10 sự vụ về VT-CNTT nổi bật trong tuần: Cái tên Flappy Bird nay trở nên rắc rối
Trong tuần 13 (từ 24/3 - 30/3/2014), việc Nguyễn Hà Đông quyết định đưa game Flappy Bird - đã nổi tiếng khắp thế giới trở lại App Store trong tuần trước, nhưng nay, chính cái tên Flappy Bird đang gặp rắc rối là nổi bật hơn cả.
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Dùng biện pháp kinh tế “quản” thuê bao trả trước
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Flappy Bird có thể “tái sinh”
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: 4 xu hướng sau MWC 2014
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Flappy Bird “hồi sinh” trên Appstore.vn
- 10 sự vụ về VT-CNTT nổi bật tuần qua
- 10 sự vụ về VT-CNTT nổi bật trong tuần
- 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông năm 2010
1- Nguyễn Hà Đông đang gặp rắc rối với cái tên Flappy Bird
Theo diễn tiến từ vài tuần trước, Nguyễn Hà Đông, “cha đẻ” của trò chơi (game) trên thiết bị di động gây sốt toàn cầu Flappy Bird đã công bố sẽ đưa trò chơi này trở lại App Store. Tuy nhiên, theo Venture Beat, với những quy định hiện thời của Apple, có thể sẽ không cho phép Đông thực hiện ý định này, ít nhất là với cái tên như cũ.
“Nếu bạn đã xóa một ứng dụng, bạn không thể khôi phục ứng dụng đó”. Hay, “Tên của ứng dụng đã xóa không thể được sử dụng lại trong cùng một tổ chức”, trang Venture Beat đã dẫn các quy định của Apple.
Venture Beat phân tích, về bản chất, thỏa thuận điều khoản dịch vụ (Terms of Service Agreement) của Apple cho thấy, Đông đã từ bỏ quyền đối với cái tên Flappy Bird trên iOS cùng với tới cả doanh thu từ quảng cáo trên trò chơi này. Thế nên Venture Beat cho rằng, với quy định như vậy của Apple, cho dù Đông nắm bản quyền với Flappy Bird, thì anh cũng không thể sử dụng lại trò chơi mà anh đã xóa. Tuy nhiên, Google Play, gian ứng dụng dành cho Android lại không có quy định như vậy.
Chỉ hai giờ sau khi Hà Đông xóa Flappy Bird khỏi các gian ứng dụng, một công ty có tên Mobile Media Partners đã nhanh chân chiếm cái tên Flappy Bird trên iOS và thậm chí đang xin đăng ký nhãn hiệu thương mại đối với cái tên này. Mobile Media Partners tuyên bố đã có những kế hoạch riêng cho cái tên Flappy Bird và mới đây, họ công bố một game “ăn theo” có tên là Crashy Bird.
Nếu Nguyễn Hà Đông có quyền sở hữu nhãn hiệu thương mại đối với Flappy Bird, anh có thể dùng quyền đó để kiện Mobile Media Partners. Tuy nhiên, quy định của Apple vẫn sẽ ngăn không cho anh dùng lại cái tên Flappy Bird trên iOS lần nữa.
Venture Beat cho biết, họ đã liên lạc với Apple để tìm hiểu xem liệu hãng này có nới quy định để Đông đưa Flappy Bird trở lại hay không, nhưng chưa nhận được phản hồi. Theo một số nhà phát triển ứng dụng, Apple có thể áp dụng trường hợp ngoại lệ đối với những cái tên đặc biệt. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, trừ phi quy định của Apple thay đổi, nếu không, Flappy Bird đã vuột khỏi tầm tay Đông.
Ông Chris Langbein, Giám đốc điều hành của Mobile Media Partners, nói rằng, sau khi nắm cái tên Flappy Bird trên iOS, công ty này đã liên lạc với Nguyễn Hà Đông để nói về những kế hoạch của họ, nhưng không liên lạc được. Ông Langbein cũng nói, ông bị sốc khi đọc tin Đông nói có thể đưa Flappy Bird trở lại.
Khi được hỏi sẽ làm gì nếu Đông liên lạc và đòi lại tên Flappy Bird, ông Langbein nói: “Apple sẽ quyết định. Anh ấy không thể lấy lại cái tên này, cho dù chưa ai chiếm. Nhưng nếu anh ấy gọi lại để đàm phán, tôi sẽ đàm phán”.
Ở góc độ khác, Nguyễn Hà Đông vừa được đánh giá là 1 trong 11 người có ảnh hưởng nhất về phát triển ứng dụng và là người đứng thứ 2/11 nhà phát triển ứng dụng di động có ảnh hưởng lớn nhất thế giới - Tạp chí Business Insider (Mỹ).
Theo đánh giá của Business Insider, sở dĩ Đông được xếp thứ hai trong danh sách là nhờ sự thành công vang dội của Flappy Bird, đã gây ra cơn sốt trên ứng dụng di động toàn cầu, mặc dù anh đã khai tử nó khá sớm. Các tên tuổi còn lại của bảng xếp hạng đều thuộc về các quốc gia lớn như Mỹ, châu Âu…
2- Năm 2014, Intel sẽ đưa 100.000 máy tính đến với người dân Việt Nam
Mục tiêu này nằm trong Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT-TT và Intel Việt Nam, vừa được ký kết tại “Ngày hội máy tính cho cuộc sống” lần thứ Nhất, tổ chức tại Thái Nguyên.
Ông Phạm An Dương, Giám đốc Tiếp thị Intel cho biết, chương trình “Máy tính đầu tiên cho người dân” được phát động triển khai từ ngày 26/4/2013, với 3 mục tiêu: Nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống của người dân; Phổ cập tin học cộng đồng, sử dụng các phần mềm giáo dục được cung cấp miễn phí, kết nối Internet và sở hữu máy tính đầu tiên giá ưu đãi và Máy tính đầu tiên - Thắp sáng tương lai. Theo đó, Intel đã mang trải nghiệm máy tính đến cho người dân tại 41 tỉnh thành và tổ chức giao lưu công nghệ với hơn 73.000 sinh viên, học sinh.
Trong năm 2014, Intel sẽ cung cấp 100.000 máy tính cho người dân với gói phần mềm giáo dục, kết nối Internet với giá ưu đãi, tổ chức chuỗi hoạt động trải nghiệm máy tính tại 20 tỉnh ở vùng sâu vùng xa và triển khai các phòng LAB Máy tính và Phòng học di động cho các trường ở khu vực khó khăn.
3- Đầu năm 2014, xuất khẩu điện thoại đứng đầu các nhóm ngành hàng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết ngày 15/3, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 27 tỷ USD, trong đó có 9 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.
Sau 2,5 tháng đầu năm, trong số 7 mặt hàng duy trì được kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, điện thoại vẫn duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng nhất, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,457 tỷ USD, tăng hơn 870 triệu USD so với cùng kỳ 2013 và tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Kế đến là dệt may, với kim ngạch đạt 3,663 tỷ USD, tăng hơn 550 triệu USD so với cùng kỳ. Rồi, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,772 tỷ USD; dầu thô đạt kim ngạch 1,249 tỷ USD.
3 mặt hàng khác đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là máy móc, thiết bị đạt hơn 1,2 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt hơn 1,4 tỷ USD; giày dép đạt 1,758 tỷ USD.
2 ngành hàng mới gia nhập nhóm hàng đạt kim ngạch 1 tỷ USD là thủy sản và sản phẩm gỗ. Đến hết ngày 15/3, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng khoảng 340 triệu USD so với cùng kỳ 2013. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong cùng thời điểm đạt 1,163 tỷ USD, tăng hơn 200 triệu USD so với cùng kỳ 2013.
4- VNPT TP.HCM cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử
Sau MobiFone, Chi nhánh Viễn thông TP.HCM là thành thành viên thứ 2 của Tập đoàn VNPT áp dụng hóa đơn điện tử, tạo sự tiện dụng cho người dùng và các cấp quản lý, góp phần làm “xanh hóa” môi trường bởi không còn dùng đến giấy, mực in, tiết kiệm chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn xã hội.
Ngoài ra, hóa đơn điện tử còn giúp các thuê bao tránh được các rủi ro về thất lạc, hư hỏng như hóa đơn giấy; dễ lưu trữ, quản lý, thống kê và tìm kiếm hóa đơn.
Được áp dụng thử nghiệm từ ngày 1/4/2014 đối với các dịch vụ điện thoại cố định, internet và thuê bao di động trả sau tại quận 1, quận 3 và quận 7 thay hóa đơn giấy hiện nay. Dự kiến từ 1/7/2014, sẽ chính thức áp dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy đối với tất cả khách hàng sử dụng dịch vụ VT-CNTT trả sau trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, các thuê bao sau khi thanh toán cước VT-CNTT sẽ nhận được biên nhận chứ không nhận hóa đơn tiền cước dạng giấy như trước đây. Biên nhận là chứng từ xác thực khách hàng đã thanh toán tiền cước VT-CNTT.
Đối với khách hàng thanh toán qua ngân hàng thì việc xác nhận thanh toán vẫn thực hiện như trước đây (giấy ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi, giấy báo nợ, giấy báo có…).
5- Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về phát tán thư rác
Theo số liệu thống kê từ Kaspersky Lab, hiện Việt Nam đứng vị trí thứ 7 thế giới về phát tán thư rác, với 2,95% (giảm so với tháng 1 là 3,1%). Ba nguồn phát tán thư rác đứng đầu trên thế giới là Trung Quốc (23%), Mỹ (19,1%) và Hàn Quốc (12,8%).
Bảng xếp hạng về thư rác của các quốc gia.
Thông thường, những kẻ tấn công “câu, dụ” người nhận email bằng các hình ảnh khiêu dâm được cài sẵn trong kho lưu trữ đính kèm tin nhắn. Ngoài ra, còn có hàng loạt thư độc hại bắt chước các thông báo giả mạo từ các trang mạng xã hội, như Facebook chẳng hạn.
Tỷ lệ thư rác trong lưu lượng truy cập email trong tháng 2 đã tăng 4,2% so với tháng trước, đạt trung bình 69,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn 1,2% so với tháng 2/2013.
Đối với những kẻ lừa đảo, mục tiêu nhắm đến là các trang mạng xã hội, chiếm 27,3%, dịch vụ thư điện tử - 19,34% và các tổ chức thanh toán trực tuyến - 16,73%. Các chuyên gia Kaspersky Lab cũng đã xem qua thông báo giả mạo xưng là đến từ ngân hàng của Malaysia HongLeong.
Nhà phân tích thư rác cao cấp của Kaspersky Lab, Tatyana Shcherbakova cho biết: "Email lừa đảo (phishing email) sử dụng tên của các tổ chức tài chính và thanh toán điện tử lớn từ các quốc gia khác nhau đang bị tội phạm mạng tích cực lan truyền nhằm đánh cắp thông tin tài chính cá nhân. Một cuộc tấn công thành công thường giúp tin tặc truy cập vào tài khoản cá nhân của nạn nhân trên các trang web ngân hàng”.
6- Facebook đạt 1 tỷ người dùng thường xuyên trên di động
Ngày 25/3, Mark Zuckerberg, CEO của Facebook đã thông báo trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này rằng, ứng dụng Facebook trên di động đã đạt mốc 1 tỷ người dùng thường xuyên mỗi tháng. Thông tin này được đưa ra khi Mark Zuckerberg trả lời câu hỏi về kế hoạch mua lại công ty về ảo hóa Oculus VR.
Trong thời gian gần đây, Facebook đã đầu tư khá nhiều vào việc phát triển ứng dụng cho thiết bị di động và việc đạt mốc 1 tỷ người dùng thường xuyên không khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi vào tháng 12/2013, con số này đã đạt 945 triệu.
Sau khi mua lại ứng dụng Instagram, mạng xã hội Facebook muốn tiếp tục đón đầu tương lai bằng việc thâu tóm Oculus Rift, một hãng chuyên sản xuất các thiết bị headset thực tế ảo (VR), trong một thương vụ trị giá tới 2 tỷ USD gồm cả tiền mặt lẫn cổ phiếu.
Theo CNET, Facebook sẽ trả cho Oculus 400 triệu USD tiền mặt cùng 23,1 triệu cổ phiếu phổ thông Facebook, cộng thêm 300 triệu USD tiền mặt và cổ phiếu khác, được giải ngân sau những mốc thời gian quan trọng. Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong quý 2 năm nay.
Oculus được coi là hãng tiên phong trong ngành công nghiệp VR mới nổi, khởi nghiệp từ Kickstarter và theo đuổi con đường nguồn mở. Hãng này vừa mới công bố bộ phát triển SDK hoài thiện dành cho thiết bị Rift hồi tuần trước tại Hội thảo các nhà phát triển game toàn cầu (GDC), ngay trước thềm lễ ra mắt chính thức của Rift.
Dù chưa sản xuất bất cứ sản phẩm thương mại nào, nhưng mẫu headset có tên Rift dành cho giới phát triển video game của Oculus đã gây ra một cơn địa chấn thực sự tại Hội thảo GDC. Nhiều báo đánh giá, Rift sẽ "thay đổi hoàn toàn cách người dùng cảm nhận về video game". Thiết bị này gần như không thể mô tả được bằng lời. Nó khiến cho bạn cảm thấy mình được thực sự đắm mình trong môi trường ảo. Nhưng bạn phải dùng thử, phải trải nghiệm thực tế thì mới có thể hiểu được trọn vẹn giá trị của nó. "Một sản phẩm khiến trí óc bạn bị thổi bay", Business Insider đã gọi Rift như vậy.
Theo Mark Zuckerberg, kế hoạch của mạng xã hội này là mở rộng Oculus ra khỏi địa hạt của game. "Sau game, chúng tôi sẽ biến Oculus thành một nền tảng cho rất nhiều trải nghiệm khác. Hãy tưởng tượng cảnh bạn được ngồi ngay hàng ghế đầu trong một trận đấu, học trong lớp học với giáo viên và học viên đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, hoặc được tư vấn mặt đối mặt với bác sĩ - tất cả chỉ bằng một thao tác đơn giản: Đeo cặp kính này lên mắt”, ông nói.
Sản phẩm đeo của Oculus.
Zuckerberg cũng tin rằng, thực tế ảo (VR) sẽ là nền tảng điện toán quan trọng tiếp theo, sau các thiết bị di động như smartphone và máy tính bảng. "Lịch sử gợi ý rằng sẽ có những nền tảng mới xuất hiện. Vụ mua lại hôm nay chính là sự đặt cược dài hạn cho tương lai của điện toán", Zuckerberg tuyên bố.
7- Bộ TT-TT yêu cầu các mạng có chính sách ưu đãi cho người dùng IPv6
Tại cuộc họp phổ biến Kế hoạch hoạt động năm 2014 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia diễn ra ngày 26/3/2014 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng đã yêu cầu VNPT, Viettel nghiên cứu các chính sách về gói cước, dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng dùng IPv6 với nhiều ưu đãi hơn so với khách hàng dùng IPv4 để góp phần cho sự tăng trưởng lưu lượng sử dụng IPv6 tại Việt Nam trong thời gian tới.
Cùng đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia giao trách nhiệm cho các báo điện tử, mạng xã hội như VietnamNet, VnExpress, Zing, Go.vn... phải xây dựng lộ trình chuyển đổi sang hỗ trợ IPv6.
Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã rất tích cực thúc đẩy việc triển khai IPv6 để đảm bảo sự phát triển bền vững cũng như hoạt động ổn định của Internet Việt Nam trong bối cảnh địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt, nhưng kết quả thực tế không như mong muốn. Tỷ lệ lưu lượng IPv6 của Việt Nam vẫn rất thấp, thậm chí thấp hơn cả Campuchia và Lào. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế từ Singapore, cho thấy một phần nguyên nhân do Việt Nam mới huy động sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) triển khai chuyển đổi sang IPv6 trong mạng lõi chứ chưa có hoạt động xúc tiến cho các khách hàng, người dùng đầu cuối chuyển đổi sang IPv6.
Liên quan tới thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6, đại diện VNPT mong muốn các cơ quan Bộ sớm có được phòng đo kiểm, kiểm chứng thiết bị, sản phẩm hỗ trợ IPv6 cũng như các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan tới IPv6. Trong quá trình chuyển đổi các sản phẩm, dịch vụ sang nền IPv6, nếu không có tiêu chuẩn để kiểm định, rất dễ xảy ra trường hợp chuyển đổi xong thiết bị, dịch vụ rồi mới bị nói là không phù hợp, làm mất thời gian, công sức của doanh nghiệp.
Theo dự kiến của Cục Viễn thông, đề án xây dựng phòng đo kiểm chứng nhận thiết bị, sản phẩm hỗ trợ IPv6 tại Việt Nam sẽ được hoàn tất vào quý 3/2014 và sang năm 2015 sẽ triển khai đầu tư.
Còn theo Vụ Khoa học Công nghệ, đơn vị chủ trì việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn thuộc lĩnh vực CNTT – viễn thông, trong năm 2014 sẽ tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá tính sẵn sàng kết nối IPv6 của các thiết bị đầu cuối, thiết bị trong hạ tầng mạng của doanh nghiệp, còn những tiêu chuẩn khác liên quan tới mạng lưới của tổ chức, doanh nghiệp thì sẽ được ban hành trong những năm tiếp theo.
Cũng cần lưu ý, việc chuyển đổi sang IPv6 không có nghĩa là sẽ triệt tiêu IPv4 mà các thiết bị, sản phẩm, dịch vụ vẫn có thể hoạt động song song cả trên nền IPv4 và IPv6. Nền IPv6 được coi là “cứu cánh” giúp cho các sản phẩm, dịch vụ mới trên mạng Internet có thể hoạt động và phát triển trong bối cảnh địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt.
8- Chỉ 20% doanh nghiệp Việt Nam có tên miền và website
Ngày 28/3/2014, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cùng các Nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam đã có cuộc một hội thảo “Bảo vệ thương hiệu Việt với tên miền .VN” tại Quảng Ninh. Theo đó, đối với các doanh nghiệp nước ngoài, việc đăng ký tên miền, website là chuyện đương nhiên phải quan tâm từ đầu thì trái lại, các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm lắm đến việc này.
Theo số liệu của VNNIC, hiện khối các doanh nghiệp Việt Nam mới đăng ký khoảng 200.000 tên miền (bao gồm cả tên miền Việt Nam .VN và tên miền quốc tế), trong đó mỗi doanh nghiệp thường đăng ký nhiều hơn 1 tên miền. Trong khi đó tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay là hơn 500.000 doanh nghiệp. Như vậy có nghĩa là, tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam có trang tên miền hoặc website chỉ chiếm khoảng 20%.
Đây là hội thảo lần thứ 3 trong chuỗi sự kiện cùng chủ đề “Bảo vệ thương hiệu Việt với tên miền .VN” đã được tổ chức trước đó tại Bình Dương và Cần Thơ năm 2013.
Hội thảo lần này được VNNIC và các nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức chung của doanh nghiệp về bảo hộ thương hiệu trên mạng Internet, phát triển và quảng bá hoạt động trên mạng Internet, trong đó tập trung vào nội dung bảo vệ thương hiệu trên mạng với tên miền .VN. Ngoài ra, Hội thảo cũng nhằm thúc đẩy sự phát triển hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin tại địa bàn Quảng Ninh và các tỉnh lân cận, giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa phương về Internet nói chung và tài nguyên Internet nói riêng.
Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng của các hoạt động thương mại điện tử, các vấn đề về đăng ký sử dụng tên miền liên quan tới việc bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp trên mạng Internet ngày càng trở nên quan trọng, được nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhất là tại những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ… Tuy vậy, phần lớn doanh nghiệp trong nước chưa nhận thức hết tầm quan trọng của vấn đề tên miền liên quan tới thương hiệu trên mạng Internet. Điều đó có thể thấy được qua các vụ việc tranh chấp tên miền ngày một tăng như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa trong thời gian vừa qua.
Theo VNNIC, với việc phát triển ứng dụng CNTT cũng như các hoạt động quảng bá trên Internet thì việc không có website, không sử dụng thư điện tử với tên miền chuyên nghiệp là doanh nghiệp đã tự làm giảm cơ hội quảng bá của mình. Tên miền là địa chỉ của DN trên Internet, và trong nhiều trường hợp nó được coi là thương hiệu của doanh nghiệp trên Internet. Tuy vậy, tên miền không đồng nhất với thương hiệu, nhãn hiệu và không phải là đối tượng nằm trong phạm vi bảo hộ của sở hữu trí tuệ. Theo thông lệ trên thế giới và ở Việt Nam, việc cấp phát tên miền theo nguyên tắc bình đẳng giữa cá nhân và tổ chức, đăng ký trước được cấp phát trước. Việc có được bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ chưa đủ để đảm bảo cho doanh nghiệp có được tên miền liên quan. Chính doanh nghiệp phải chủ động đăng ký các tên miền liên quan đến quyền lợi, lợi ích của mình.
9- Chỉ 10% kỹ sư CNTT sau khi tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp
Chiều 27/3, chương trình Roadshow “Kết nối doanh nghiệp với học sinh & sinh viên” năm 2014 đã diễn ra tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, cơ sở TPHCM. Khoảng 300 sinh viên Khoa CNTT của Học viện đã tham dự và được các diễn giả chia sẻ những kỹ năng, kiến thức mới về ngành, nghề thông qua các nhóm chủ đề: Nhu cầu nhân lực CNTT - Các ngành nghề CNTT phổ biến; Vấn đề khởi nghiệp, thực tập tại doanh nghiệp; Kỹ năng phỏng vấn hiệu quả…
Đây cũng là cơ hội để các sinh viên tiếp cận với nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp tham gia chương trình.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM cho biết, tại Việt Nam, CNTT là một trong 5 nhóm ngành “khát” nhân lực. Riêng TP.HCM, mỗi năm các doanh nghiệp tuyển dụng cần khoảng 80.000 nhân sự cho ngành CNTT, nhưng khả năng đáp ứng của các trường (đào tạo về mảng này) hiện chỉ đạt gần 20%. Đáng nói hơn, hiện chất lượng sinh viên ra trường có khả năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp rất thấp, trong 100 kỹ sư doanh nghiệp chỉ chọn được 10 người vững tay nghề. Nguyên do, nhiều người cho rằng, chưa hẳn là do chương trình đào tạo của các trường không phù hợp mà còn có nhiều nguyên nhân khác.
Đồng quan điểm, ông Ngô Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Global Cybersoft cho rằng, các sinh viên Việt Nam có thể đạt trình độ tương đương với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, các sinh viên không chủ động trang bị cho mình các kỹ năng mềm.
Chương trình Roadshow “Kết nối doanh nghiệp với học sinh & sinh viên” được Hội Tin học thành phố phối hợp với các trường trên địa bàn tổ chức từ năm 2008. Tính đến nay, chương trình đã diễn ra tại 17 điểm trường cao đẳng, đại học. Trong đợt 1 năm 2014, ngoài điểm trường Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, chương trình sẽ lần lượt được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố (ngày 28/3) và Đại học CNTT Thành phố (ngày 2/4).
10- Cẩn trọng với thẻ cào điện thoại giả
Sau vụ việc Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) bắt giữ một thùng carton trong đó có 24.900 thẻ cào Mobifone giả, có mệnh giá 100.000 đồng với tổng giá trị (trong lô thẻ giả) ước tính lên đến 2,5 tỷ đồng hồi đầu năm, và Mobifone đã khẳng định lô thẻ cào giả này là giả, cho thấy, hành vi làm, tiêu thụ thẻ cào điện thoại giả nếu bán trót lọt sẽ kiếm lợi rất nhanh.
Với tần suất khá cao về những ngày vàng, giờ vàng khuyến mãi của các mạng, nhu cầu mua và nạp thẻ của người tiêu dùng càng tăng thì khả năng mất tiền oan khi mua phải thẻ cào giả trên thị trường càng cao.
Mới đây, một thủ đoạn không mới nhưng làm người mua rất dễ “sập bẫy” khi mua thẻ cào trôi nổi trên thị trường. Đó là những thẻ cào thật của nhà mạng, nhưng sau khi mua và cào ra để nạp thì số tiền thực nhận có trị giá thấp hơn rất nhiều so với mệnh giá ghi trên thẻ.
Thủ đoạn mới, “treo đầu dê, bán thịt chó” để hưởng chênh lệch tiền bán thẻ.
Ở đây, bọn gian thương đã mua những thẻ có mệnh giá thấp (10.000 – 20.000 đồng), rồi bóc lấy lớp mã số trên các thẻ ấy (thẻ thực, có mệnh giá thấp) đem dán chồng lên phần mã số của những thẻ có mệnh giá cao hơn (đã sử dụng) để ăn chênh lệch.
Với tâm lý cả tin và ham rẻ của số đông người dùng, chẳng hạn thẻ 100.000 đồng nhưng bán thấp hơn 10.000 đồng hoặc hơn (bình thường chỉ bới 4-5 nghìn với các đại lý), cộng thêm những lời mời mọc, quảng cáo “có cánh” trên các diễn đàn, forum không chính thống, thế là nhiều người mắc bẫy. Đây là môt hình thức lừa đảo trực tuyến mà người dùng nên cảnh giác. Đã có nhiều trường hợp người dùng mua phải thẻ cào “treo đầu dê, bán thịt chó” dạng này, phải “ngậm đắng nuốt cay” mất tiền lại thêm bực vì trót tin vào những lời ngon ngọt, mua với giá rẻ trên mạng.
Làm thế nào để tránh mất tiền oan khi mua thẻ cào?
Trước tiên, bạn nên mua tại những điểm bán lẻ có uy tín và có hóa đơn mua hàng. Tuyệt đối tránh việc mua và giao hàng (thẻ cào) qua mạng, có khả năng bị giả rất cao. Chỉ nhận những thẻ còn đủ lớp tráng bạc che phủ 12 mã số nạp tiền, không nhận những thẻ bị trầy xước lớp tráng bạc hay có dấu hiệu khác lạ ở khu vực này.
Thứ là, khi mua thẻ nạp, bạn nên cào và nạp tiền vào tài khoản (vừa mua) ngay tại điểm bán hàng để nếu có vấn đề gì, có thể khiếu nại ngay.
Ngoài ra, có nhiều cách đơn giản khác, cũng nhanh và an toàn, đó là bạn đề nghị người bán nạp thẻ trực tiếp vào máy cho bạn (đưa máy cho họ nạp hộ), hay nạp theo dạng Eloard (người bán dùng SIM E-loard để nạp cho máy của bạn), nạp tiền (vào máy của bạn) từ máy của bạn bè, người thân – những máy này có sử dụng dịch vụ ngân hàng/chuyển tiền cho người khác…
Thanh Trà (tổng hợp)