Visa đề xuất công nghệ thanh toán thu phí không tiếp xúc

Minh Thùy 11:23, 22/05/2020

Visa đề xuất công nghệ thanh toán không tiếp xúc nhằm giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng tại Việt Nam.

Tại cuộc tọa đàm "Tìm giải pháp thúc đẩy công nghệ thu phí không dừng" do Báo Giao thông tổ chức sáng 13/5, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, chia sẻ về phương thức thanh toán mới bằng thẻ Visa, giúp cải thiện tính hiệu quả của hệ thống thu phí không dừng đang triển khai tại Việt Nam.

Tọa đàm "Tìm giải pháp thúc đẩy công nghệ thu phí không dừng" do Báo Giao thông tổ chức

Thanh toán không tiếp xúc - nhanh chóng, tiện lợi

Thanh toán không tiếp xúc là một công nghệ thanh toán mới, nhanh hơn và thuận tiện hơn cho phép chủ xe chỉ cần chạm thẻ Visa hoặc điện thoại hay thiết bị đeo thông minh vào máy đọc thẻ để thanh toán. Thẻ không tiếp xúc có một ăng ten nhỏ có thể được đọc bởi các máy đọc thẻ với khoảng cách tối đa là 4cm.

Các máy đọc thẻ thường có thể đọc và xử lý giao dịch thanh toán thẻ hoặc thiết bị không tiếp xúc trong vòng chưa đầy nửa giây. Do đó, thẻ không tiếp xúc đem đến một loạt các lợi ích cho cả chủ xe và các trạm thu phí không dừng, đặc biệt là về tính tiện lợi.

Thanh toán không tiếp xúc cực kỳ đơn giản, yêu cầu chủ xe chỉ cần chạm thẻ hoặc thiết bị vào máy đọc thẻ để thực hiện thanh toán. Việc giữ thẻ luôn ở trên tay giúp chủ xe kiểm soát và bảo mật giao dịch tốt hơn.

Nhờ vào tính hiệu quả cao, thanh toán không tiếp xúc cho phép chủ xe thanh toán nhanh. Các nhân viên tại các trạm thu phí sẽ tiết kiệm thời gian xử lý các máy đọc thẻ từ, thẻ chip truyền thống.

Báo Giao thông cho biết, tính năng “lưu giữ thông tin thẻ mã hoá” (Card-on-File, COF) cung cấp cho đơn vị phát hành thẻ thông tin về các điểm chấp nhận thẻ mà chủ thẻ đã thực hiện giao dịch, hoặc nơi mà chủ thẻ lưu trữ thông tin tài khoản chính của họ hoặc thông tin thẻ mã hoá.

Với tính năng này, người tiêu dùng không cần nhập lại thông tin thẻ mỗi lần giao dịch. Khi thay thẻ, thông tin thẻ mới sẽ được cập nhật thay thế tự động tại các điểm chấp nhận thẻ mà chủ thẻ đã thực hiện giao dịch. Khi hết hạn, hoặc bị mất thẻ, thông tin người dùng sẽ tự động xoá, nhờ đó đảm bảo tính bảo mật.

Công nghệ này mở ra cơ hội trong lĩnh vực thu phí không dừng khi thông tin thẻ của tài xế được lưu giữ trên hệ thống chấp nhận thẻ của nhà điều hành giao thông, khi đi qua trạm thu phí tài xế không cần dừng lại mà hệ thống sẽ tự động trừ thanh toán từ thẻ.

Theo bà Dung, Visa đã thành công trong việc hỗ trợ khách hàng và các nhà vận hành giao thông công cộng thực hiện phương thức thanh toán không tiếp xúc trong lĩnh vực giao thông công cộng và thu phí không dừng với hơn 100 dự án đã đi vào hoạt động và hơn 250 dự án đang được triển khai với các nhà vận hành giao thông công cộng trên toàn thế giới.

Công nghệ thanh toán không tiếp xúc áp dụng tại các trạm thu phí đường bộ ở Ấn Độ

Với hệ thống giao thông phức tạp, Ấn Độ là một trong những quốc gia thường xuyên xảy tình trạng ùn tắc giao thông, gây thiệt hại mỗi năm lên đến 21,3 tỷ USD, một phần do chậm trễ trong việc thanh toán chi phí cầu đường khi thông thường các xe phải đợi từ 5 đến 10 phút cho mỗi lượt thanh toán bằng tiền mặt.

Vì vậy, Visa đã hợp tác với Cơ quan Đường cao tốc Quốc gia Ấn Độ (NHAI) ứng dụng công nghệ không tiếp xúc trên điện thoại và thẻ để thanh toán phí cầu đường.

Giải pháp này chỉ tốn 10 giây để hoàn tất, giúp cho các chủ xe tiết kiệm thời gian và nhiên liệu, giúp giảm lượng thời gian thanh toán đến 60% so với khi thanh toán bằng tiền mặt.

Tại Singapore, chính phủ đã triển khai thành công dự án Motorpay - dịch vụ thu phí tự động được cung cấp bởi liên doanh giữa Cơ quan Giao thông Đường bộ (LTA) và Ngân hàng DBS, cho phép khách hàng thanh toán phí đường bộ điện tử (Electronic Road Pricing, ERP) qua thẻ tín dụng.

Chỉ cần lái xe qua bất kì cổng thu phí ERP thì phí ERP sẽ được tự động trừ vào thẻ tín dụng mà không cần phải chạm thẻ.

Đồng bộ hóa cho giao thông công cộng

Visa đang phối hợp chặt chẽ với các Ngân hàng trên thị trường triển khai mở rộng phát hành thẻ và hạ tầng chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái thanh toán đồng bộ cho xe buýt, tàu điện ngầm và các dịch vụ giao thông công cộng khác.

Đồng thời, để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, Visa đã triển khai các chiến dịch marketing, đẩy mạnh thương hiệu trong nước và trên thế giới, quy chuẩn hóa bộ nhận diện thương hiệu tại các điểm bán hàng, trạm tàu xe để người tiêu dùng luôn nhận biết được họ có thể chỉ cần chạm để thanh toán.

Người tiêu dùng Việt Nam đang giảm sử dụng tiền mặt do tăng cường thanh toán kỹ thuật số qua các công nghệ thanh toán mới như thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán trên các thiết bị di động và thương mại điện tử.

Sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ thanh toán tiện ích sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Visa và các đối tác để triển khai thu phí không dừng tại Việt Nam.

Hệ thống giao thông tại Việt Nam đang được từng bước “thay da đổi thịt” trong nỗ lực phát triển giao thông thông minh. Visa sẽ nỗ lực mang đến nhưng công nghệ thanh toán hiện đại nhất, phối hợp với các đối tác tại Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này.

Minh Thùy (T/h)