Việt Nam "khát" nhân lực CNTT chuẩn Quốc tế

06:29, 10/07/2009

Theo đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam đang có nhiều vận hội lớn trong việc đón đầu các làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Tuy vậy, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực CNTT đang thực sự làm đau đầu các nhà quản lí, nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các trường học/cơ sở đào tạo về CNTT. Trước nhu cầu bức bách về nguồn nhân lực CNTT trình độ cao, đạt chuẩn/chứng chỉ Quốc tế, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Học viện CNTT Bách Khoa (BKACAD) – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. 

Đào tạo thừa, tuyển dụng thiếu 

Hỏi: Thưa ông, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với thực trạng "khủng hoảng" về nguồn nhân lực CNTT, "cung không đủ cầu", "đốt đuốc đi tìm kỹ sư CNTT giỏi". Tuy nhiên, lại cũng có 1 thực tế là, nhiều sinh viên Công nghệ ra trường vẫn không tìm được việc làm? Theo ông, đâu là điểm mấu chốt của nghịch lí đó?


Ông Nguyễn Trung Dũng: Theo tôi, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam nơi thừa thì vẫn thừa, nơi thiếu thì vẫn thiếu. Hàng năm, các trường CĐ, ĐH trên cả nước đào tạo hàng vạn sinh viên ngành CNTT tuy nhiên chúng ta thiếu là thiếu những nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, có kỹ năng tốt. Điểm mấu chốt chính là nguồn nhân lực CNTT của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành CNTT và của xã hội, cả về số lượng cũng như chất lượng.   

 Thực tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đang có nhiều vận hội lớn trong việc phát triển ngành CNTT. Rất nhiều Công ty, Tập đoàn ICT hàng đầu thế giới đánh giá Việt Nam là một môi trường đầu tư hấp dẫn và đang xúc tiến triển khai các dự án đầu tư hàng triệu USD. Hơn bao giờ hết, vấn đề nguồn nhân lực CNTT trình độ cao lại trở nên khủng hoảng. Có thể dẫn ra đây vài ví dụ: Với dự án 1 tỷ USD tại TP.HCM, Công ty Intel cần tuyển dụng khoảng 1.000 kỹ sư chủ yếu thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, CNTT, tự động hoá; Hãng IBM, năm 2007 cần 1.000 kỹ sư phần mềm, tăng lên 2.000 kỹ sư năm sau và tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Hãng Boeing cũng đang tìm đối tác tại Việt Nam, và mỗi hợp đồng cần tối thiểu 1.000 kỹ sư CNTT...


Hỏi: Nguồn nhân lực CNTT của chúng ta thiếu và yếu cái gì, thưa ông?
 

Ông Nguyễn Trung Dũng: Nguồn nhân lực CNTT Việt Nam không phải không có thế mạnh. Chúng ta có nền tảng về khoa học cơ bản được đào tạo khá tốt, lao động Việt Nam cần cù, chịu khó, thông minh...Tuy nhiên, khả năng thực hành trực tiếp trên máy móc, kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh chuyên ngành, các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, làm việc theo nhóm... còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là các em sinh viên mới ra trường, cơ hội cọ xát thực tế và định hướng hoạt động nghề nghiệp trong tương lai  hầu như chưa có.

 

Hỏi: Ông đánh giá như thế nào về vấn đề đào tạo theo chuẩn, đào tạo theo "đơn đặt hàng" (của các doanh nghiệp, Tập đoàn)  và xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT hiện nay ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Trung Dũng: Việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, đáp ứng  nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội là đòi hỏi bức thiết. Chính vì thế, tôi cho rằng, quá trình đào tạo phải gắn liền với nhu cầu xã hội, theo "đơn đặt hàng" và đảm bảo được một quy chuẩn chung dựa trên quan điểm tương đương về bằng cấp, trình độ so với thế giới là quan trọng nhất. Chỉ có đơn vị sản xuất kinh doanh mới biết mình cần gì nên khi đặt hàng, nhà trường sẽ vươn lên để đáp ứng đúng, trúng nhu cầu của doanh nghiệp.
 

 Việc xây dựng quy chuẩn quốc tế phải được xây dựng trên những hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo CNTT như: cơ sở vật chất, giáo trình đào tạo, trình độ giáo viên, môi trường thực hành và chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo...Ngoài ra, cũng cần thay đổi quan niệm cũ về đào tạo trong lĩnh vực CNTT . Chẳng hạn, chúng ta quen coi các chương trình đào tạo của những hãng lớn như Microsoft, Orace, IBM... là phi chính quy, nhưng thực tế những người có chứng chỉ này, có thể được nhận vào làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, trong khi hệ thống đào tạo chính quy thì chưa được như vậy.

Tự tin với chứng chỉ Quốc tế

 

Hỏi: Việc hợp tác với các hãng công nghệ lớn, nước ngoài để đào tạo - cung cấp nguồn nhân lực CNTT trình độ cao, đạt chuẩn Quốc tế, liệu có phải là xu hướng "đi tắt đón đầu" hay chỉ là chạy đua theo tâm lý “sính ngoại”?

Ông Nguyễn Trung Dũng: Trang bị được cho mình những chứng chỉ Quốc tế về CNTT đang là mục tiêu của nhiều sinh viên và kỹ sư CNTT hiện nay. Chúng ta biết rằng, việc đào tạo chính qui trong các Trường đại học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.

 Chính vì thế, chứng chỉ Quốc tế CNTT như là một minh chứng cho quá trình học hỏi cao hơn. Những nhân viên nỗ lực đạt được chứng chỉ, là những người được đào tạo tốt hơn, được tiếp cận với công nghệ cao hơn, do đó sẽ ít mắc lỗi và thất bại. Hầu hết, các doanh nghiệp ICT đều rất chú trọng tới các chứng chỉ này, thậm chí còn đưa vào một trong những yêu cầu chính để tuyển dụng. Chính bởi vậy, để rộng mở cơ hội nghề nghiệp, những người có định hướng tốt hay đã hoạt động trong lĩnh vực CNTT vẫn phải miệt mài giành lấy, để thêm “điểm cộng” trước nhà tuyển dụng.

Hỏi: Cũng chính vì thế mà các Trung tâm/cơ sở đào tạo, luyện thi chứng chỉ CNTT Quốc tế xuất hiện như "nấm mọc sau mưa"? Đâu là sự khác biệt giữa các Trung tâm "thật" và nhái"?

Ông Nguyễn Trung Dũng: Do tốc độ phát triển quá nhanh, các hãng công nghệ lớn về CNTT trên thế giới như Microsoft, Cisco, Oracle, IBM, Sun v.v... đều có các chứng chỉ của riêng mình. Hiện nay, có hàng trăm các loại chứng chỉ Quốc tế về CNTT, tuy nhiên, ở Việt Nam, chứng chỉ của Cisco và Microsoft được khá nhiều bạn trẻ chọn lựa.

 Trên thị trường hiện xuất hiện rất nhiều Trung tâm đào tạo "nhái", không có chứng nhận ủy quyền của các hãng công nghệ nhưng vẫn tổ chức giới thiệu, quảng cáo, tuyển sinh. "Ưu điểm" của những trung tâm đào tạo kiểu này là rút ngắn thời gian học, "tự chế" giáo trình, không có hệ thống máy móc thực hành, phòng lab đạt chuẩn quốc tế (chỉ được xem demo), chú trọng vào thủ thuật, mẹo thi và tất nhiên, học phí thì "siêu rẻ". Thực tế cũng có học viên có được chứng chỉ nhưng khi giao việc thì không làm được.

Hỏi: Đâu là lợi thế của Học viện công nghệ thông tin Bách Khoa (BKACAD) trong việc đào tạo hệ thống chứng chỉ Quốc tế này, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Dũng: Học viện CNTT Bách Khoa - BKACAD (www.bkacad.com) – trực thuộc trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tự hào là đối tác chính thức, ủy quyền của nhiều Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Cisco, Microsoft (Học viện mạng cấp khu vực), SUN Microsystems, Prometric,VUE..
 
 Thế mạnh của BKACAD là hệ thống công nghệ và trang thiết bị hiện đại với 18 phòng LAB tiêu chuẩn Quốc tế; hệ thống thiết bị thí nghiệm tiêu chuẩn gồm hàng trăm Router, Switch, tổng đài, Getway, Firewall; hệ thống máy chủ chuyên dụng cho các giáo trình của  SUN Microsystems, Microsoft, Linux...với đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, sở hữu nhiều chứng chỉ quốc tế như CCNA, CCDA, CCNP, CCDP....(Cisco); MCSA, MCSE, MCSA+...(Microsoft)...

 Với 5 năm phát triển BKACAD đã khẳng định được chất lượng hàng đầu của mình thông qua một loạt các giải thưởng như “Học viện Đào tạo CCNA và ITE xuất sắc nhất Việt Nam”; “Giải nhất cuộc thi Kỹ năng Mạng Việt Nam 2008” ...

                                                                                    Đăng Khoa

TIN LIÊN QUAN