10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Bitcoin tại Việt Nam đang “tiền trảm, hậu tấu”?
Chưa được Việt Nam thừa nhận, nhưng sàn giao dịch Bitcoin - www.vbtc.vn vẫn ra mắt. Và lối “tiền trảm, hậu tấu” này đáng được coi là sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần.
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: “Lãnh đạo sở ngành rất kém về CNTT”
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Mobifone chính thức rời VNPT
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bât trong tuần: Báo mạng sẽ là chủ lực trong tương lai
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Nguyễn Hà Đông sẽ kiện các “game nhái”
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014 bước sang năm thứ 10
- 10 sự vụ VTCNTT nổi bật trong tuần: Cái tên Nguyễn Hà Đông vẫn có sức ảnh hưởng lớn
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
1- Thương hiệu VNG được định giá 1 tỉ USD
Công ty Nghiên cứu Thị trường World Startup Report đã xuất bản báo cáo về các công ty kinh doanh Internet toàn cầu với sự có mặt của 50 nước đến từ 6 châu lục, trong đó, 3 công ty kinh doanh Internet lớn nhất của từng nước sẽ được lựa chọn. Việt Nam có 3 công ty, đó là Cty Cổ phần VNG, Cty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (VC Corp) và Công ty Cổ phần Vật giá Việt Nam (Vật Giá).
Cụ thể, VNG được định giá 1 tỉ USD (21.240 tỉ đồng); VC Corp 125 triệu USD (2.655 tỉ đồng); Vật Giá 75 triệu USD (khoảng 1.593 tỉ đồng).
Cả 3 công ty này đều “khá trẻ”, hoạt động dưới 10 năm. Trong đó, VNG được thành lập năm 2004, chuyên về trò chơi trực tuyến và các trang giải trí như Zing.vn và Zalo.
Theo World Startup Report, truyền thông là ngành kinh doanh Internet có giá trị cao nhất, nhưng phổ biến nhất lại thuộc về những công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và công cụ tìm kiếm.
2- Dù “luật chưa thông”, sàn Bitcoin tại Việt Nam vẫn ra mắt
Dù chưa được pháp luật tại Việt Nam thừa nhận, song sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến (www.vbtc.vn) vẫn ra mắt ngày 9/7 mới đây cùng một thông điệp “hot” trên website: “Tự tin giao dịch với sàn Bitcoin lớn nhất Việt Nam!”.
Ảnh chụp trang giao dịch tiền ảo www.vbtc.vn của Việt Nam.
Cuối tháng 2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi một văn bản cảnh báo việc giao dịch tiền ảo Bitcoin tại Việt Nam và cho rằng, Bitcoin không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng đồng Bitcoin để thanh toán không được pháp luật Việt Nam thừa nhận.
Còn Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (thuộc Bộ Công Thương) cũng bày tỏ quan điểm: Tiền ảo Bitcoin chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin không chấp nhận việc thông báo, đăng ký các website mua bán Bitcoin như website thương mại điện tử bán hàng hay sàn giao dịch thương mại điện tử.
Tuy nhiên, dù đã được các cơ quan chức năng khảng định rõ như thế, nhưng một số website về Bitcoin tại Việt Nam vẫn âm thầm tồn tại. Và việc sàn giao dịch trực tuyến www.vbtc.vn tuyên bố ra mắt mới đây chẳng khác nào những “giọt nước tràn ly”, cố ý “tiền trảm, hậu tấu”, như việc “đã từng” trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam.
Và sự ra mắt chính thức của sàn www.vbtc.vn trong bối cảnh này chẳng khác nào một sự “chọc giận” các cơ quan chức năng.
Cách đây hơn 1 tháng, Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố hai bị can về tội kinh doanh, khai thác, mua bán tiền ảo Bitcoin, nhưng hình như vụ việc “chưa đủ đô”.
Sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến www.vbtc.vn được thành lập bởi Cty TNHH VBTC (Việt Nam) và Cty Bit2C (có trụ sở tại Israel). Một khi công khai ra mắt và giao dịch, sàn này có thể “tiếp lửa” cho các sàn giao dịch ngầm tiền ảo Bitcoin hoạt động lâu nay, và xa hơn là “bước từng bước” để tiến tới việc công khai tiền ảo ở Việt Nam.
Theo lập luận của doanh nghiệp lập sàn giao dịch www.vbtc.vn, thay vì cấm, dẫn đến các sàn đi vào hoạt động ngầm thì nên cho phép hoạt động chính thức nhằm thúc đẩy thương mại điện tử.
Điều này phải chờ động thái mới của các cơ quan chức năng thôi!
3- Năm 2020, truyền hình trả tiền ở VN sẽ đạt 865 triệu USD
Theo Ericsson, tới năm 2020, ngành truyền hình và media toàn cầu sẽ trở thành một ngành mang lại doanh thu 750 tỉ USD, phục vụ cho 8 tỉ thuê bao băng rộng và 50 tỉ thiết bị kết nối. Trong đó, sẽ có 15 tỉ thiết bị có tính năng video và bất cứ thiết bị hay vật dụng nào có màn hình đều nên thiết kế có tính năng xem video. Tới năm 2019, video sẽ chiếm hơn 50% lưu lượng dữ liệu di động trên toàn cầu và tốc độ tăng trưởng hàng năm là 55%.
Ở Việt Nam, Media Partners Asia dự báo đến năm 2020, số hộ dân dùng truyền hình trả tiền là 70% và truyền hình số là 100%. Số hộ gia đình sử dụng tivi từ 2013 dự báo đến 2020 tăng từ 87,5% lên 88,2%. Cũng theo Media Partners Asia, tăng trưởng truyền hình trả tiền ở Việt Nam sẽ tăng từ 5,4 triệu gia đình lên 8,1 triệu gia đình và những thông tin khác chỉ ra rằng, con số này còn lớn hơn. Doanh thu thuê bao truyền hình/tháng sẽ tăng từ 4,9 USD lên 6,9 USD/tháng. Tổng doanh thu truyền hình trả tiền năm 2013 đạt 423,6 triệu USD sẽ tăng lên 865 triệu USD vào năm 2020.
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, Ericsson còn tham gia lĩnh vực truyền hình hơn 20 năm qua. Ericsson đã cung cấp giải pháp IPTV cho hơn 15 triệu hộ gia đình và chiếm 25% thị phần IPTV toàn cầu.
4- 6 tháng đầu năm, doanh thu VinaPhone đạt gần 12,1 nghìn tỷ
Đây là con số được Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT - Giám đốc Công ty VinaPhone Lâm Hoàng Vinh cho biết tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014 mới đây.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son trao các tấm tranh lưu niệm cho Cty VinaPhone.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, VinaPhone đạt doanh thu xấp xỉ 12,1 nghìn tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch được giao. Chênh lệch thu chi đạt gần 933 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch. Doanh thu nạp thẻ tài khoản đạt xấp xỉ 5,5 nghìn tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch; doanh thu trả trước (toàn mạng) đạt xấp xỉ 5,4 nghìn tỷ đồng đạt 47% kế hoạch. Thuê bao đang hoạt động (của nhà mạng VinaPhone) là 21.692.904 thuê bao.
5- Đứt cáp quang biển AAG, kết nối internet đi quốc tế của VN bị chậm
Vào lúc 18h33’ ngày 15/7/2014 trên hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG đoạn từ Vũng Tàu (Việt Nam) đi Hồng Kông đã xảy ra sự cố, khiến một sợi cáp trên tuyến cáp AAG thuộc phân đoạn Vũng Tàu – Hong Kong bị đứt. Vị trí bị sự cố cách trạm cập bờ Vũng Tàu 18km, nằm ở độ sâu 19m dưới mực nước biển.
Sự cố này gây sụt giảm khoảng 40% dung lượng băng thông Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông, Mỹ của tất cả các nhà mạng tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp này.
Ngay sau đó, dung lượng Internet quốc tế của Tập đoàn VNPT (nhiều nhất) và của những đơn vị khác đã được chuyển sang các hướng khác (cáp đi trên đất liền và cáp biển SMW3), nên dù hơi bị chậm, nhưng vẫn đảm bảo được việc cung cấp dịch vụ cho người dùng.
Được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang AAG có chiều dài hơn 20.000km, dung lượng thiết kế đạt 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Điểm cập bờ ở Việt Nam là ở Vũng Tàu. Ngoài khả năng kết nối Đông Nam Á với Mỹ, AAG còn có thể kết nối đến Australia, Ấn Độ, Châu Âu và châu Phi thông qua điểm cập bờ của hệ thống.
6- Sử dụng tài nguyên kho số viễn thông “đang bị lệch”
Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông hôm 15/7, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết, 90% tài nguyên kho số viễn thông dành cho mảng điện thoại cố định nhưng lượng thuê bao trên toàn thị trường của mảng này hiện chỉ chiếm khoảng 10%.
Trong số 9 đầu số đang được sử dụng ở Việt Nam thì 7 đầu số được dùng cho điện thoại cố định, 2 đầu số (9 và 1) được dùng cho các thuê bao di động. “Đây là một trong những bất cập lớn của thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay”, ông Thắng cho biết.
Theo ông, với thực trạng trên, ngành viễn thông cần phải giành nhiều nguồn kho số hơn nữa cho dịch vụ di động, giảm đầu số cho dịch vụ cố định. Cần sắp xếp lại để 90% nguồn tài nguyên kho số phục vụ cho di động, còn 10% tài nguyên kho số phục vụ cho điện thoại cố định - tức đảo ngược lại, cho phù hợp với xu thế hiện nay.
Theo lãnh đạo Bộ TT-TT, có hai cách để thực hiện kế hoạch trên. Thứ nhất là kéo dài đầu số di động từ 7 số lên 8 số để đảm bảo đủ kho số di động. Hai là sắp xếp lại mã vùng để đảm bảo số lượng đầu số dùng cho cố định giảm đi.
Hiện mã vùng của 27 tỉnh thành dùng 3 chữ số, 35 tỉnh thành dùng 2 chữ số, 2 tỉnh thành dùng 1 chữ số, rất lủng củng và cần sắp xếp lại.
7- Bảo vệ sự an toàn mạng bằng PM có bản quyền
Thời gian gần đây, vấn đề an toàn mạng trên toàn cầu ngày càng được quan tâm bởi sự phát triển nhanh của các loại tội phạm mạng, cả về số lượng và mức độ tinh vi của các phương thức tấn công. Mục tiêu tấn công giờ đây không chỉ nhắm đến người dùng cá nhân và các tổ chức doanh nghiệp mà còn hướng đến các cơ quan, tổ chức nhà nước của các chính phủ. Chính vì thế, song song với các giải pháp an toàn thông tin mạng thì việc sử dụng phần mềm (PM) bản quyền cũng là một vấn đề đáng quan tâm.
Trong năm 2013, có tới 81% các PM được cài đặt trên các máy tính cá nhân tại Việt Nam không có bản quyền. Kết quả này vừa được tổ chức Liên minh phần mềm (BSA) công bố.
Đại diện BSA tại Việt Nam chỉ ra, lợi ích thấy rõ khi sử dụng PM bản quyền: Ước tính chi phí cho PM máy tính chỉ chiếm 5% - 6% tổng chi phí của mỗi doanh nghiệp. Đây không phải con số quá lớn so với chi phí để khắc phục sự cố cũng như rủi ro do sử dụng PM không có giấy phép gây ra. Sử dụng PM có giấy phép còn mang đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như không phải đối mặt với những rủi ro về pháp lý. Hơn nữa, người sử dụng còn nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật bao gồm vá PM bị lỗi, xử lý các sự cố, PM không bị lỗi, không bị cài các ứng dụng gián điệp… Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao và phần mềm độc hại ngày càng gia tăng như hiện nay.
8- Bộ sẽ tôn trọng quyền tự định giá cước di động của DN và buộc DN phải đảm bảo chất lượng dịch vụ
Tại Hội nghị giao ban nhà nước 6 tháng đầu năm với các doanh nghiệp viễn thông ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng khẳng định, cần phải quản lý giá cước viễn thông theo cơ chế kinh tế thị trường, tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, tránh tình trạng cơ quan quản lý can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà mạng như hiện nay.
Thứ trưởng cho biết, sau khi Luật Viễn thông, Luật Giá ra đời, giá cước vẫn được quản lý theo quy định cũ, chưa theo Luật Viễn thông và Nghị định 25. "Cách quản lý giá cước hiện nay mang tính Nhà nước can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế vẫn phải đăng ký từng gói cước với cơ quan quản lý, dẫn đến bị động”. Vì thế, thời gian tới, Cục Viễn thông và Bộ TT-TT phải quản lý giá cước theo đúng tinh thần của Luật Giá và Luật Viễn thông, cũng như theo thông lệ quốc tế.
Cùng đó, thời gian qua, có tình trạng một số dịch vụ viễn thông được công bố đạt chất lượng nhưng người tiêu dùng vẫn phàn nàn về tốc độ (với 3G) cũng như cường độ tín hiệu (hay rớt sóng, mất sóng, nghẽn mạng). Nói cách khác, dường như đang tồn tại sự chênh lệch giữa việc đo kiểm, đánh giá chất lượng dịch vụ viễn thông của các cơ quan Nhà nước với cảm nhận, đánh giá của người tiêu dùng. Thứ trưởng khẳng định, cần phải thu hẹp dần khoảng cách này, bởi với người tiêu dùng thì chất lượng là yếu tố quan trọng nhất của hàng hóa, dịch vụ. Trong môi trường cạnh tranh, nếu doanh nghiệp không đảm bảo chất lượng sẽ nhanh chóng bị loại khỏi thị trường.
9- MobiFone sẽ được tổ chức thành nhà khai thác viễn thông hoàn chỉnh
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của VMS mới đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son định hướng công tác cho Cty VMS trong 6 tháng cuối năm 2014 cần tập trung vào việc tổ chức sắp xếp lại, hướng trở thành một nhà khai thác viễn thông hoàn chỉnh, đủ năng lực, trở thành một Tổng công ty mạnh.
Cụ thể, đó là VMS cần tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, trước hết mô hình quản lý mạng lưới thống nhất, kể cả các dịch vụ viễn thông, gồm cố định và di động và theo hướng hội tụ với hạ tầng, truyền dẫn phát thanh truyền hình thống nhất, không chia tách. Công ty cần quản lý kỹ thuật tập trung, nhưng kinh doanh phân phối bán hàng phát triển mạng lưới rộng khắp, phân cấp cho cơ sở tiếp xúc với khách hàng sao cho phù hợp nhất để phục vụ phát triển chung cho Tổng công ty. Theo Bộ trưởng, tổ chức thành Tổng công ty thì quy mô và nhân lực phải lớn hơn nữa.
Bộ trưởng cũng đề nghị VMS phối hợp các cấp, các ngành, đặc biệt là hợp tác chặt chẽ với VNPT, vừa là trách nhiệm và tình cảm. Gắn kết với tập đoàn VNPT để đầu tư cần thiết, còn lại phát huy theo tinh thần dùng chung, tránh lãng phí nguồn lực nhà nước, tránh đầu tư trùng lặp.
Tái cơ cấu để Tập đoàn VNPT, MobiFone cùng mạnh hơn. MobiFone cần gắn bó, đoàn kết xây dựng một mạng viễn thông hoàn chỉnh, vững mạnh, thành đơn vị lớn của đất nước trong thời gian tới. VMS phát triển lên Tổng công ty, song song thực hiện xây dựng phương án cổ phần hóa, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
10- Việt Nam tăng 3 bậc xếp hạng về Chính phủ điện tử
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2014 lần thứ 12 khai mạc tại Đà Nẵng sáng 17/7. Chủ đề của Hội thảo lần này là “Phát triển Chính phủ điện tử: Hạ tầng thông minh, Hành chính hiện đại, Nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.
Theo báo cáo của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG tại Hội thảo, tháng 5 vừa qua, Viện Chính phủ điện tử tại Đại học Waseda Tokyo (Nhật Bản) phối hợp với Học viện Quốc tế CIO (IAC) đã công bố kết quả của cuộc khảo sát xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2014 trên 9 tiêu chí: Cơ sở hạ tầng mạng; hiệu quả quản lý; ứng dụng dịch vụ trực tuyến; cổng thông tin điện tử Chính phủ; giám đốc CNTT trong Chính phủ; các hoạt động đẩy mạnh Chính phủ điện tử; hỗ trợ trực tuyến; Chính phủ mở và an ninh mạng.
Theo đó, Việt Nam xếp hạng 34 trên 61 quốc gia, tăng 3 bậc so với 2013. Riêng trong khối kinh tế APEC cũng như trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 13; còn tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5 (sau Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia). Việc nâng cao hạ tầng CNTT-TT đã góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Thanh Trà (tổng hợp)