đây, Tin học, hay nói đúng hơn là ngành CNTT đã phát triển như vũ bão trên qui mô toàn thế giới. Máy tính cá nhân, máy tính PC, laptop rồi smartphone liên tục thay đổi, các ứng dụng của công nghệ Tin học phát triển nhanh chóng len lỏi vào từng gia đình, từng thiết bị. Internet phủ kín đến từng người dân. Gần đây hơn nữa con người đã cảm nhận được làn sóng của cuộc Cách mạng CN lần thứ 4, trong đó trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và xử lý dữ liệu lớn đang làm đảo lộn cả thế giới. Trong khi đó trong nhà trường môn Tin học vẫn không có gì thay đổi, vẫn là 1 môn học phụ với một vài chương trình ứng dụng rời rạc. Chú ý rằng nghịch lý trên không phải là đặc thù của Việt Nam, mà là nghịch lý của toàn thế giới.

Tiết học Stem của bộ môn Tin học

Tin học từng bước cho thấy sự quan trọng của mình trong CTGDPT

Cũng chính vì các nghịch lý trên đây mà từ lâu có lẽ tất cả các giáo viên và toàn ngành GD Việt Nam đều hiểu môn Tin học đúng là phụ và mặc định với thân phận của môn học này như vậy. Có lẽ tất cả đều nghĩ Tin học, tức là một vài module rời rạc như "tập gõ 10 ngón", "soạn thảo văn bản", "bảng tính điện tử", "tập vẽ", "học toán", "lập trình Pascal",… như hiện nay đã là chuẩn của môn Tin học. Và cũng có lẽ tất cả các nhà trường Việt Nam hiện nay đều nghĩ rằng giáo viên Tin học phải có nhiệm vụ hỗ trợ cài phần mềm, sửa máy tính, làm chân "lon ton" hỗ trợ cho các môn học "chính" khác, cho các giáo viên khác trong nhà trường.

Từ những lý do trên rõ ràng chúng ta thấy sự "đặc biệt" của môn Tin học trong khung cảnh của toàn bộ CTGDPT mới. Trong các phần sau chúng ta sẽ cùng đi sâu hơn tìm hiểu sự đặc biệt này và cùng tìm hiểu sự thay đổi lớn, hoàn toàn của chương trình môn học này trong CTGDPT mới.

Kỳ 2: Chương trình môn Tin học cũ (hiện nay) vì sao lại lạc hậu, cần thiết kế lại hoàn toàn?

Bùi Việt Hà